Người dân cả nước đã hướng về núi Nghĩa Lĩnh với lòng thành kính, cùng chung tay vun đắp, khẳng định giá trị di sản cộng đồng.
Nổi bật di sản cộng đồng
Sau hơn một năm tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, người dân Phú Thọ càng thêm hứng khởi gìn giữ và phát huy di sản đất Tổ. Điều này được thể hiện rõ trong lễ hội.
Đã thành truyền thống, ngày 8/3 âm lịch hàng năm, người dân Phú Thọ lại tổ chức rước kiệu về Đền Hùng. Từ sáng sớm, các bậc cao niên đến gái trai ở các làng ven sông Hồng như: Xã Huy Cương, Chu Hóa, Hùng Lô, Kim Đức, Tiên Kiên, thị trấn Hùng Sơn... xúng xính quần áo quan viên, kiệu cổ, bát âm, cờ phướn, bát bửu thành kính báo công với Vua Hùng.
Năm nay, lễ rước kiệu và dâng tiến lễ vật được tổ chức theo hình thức xã hội hóa, tức là, các địa phương có nguyện vọng rước kiệu đăng ký với Ban tổ chức để được tạo điều kiện về an ninh trật tự và hỗ trợ một phần kinh phí. Các con dân Vua Hùng với cờ, hoa, lọng, kiệu và trang phục truyền thống náo nhiệt trong tiếng trống hội xếp thành hàng dài từ sân trung tâm lễ hội lên cổng đền Hùng. Tụ hội trong các đoàn rước kiệu năm nay không chỉ có các đoàn kiệu cổ, đoàn rước truyền thống mà còn có các đơn vị, ban, ngành góp tiếng trống, chiêng, nhạc bát âm rộn rã cả một vùng.
Ươm mầm di sản
Cuối năm 2013, khi Đề án bảo tồn phát huy giá trị di sản phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại - hát Xoan Phú Thọ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhịp trống, tiếng hát Xoan đã vang lên khắp miền đất Tổ. Trong Lễ hội Đền Hùng 2014, hát Xoan hiện hữu tại không gian nghệ thuật của Bảo tàng Hùng Vương, tại các trại nghệ thuật ở sân trung tâm lễ hội, hay trong những đêm giao lưu nghệ thuật Liên hoan Xoan, về miền di sản. Chủ trương của Ban tổ chức lễ hội năm nay là dành đất diễn cho các nghệ sĩ nhí.
Năm 2014, lần đầu tiên tỉnh Phú Thọ tổ chức Liên hoan hát Xoan cho thanh thiếu nhi TP lần thứ nhất. Liên hoan quy tụ gần 100 nghệ sĩ ở các phường Xoan gốc và các trường trung học cơ sở trong tỉnh. Hội tụ tại Liên hoan hát Xoan lần này đặc biệt có sự xuất hiện của 3 thế hệ hát Xoan gia đình nghệ nhân Lê Thanh Nhàn (phường Xoan Thét). Cô cháu gái Nguyễn Thị Kim Dung (6 tuổi) và anh trai Nguyễn Đình Chí (10 tuổi) của nghệ nhân Nhàn đã hát được gần 10 bài xoan cổ, khiến không ít người thán phục.
Một trong những nhiệm vụ của Đề án bảo tồn hát Xoan là triển khai chương trình giáo dục về Di sản văn hóa phi vật thể hát Xoan lồng ghép trong các chương trình chính thức và ngoại khóa tại các trường học trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. Chính vì vậy, Liên hoan hát Xoan không chỉ quy tụ các nghệ sĩ nhí ở các phường xoan gốc, mà còn có học sinh của các huyện Thanh Sơn, Thanh Ba, Tam Nông. Nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch (trùm phường Xoan An Thái) tỏ ra vui mừng vì có rất nhiều cháu nhỏ theo học hát Xoan. Bà không nhớ hết là mình đã truyền dạy cho bao nhiêu học trò, trong đó không ít người đã trở thành những hạt nhân trong phong trào văn nghệ ở địa phương và tiếp tục truyền dạy cho thế hệ sau.
5 triệu du khách trẩy hội trong trật tự
Bà Nguyễn Thị Tuyết Trinh - Phó Giám đốc Sở TT&TT Phú Thọ, Phó Ban tổ chức Lễ hội Đền Hùng 2014 cho biết: "Từ ngày khai hội đến hết ngày 8/4, Lễ hội Đền Hùng 2014 đã đón hơn 3 triệu lượt khách tham gia trẩy hội. Ban tổ chức dự kiến, trong ngày 9/4 (tức ngày 10/3, ngày chính hội), Đền Hùng sẽ đón thêm gần 2 triệu lượt khách. Tuy lượng du khách đến trẩy hội rất đông nhưng chưa xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông hay rác thải bừa bãi". Năm nay, Ban tổ chức đã tập trung đảm bảo an toàn giao thông, chống ùn tắc, chèo kéo, chặt chém du khách, giữ môi trường lễ hội... Đồng thời, bố trí cán bộ thực hiện nhiệm vụ tại các đền, chùa, thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn người dân về dâng hương theo truyền thống, kiên quyết ngăn chặn bán hàng rong, bói toán, cúng và đốt vàng mã... trong khu vực di tích.
Trong số gần 5 triệu lượt khách về trẩy hội Đền Hùng năm nay có rất nhiều du khách nước ngoài. Anh John Park, 24 tuổi, đến từ Astraulia cho biết: "Tôi biết đến Lễ hội Đền Hùng thông qua kênh thông tin giới thiệu di sản của UNESCO. Vì tín ngưỡng thờ cúng người Việt là di sản thờ cúng đầu tiên của di sản văn hóa thế giới nên tôi rất tò mò muốn biết người dân nước bạn thể hiện tín ngưỡng ấy như thế nào. Đến đây cùng bạn bè vào đúng dịp lễ hội, tôi thật sự bất ngờ trước cảnh người già, người trẻ chân bước bậc, tay thành kính dâng hương trên đỉnh núi. Tôi không nghĩ lễ hội lại đông đến thế".
Thế mới thấy sức lan tỏa của di sản tín ngưỡng thờ cúng Vua Hùng không chỉ ngự trị trong trái tim người Việt mà đã vượt lãnh thổ, đến với bạn bè khắp năm châu. Để mỗi năm vào dịp tháng 3, hàng triệu người lại cùng nhịp bước hướng về mảnh đất Phú Thọ, thắp nén nhang, một lòng thành kính tri ân công đức Tổ tiên.
Lễ rước kiệu tại lễ hội Đền Hùng. Ảnh Thanh Tùng
|
Lễ rước kiệu về Đền Hùng là nghi lễ truyền thống, được cộng đồng sáng tạo, duy trì, bảo tồn từ hàng ngàn năm nay, trở thành một định lệ, là bản sắc văn hoá dân gian tiêu biểu, không thể thiếu trong Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng 2014. Ông Phạm Bá Khiêm - Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Phú Thọ |