Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lỏng lẻo trong quản lý cấp đất, nhà, tài sản của cán bộ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cuối tuần qua, Ủy ban Kiểm tra T.Ư đã công bố kết luận kiểm tra tài sản đối với ông Trần Văn Truyền - nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ, trong đó có yêu cầu thu hồi một số tài sản nhà, đất của ông Trần Văn Truyền.

Lỏng lẻo trong quản lý cấp đất, nhà, tài sản của cán bộ - Ảnh 1
GS.TSKH Đặng Hùng Võ
Phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với GS.TSKH Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT xung quanh vấn đề này.

 Ủy ban Kiểm tra T.Ư đã công bố kết luận kiểm tra, trong đó có yêu cầu thu hồi một số tài sản nhà, đất của ông Trần Văn Truyền. Quan điểm của ông về việc này thế nào?

- Kết luận của Ủy ban Kiểm tra T.Ư rất rõ ràng, trong đó có việc yêu cầu thu hồi một số tài sản nhà, đất của ông Trần Văn Truyền. Tôi đánh giá cao trách nhiệm của Ủy ban Kiểm tra T.Ư trong vụ việc này khi đã đưa ra được kết luận hợp lòng dân. Đây là minh chứng rõ ràng cho quyết tâm phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước. Đối với những tài sản nhà, đất không phải do mình làm ra thì cần phải thu hồi. Đồng thời, phải xử lý trách nhiệm đối với những người trực tiếp và gián tiếp để xảy ra sự việc đó.

Chúng ta đã có tiến bộ tích cực với kết luận thu hồi một số tài sản mà được xem xét lại không có nguồn chính trực, sự liêm chính của việc tạo lập tài sản không đúng. Tôi cho rằng, việc thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng đã được đẩy lên, và người dân sẽ cảm thấy hài lòng. Qua vụ việc này, các cơ quan quản lý cán bộ phải có sự quản lý chặt chẽ hơn nữa trong suốt quá trình cán bộ công tác để có thể kịp thời phát hiện, xử lý.
Một ngôi biệt thự của ông Trần Văn Truyền tại Bến Tre.                  Ảnh: Phan Thủy
Một ngôi biệt thự của ông Trần Văn Truyền tại Bến Tre. Ảnh: Phan Thủy
Với những trường hợp tương tự khác thì sao, thưa ông?

- Đối với các trường hợp vi phạm tương tự, cần làm triệt để, mạnh mẽ hơn nữa. Việt Nam là nước có nghiệp vụ điều tra rất cao, nhiều vụ việc phức tạp còn thực hiện được thì những vụ việc tương tự thế này phải làm tới nơi tới chốn để công khai cho Nhân dân được biết. Để có được một Nhà nước pháp quyền, đừng e ngại những chuyện đó. Nếu cứ nể nang, pháp luật sẽ rất khó được thực thi.

Thưa ông, phải chăng công tác cấp đất, nhà, công tác quản lý đất đai, tài sản của cán bộ còn lỏng lẻo?

- Đúng vậy! Công tác quản lý quá lỏng lẻo nên mới dẫn đến chuyện giao đất cho người này, người kia, trong khi đó là đất công, không được kiểm soát tốt, không ai biết, mới trở thành chuyện người này, người kia phải trả lại. Vì vậy, đây là thời điểm phải kỷ luật nghiêm minh đối với những người làm sai, gây thiệt hại tài sản cho Nhà nước.

Hiện vẫn chưa có quy trình cấp đất, cấp nhà cho các cán bộ, ngoài việc hình thành quỹ nhà công vụ. Đối với các cán bộ cấp cao, địa phương muốn làm thế nào tùy ý của địa phương, nên mới dẫn đến có người được cấp nhà, đất quá nhiều, có người không có. Đó là hiện trạng mà đến nay vẫn chưa có sự giám sát.

Vậy, theo ông, giải pháp nào để quản lý chặt được việc cấp đất, nhà, tài sản của cán bộ?

- Tôi nhận thấy, các vụ việc được phát hiện chủ yếu từ ý kiến của người dân. Vì vậy, giải pháp duy nhất là tăng cường sự tham gia giám sát của người dân. Quyền giám sát của người dân cần được thực thi một cách mạnh mẽ và triệt để, bởi không điều gì qua mắt được người dân. Đó là cách thức đổi mới thể chế căn bản trong công cuộc phòng, chống tham nhũng của nước ta.

Hiện nay, hồ sơ quản lý đất đai, tài sản nhà, đất của tỉnh nào cắt riêng của tỉnh đó, không có sự liên hệ với nhau. Trong tương lai, phải có sự liên hệ, liên kết dữ liệu giữa các địa phương để có thể quản lý, mới có thể biết được người này, người kia có đất, có nhà ở những nơi nào.

Xin cảm ơn ông!