Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lòng mẹ chông chênh

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ngày đầu tiên trở lại cơ quan, nhìn bố con mà mẹ ứa nước mắt. Rồi bố con cũng hỏi con thế nào, mẹ nén lòng, cố gắng dùng tất cả những khôn khéo, mềm mại của phụ nữ để bảo bố hãy đến thăm con.

Đêm nay, mẹ lại thức giấc giữa chừng, nhìn qua thấy con gái nằm yên ngủ, mẹ thấy lòng mình bình yên đến lạ. Với mẹ, chỉ cần thế này thôi, nhưng với con, mẹ biết, con đang chịu thiệt thòi.

Ngẫm lại, cũng tại mẹ không tránh được những dại khờ bản năng của một người đàn bà, để bây giờ cuộc sống của mẹ con ta chông chênh quá đỗi.

 
Mẹ gặp bố con sau những đổ vỡ của tình yêu đầu tiên. Mẹ và bố công tác cùng cơ quan, bố hay giúp đỡ, chia sẻ với mẹ nhiều điều. Trong mắt mẹ, bố là người chững chạc và đáng tin tưởng. Ban đầu cũng chỉ là bạn, sau tình yêu đến lúc nào không hay. Hai chín tuổi, mẹ hạnh phúc khi ngỡ đây là bến đỗ của đời mình. Mẹ yêu và sống hết mình với bố con. Ngày biết tin con đã đến trong cuộc đời của mẹ, mẹ mừng vui khôn xiết, háo hức thông báo với bố con. Trái hẳn với sự chờ mong của mẹ, bố con điềm nhiên lạnh lùng. Trách mẹ sao mà vội vàng, giờ chưa đến lúc.
Lòng mẹ chông chênh - Ảnh 1
 
Mẹ nhẹ nhàng khuyên nhủ bố, mẹ chẳng cần gì cả, chỉ cần sống với bố và con, ở đâu cũng được, cực khổ mấy cũng được, miễn sao chúng ta được sống cùng nhau. Bố con dẫn mẹ về nhà và thông báo mọi chuyện. Ông bà nội không chấp nhận.
Bước chân về căn phòng trọ chật hẹp, mẹ  chưa biết phải đối diện với phía trước như thế nào, niềm hạnh phúc có con còn quá ngắn ngủi mà sao mẹ thấy mọi thứ phía trước tối tăm. Mẹ không biết phải nói sao với ông bà ngoại. Cả gia đình đã xáo xào vì hai mẹ con mình. “Con dại cái mang”, bà ngoại nói mà ứa nước mắt.
Rồi cũng qua những đau đớn để đón nhận con đến với cuộc đời. Bố con không điện hỏi một câu, ông bà nội nghe tin con là con gái nên càng xem như không quen biết. Những ngày trong bệnh viện, thấy chồng vợ người ta bên nhau, nhìn lại hai mẹ con mình, chỉ có bà ngoại và các dì lủi thủi vào ra, mẹ chua xót.
Ngày đầu tiên trở lại cơ quan, nhìn bố con mà mẹ ứa nước mắt. Rồi bố con cũng hỏi con thế nào, mẹ nén lòng, cố gắng dùng tất cả những khôn khéo, mềm mại của phụ nữ để bảo bố hãy đến thăm con. Mẹ kể con đáng yêu thế nào, ngoan ngoãn ra sao. Mẹ tin nếu gặp con rồi, bố sẽ yêu con. Nhìn cử chỉ ngượng ngập của bố khi bế con, mẹ biết bản năng làm cha của người ấy đang tồn tại. Mẹ khấp khởi vui trong lòng, tự nhủ cứ từ từ, cứ cố gắng, cố gắng để cho con có bố.
Vậy mà, bố con bảo đã có người khác, sắp tổ chức đám cưới. Bố xin mẹ đừng nói ra chuyện này với ai ở cơ quan, hãy chôn chặt nó vào dĩ vãng và coi như chưa từng quen nhau. Mẹ bắt đầu suy tính để giành bố cho con, giành chồng cho mẹ.
Mẹ chụp ảnh của hai bố con đưa lên Facebook, cốt yếu để cho người đàn bà kia biết. Nghe đâu người ta cũng sốc, rồi hẹn gặp mẹ. Khi mẹ đang nói chuyện với người ta, bố con xuất hiện, bố con sỉ vả mẹ trước mặt người phụ nữ kia và khăng khăng khẳng định con không phải là con của bố, bố và mẹ chỉ là đồng nghiệp. Rằng mẹ là người phụ nữ lăng loàn. Giờ nghĩ lại, không hiểu sao mẹ có thể im lặng ngồi yên nghe bố con sỉ nhục như vậy. Mẹ chấp nhận để bố con không thừa nhận hay sỉ nhục mẹ, nhưng một khi ông ấy không thừa nhận con, chối bỏ con, thì mẹ chẳng còn điều gì để nói.
Mẹ từng nghĩ đến lúc phải kiện ra tòa, cùng là cán bộ nhà nước, dẫu gì cũng có chút thanh danh, bố con sẽ phải suy nghĩ lại, hơn nữa, mẹ phải đòi lại những quyền lợi cho con. Nhưng thật may là mẹ chưa làm. Bởi những điều đó rốt cuộc cũng vô nghĩa.
Bây giờ, mỗi khi đi làm về, nhìn thấy nụ cười và ánh mắt của con, mẹ biết thế là đủ rồi, dẫu chọn lại, mẹ vẫn không hối hận khi giữ lại con, có chăng là hối hận vì đã không đủ bản lĩnh để chọn cho con một người cha tốt.