Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lớp học làm báo đặc biệt

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mắt không nhìn thấy nhưng nhiều hội viên Hội Người mù (HNM) TP Hà Nội lại có ước mơ, khát khao làm báo.

Một lớp tập huấn công tác báo chí được tổ chức cấp tốc nhân dịp kỷ niệm Ngày Nhà báo Việt Nam, trong đó, thầy và trò đều là những người khiếm thị.

Những người thầy đặc biệt

Bà Chu Thị Thu Hà - Phó Chủ tịch HNM TP Hà Nội cho biết, công tác tuyên truyền về tổ chức hội và những người khiếm thị vô cùng quan trọng. Để hiểu và viết về những người khiếm thị, không ai bằng chính những người trong cuộc. Xuất phát từ điều đó, Ban Thường vụ HNM Hà Nội đã tổ chức lớp tập huấn lần này. Học viên là những cộng tác viên thường xuyên viết tin, bài cho các tạp chí và trang web của Hội.

“Đây là khóa tập huấn đầu tiên về nghiệp vụ báo chí được HNM TP tổ chức. Vì vậy, Hội đã mời hai người có kinh nghiệm làm báo, đều là những người khiếm thị trong Hội để có thể truyền đạt lại kiến thức cơ bản về nghề báo cùng những kinh nghiệm của bản thân, phù hợp với những người khiếm thị có mong muốn làm báo” - bà Hà chia sẻ.
Nhóm của ông Nguyễn Khả Hùng (trái) và các học viên thảo luận tại khóa tập huấn.
Nhóm của ông Nguyễn Khả Hùng (trái) và các học viên thảo luận tại khóa tập huấn.
Hai người đảm nhận lớp tập huấn, anh Hoàng Văn Lý (Phó Chủ tịch HNM quận Hoàn Kiếm) và Nguyễn Tiến Thành (HNM quận Thanh Xuân), cùng sinh năm 1982, đều được các học viên trân trọng xưng hô “thầy giáo”.

Học về kinh tế nhưng Nguyễn Tiến Thành lại sớm bén duyên với nghề báo. Phát hiện bị bệnh Glocom năm 2009, dù tích cực chữa trị nhưng đến năm 2011, Thành bị mù hẳn. Từ một chàng trai khôi ngô, mắt sáng trở thành một con người không nhìn thấy bên ngoài thay đổi ra sao, xung quanh chỉ toàn một màu đen, đã có những lúc Thành cảm thấy vô cùng tuyệt vọng.

Tháng 2/2012, Thành được gia đình động viên tham gia HNM quận Thanh Xuân, học chữ nổi, học vi tính dành cho người khiếm thị. Trở lại làm báo, Thành tiếp tục công việc tại Tạp chí Thương Trường; đồng thời trở thành cộng tác viên của chương trình “Niềm tin ánh sáng” trên kênh VOV giao thông. Mới đây, ngày 16/3, tác phẩm của Thành đăng trên báo Kinh tế & Đô thị “Chàng trai khiếm thị và ý tưởng kinh doanh đặc biệt” đã được trao giải Ba cuộc thi “Phát hiện và viết về gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt” của TP Hà Nội năm 2015.

Trong khi đó, Hoàng Văn Lý lại được đào tạo tại Khoa Báo chí (Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn Hà Nội). Trong gia đình, cả bố và hai anh em Lý đều bị mù bẩm sinh. Từ khi còn học trong trường Nguyễn Đình Chiểu, Lý đã tham gia viết nội san của trường và mơ ước có ngày được trở thành nhà báo. Tốt nghiệp đại học và yên bề gia thất với một người vợ cũng bị mù, dù công tác tại HNM quận Hoàn Kiếm, Lý vẫn không ngừng nuôi ước mơ làm báo.

“Năm 2008, kênh VOV giao thông mở chuyên mục “Niềm tin ánh sáng” - chương trình đặc biệt dành riêng cho người khiếm thị, tôi đã trở thành cộng tác viên thường xuyên của chương trình ngay từ những số đầu tiên. Công việc của tôi là lên kế hoạch đề tài, từ đó tìm kiếm, thu thập thông tin, gặp gỡ, phỏ̉ng vấn, viết bài. Sau đó, tôi sử dụng phần mềm để biên tập, cắt gọt âm thanh, tạo sản phẩm hoàn chỉnh” - Lý cho biết.

Được giao hướng dẫn lớp tập huấn, Lý chia sẻ: “Chúng tôi cảm thấy vui vì được truyền đạt kỹ năng, kinh nghiệm làm báo, dù những thành viên trong lớp chỉ là những người thích viết lách. Để trang bị cho các học viên những kiến thức cơ bản của nghề báo trong thời gian ngắn, tôi phải nghiên cứu tài liệu, giáo trình báo chí và tìm ra phương pháp học nhóm. Điều này kích thích sự tương tác giữa các học viên và giữa học viên với thầy giáo”.

Và lớp báo chí dành cho người khiếm thị

Đến với lớp tập huấn báo chí do HNM TP tổ chức, điều gây ấn tượng với chúng tôi là không khí trong lớp hết sức sôi nổi. Lớp tập huấn diễn ra trong 3 ngày, từ 15 - 17/6, nhưng các học viên đã được hướng dẫn đầy đủ những kiến thức cơ bản của nghề. Từ kinh nghiệm viết tin, bài cho báo mạng, báo giấy, báo phát thanh đến kỹ năng phỏng vấn, khai thác thông tin, xử lý âm thanh…

Ở tuổi 54, là học viên lớn tuổi nhất lớp, ông Nguyễn Khả Hùng - Chủ tịch HNM huyện Ứng Hòa chia sẻ: “Lớp học vô cùng thú vị, bổ ích. Sau buổi tập huấn, tôi sẽ cố gắng có nhiều bài viết hay, truyền tải những hoạt động, tấm gương của những người khiếm thị tiêu biểu tới cộng đồng”.
“Thầy” Hoàng Văn Lý tranh thủ phỏng vấn “thầy” Nguyễn Tiến Thành sau khi kết thúc khóa tập huấn báo chí.
“Thầy” Hoàng Văn Lý tranh thủ phỏng vấn “thầy” Nguyễn Tiến Thành sau khi kết thúc khóa tập huấn báo chí.
Đây cũng là ý kiến của hầu hết các học viên. Chị Nguyễn Thị Thanh Hà - Phó Chủ tịch HNM quận Nam Từ Liêm cho hay, thầy giáo đã trang bị cho các thành viên trong lớp những kỹ năng cơ bản làm báo. Ai nấy đều cảm thấy vui, phấn khởi, hào hứng khi tham gia khóa tập huấn.

Người ta thường nói “giàu hai con mắt, khó hai bàn tay” để nói lên sự quan trọng và cần thiết của đôi mắt và hai bàn tay trong cuộc sống. Ấy vậy mà anh Nguyễn Văn Đức - Phó Chủ tịch HNM quận Cầu Giấy bị hỏng cả hai mắt và cụt đôi bàn tay vẫn có thể sử dụng máy vi tính thành thạo, đọc chữ nổi bằng môi; vừa hoàn thành chương trình học về Quản trị kinh doanh tại Viện Đại học Mở. “Được tham gia khóa tập huấn, tôi cảm thấy rất bổ ích và thiết thực, không bị áp lực học hành. Tôi đã có thêm kỹ năng cần thiết để có thể viết đúng, viết trúng vấn đề” - anh Đức chia sẻ.

Là học viên nhỏ tuổi nhất, Nghiêm Thu Loan (HNM huyện Ứng Hòa), vừa học xong lớp 10 cho hay, em yêu thích môn Văn nên rất đam mê viết lách. Trước đây, em chỉ viết bài theo cảm xúc nhưng sau khi tham gia khóa tập huấn, em đã biết được cấu trúc của một bài báo thế nào. Ngoài việc học, em sẽ tích cực tham gia viết báo, viết truyện.

Kết thúc khóa tập huấn, các thành viên đã có được những sản phẩm hoàn chỉnh như phóng sự truyền thanh, bài phỏng vấn, bài phản ánh, bài chân dung... Theo đánh giá của anh Nguyễn Huy Việt - Chủ tịch HNM huyện Hoài Đức, nhiều tác phẩm không thua kém sản phẩm của các sinh viên báo chí chính quy.
“Khóa tập huấn chỉ có ba ngày nhưng việc học tập của các hội viên rất hăng say. Việc học và thực hành, tương tác giữa thầy và trò đạt kết quả tốt. Bằng kinh nghiệm của mình, các thầy đã chia sẻ những kỹ năng cơ bản nhất trong nghề làm báo. Hy vọng đây sẽ là lực lượng nòng cốt để đưa những hoạt động của Hội và người khiếm thị đến gần hơn với cộng đồng” - Phó Chủ tịch HNM TP Chu Thị Thu Hà.