Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lựa chọn thông thái

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bên cạnh những thông tin về mùa thi 2014, trong tuần qua, nhiều người khá sốc trước những thông tin hàng loạt các loại thực phẩm chức năng (TPCN) bị thu hồi. Bởi đối với một số người dân, TPCN đang “được” nhiều người bán hàng quảng cáo là “thần dược” cho những căn bệnh hiểm nghèo.

Hiện nay, các loại TPCN đang “trăm hoa đua nở” trên thị trường. Bằng nhiều kênh phân phối khác nhau, thực phẩm chức năng đã âm ỉ đi vào đời sống người dân từ hàng chục năm qua. Theo thống kê của Hiệp hội TPCN, năm 2000 chỉ có 60 sản phẩm TPCN nhập về Việt Nam thì đến nay thị trường đã có đến hơn 10.000 loại sản phẩm của gần 2.000 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh. Từ các loại thực phẩm được quảng cáo là bồi bổ sức khỏe, tăng cường sinh lực, phòng ngừa bệnh tật cho tới vô vàn loại nước uống giảm cân, cải thiện vóc dáng… Chỉ cần vào Google và gõ từ mua bán TPCN, trong vòng chưa đầy 0,5 giây có thể tìm thấy hàng chục triệu kết quả từ rất nhiều các trang web, diễn đàn khác nhau, quảng cáo các loại sản phẩm “thượng vàng hạ cám” như: viên nang, nước uống, bột, súp, siro, trà… dành cho đủ mọi đối tượng, độ tuổi và đủ loại tác dụng khác nhau. Sự bùng nổ của các sản phẩm TPCN dường như đang đẩy người tiêu dùng vào “mê hồn trận” cả về giá cả lẫn chất lượng, thậm chí, nhiều loại TPCN còn mập mờ về sản phẩm, xuất xứ... 
Người tiêu dùng nên lựa chọn thông thái khi mua TPCN để tránh "tiền mất, tật mang". Ảnh: Internet.
Người tiêu dùng nên lựa chọn thông thái khi mua TPCN để tránh "tiền mất, tật mang". Ảnh: Internet.
Mới đây, Cục an toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã tiến hành thanh tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh và nhập khẩu thực phẩm chức năng (TPCN) trên toàn quốc. Kết quả, 105 sản phẩm TPCN bị đình chỉ lưu hành. Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội và TP HCM cũng đã thu giữ hàng chục nghìn hộp thực phẩm chức năng nhãn hiệu Genki 6, Genk 9 và 4 Joint của công ty Cổ phần Thế giới khoa học và tự nhiên vì kém chất lượng. Hai sản phẩm thực phẩm chức năng Genki 6 và Genki 9 được quảng cáo là có xuất xứ tại Mỹ và Nhật Bản.

Theo công bố của nhà sản xuất, trong sản phẩm này sâm Hàn Quốc là hoạt chất chính, nhưng kết quả kiểm nghiệm tại Viện kiểm nghiệm ATVSTP Quốc gia và Viện khoa học hình sự, Bộ Công an cho cho thấy không phát hiện hoạt chất trên trong các sản phẩm này. Đối với sản phẩm 4 Joint, hàm lượng glucosamin công bố là 215 mg/viên nhưng kiểm nghiệm chỉ đạt 156,6mg/viên. Hiện giá bán của hai sản phẩm này trên thị trường từ 500.000 đồng/hộp đến 560.000 đồng/hộp. 

Theo đại diện của Cục ATTP, không giống như thuốc được Nhà nước quản lý theo khung, giá TPCN là do doanh nghiệp tự công bố trên cơ sở giá thành cộng với các chi phí thuế, chi phí kinh doanh, lợi nhuận.... Hiện nay, cơ quan quản lý chưa xây dựng một tiêu chuẩn cụ thể cần áp dụng đối với TPCN cũng như một số mặt hàng khác. Một mặt số TPCN được quảng cáo biến tướng dưới dạng thuốc về công dụng, tính năng, việc kinh doanh thực hiện dưới nhiều hình thức tinh vi. Vì vậy, công tác kiểm tra, xác định, xử lý hành vi kinh doanh thực phẩm chức năng vi phạm còn nhiều khó khăn cho dù lực lượng quản lý thị trường đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý các vi phạm nhằm lành mạnh hóa thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. 

Khái niệm “thực phẩm chức năng” (Functional foods) được người Nhật sử dụng đầu tiên trong những năm 1980 để chỉ những thực phẩm chế biến có chứa những thành phần tuy không có giá trị dinh dưỡng nhưng giúp nâng cao sức khoẻ cho người sử dụng. Bộ Y tế Việt Nam định nghĩa TPCN là thực phẩm dùng để hỗ trợ chức năng của các bộ phận trong cơ thể người, có tác dụng dinh dưỡng, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng và giảm bớt nguy cơ gây bệnh. Tuỳ theo công thức, hàm lượng vi chất và hướng dẫn sử dụng, thực phẩm chức năng còn có các tên gọi sau: thực phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng, thực phẩm bổ sung, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, sản phẩm dinh dưỡng y học. Đối với TPCN, nhà sản xuất công bố trên nhãn sản phẩm là thực phẩm, đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn sức khỏe, phù hợp với các quy định về thực phẩm. Đối với thuốc, nhà sản xuất công bố trên nhãn là sản phẩm thuốc, có tác dụng chữa bệnh, phòng bệnh với công dụng, chỉ định, liều dùng, chống chỉ định. Thuốc là những sản phẩm để điều trị và phòng bệnh, được chỉ định để nhằm tái lập, điều chỉnh hoặc sửa đổi chức năng sinh lý của cơ thể. 

Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể hiểu được rằng, TPCN không phải là thuốc nên không có tác dụng chữa bệnh mà chỉ hỗ trợ điều trị bệnh… Khảo sát của hiệp hội TPCN cho thấy, tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã có trên 50% số người lớn sử dụng TPCN, trong đó rất nhiều người quan niệm dùng TPCN như thuốc chữa bệnh và thuốc bổ. 

Bởi, hiện nay, nhiều TPCN đang được quảng cáo quá mức, với công dụng như thần dược khiến cho nhiều người tiêu dùng lầm tưởng và chịu cảnh “tiền mất - tật mang”. Chính việc quảng cáo quá mức và tần suất xuất hiện liên tục, cũng như sự lập lờ tên gọi, bao bì sản phẩm giữa TPCN và thuốc chữa bệnh đã tác động không nhỏ tới ý thức của người tiêu dùng khiến nhiều người hiểu lầm, sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn để mua TPCN sử dụng thường xuyên. Như vậy, khi các cơ quan chức năng đang loay hoay tìm cách kiểm soát, quản lý thị trường TPCN, một lần nữa, sự lựa chọn thông thái của người tiêu dùng cần được đặt lên hàng đầu. Trước khi quyết định sử dụng một sản phẩm TPCN nào đó, người tiêu dùng nên hỏi tham khảo ý kiến của chuyên gia y tế, dược phẩm, khảo giá trên thị trường để tránh mua phải hàng nhái, giả, hàng kém chất lượng, hàng bị thổi giá quá cao.