Kinhtedothi - Những năm qua, huyện Sóc Sơn đã chủ động thực hiện chuyển đổi cơ cấu giống lúa thông thường sang thâm canh những giống lúa có chất lượng cao (CLC), trong đó có nếp cái hoa vàng. Hiệu quả bước đầu cho năng suất cao, chất lượng tốt, được thị trường phản hồi tích cực.
Mùa vàng bội thu
Bà Nguyễn Thị Thức (thôn Đoài, xã Phú Minh) cho biết, vụ này thời tiết thuận lợi, ít sâu bệnh nên lúa nếp cái hoa vàng phát triển tốt. Vụ Mùa 2015, diện tích 2 sào trồng lúa nếp cái hoa vàng của gia đình bà cho thu hoạch trên 2,5 tạ. Với giá bán ra thị trường khoảng 39.000 đồng/kg, thu nhập từ lúa nếp cái hoa vàng là rất đáng kể.
Chị Trần Thị Chín (thôn Đông, xã Phú Minh) cho hay, một vài năm trước, gia đình chị vẫn chọn giống lúa Khang Dân 18 để canh tác. Dù chất lượng lúa khá thấp nhưng năng suất lại rất cao. Tuy nhiên, được sự tư vấn, hỗ trợ về giống, kỹ thuật sản xuất của cán bộ Phòng Kinh tế huyện, Chi cục Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT), gia đình chị đã chuyển sang trồng các giống lúa CLC, trong đó, có 2 sào lúa nếp cái hoa vàng. So với giống Khang Dân 18, các giống lúa CLC, đặc biệt là nếp cái hoa vàng mang lại giá trị kinh tế cao hơn nhiều lần.
Vụ Mùa 2015, toàn huyện Sóc Sơn có khoảng 11.000ha gieo trồng các giống lúa CLC (chiếm trên 70% diện tích). Trong đó, có khoảng 600ha lúa nếp cái hoa vàng, tập trung chủ yếu tại xã Tân Hưng, Phú Minh và Bắc Phú. Cùng với gia đình bà Thức, chị Chín, vụ Mùa 2015, nhiều bà con thâm canh lúa nếp cái hoa vàng nơi đây đã có thể mỉm cười vì một mùa vàng bội thu.
Không dễ nhân rộng
Theo ông Nguyễn Ngọc Tân – Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn, các giống lúa CLC mang lại hiệu quả sản xuất tốt, nhưng diện tích phân bố tương đối nhỏ lẻ, manh mún nên giá trị kinh tế chưa thực sự cao. Tuy nhiên, giống lúa nếp cái hoa vàng lại đang cho thấy hiệu quả vượt trội, đặc biệt là 50ha gieo trồng tại xã Phú Minh. Cụ thể, nếu như lúa nếp cái hoa vàng được bán trung bình khoảng 30.000 đồng/kg thì sản phẩm của Phú Minh luôn có giá không dưới 39.000 đồng/kg. Đây cũng là một trong những nông sản đặc biệt đang được huyện tập trung xây dựng, phát triển thương hiệu.
Dù vậy, việc mở rộng diện tích trồng lúa nếp cái hoa vàng ở Phú Minh nói riêng, trên địa bàn toàn huyện Sóc Sơn nói chung đang gặp không ít khó khăn. Như ông Tân chia sẻ, bà con nông dân hiện chỉ sản xuất được một vụ lúa nếp cái hoa vàng vào vụ Mùa. Sản phẩm chủ yếu phục vụ nhu cầu hàng hóa dịp Tết Nguyên đán. Nhận thấy sự khác biệt về chất lượng của lúa nếp cái hoa vàng trồng ở Phú Minh, địa phương đã tiến hành nhân rộng thử, tuy nhiên khi chuyển sang gieo trồng tại những diện tích đất ngoài xã, chất lượng không tương đồng.
Bên cạnh đó, việc đất canh tác có dấu hiệu thoái hóa sau thời gian dài sử dụng, cùng địa thế đồi gò khiến việc áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất không dễ thực hiện cũng đang ảnh hưởng tới năng suất, chất lượng nông sản. Đây là những rào cản mà địa phương đang tập trung nghiên cứu, tìm hướng tháo gỡ, tiến tới mở rộng diện tích canh tác lúa nếp cái hoa vàng trên địa bàn.
Lúa nếp cái hoa vàng Sóc Sơn mang lại giá trị kinh tế cao
|