Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt: Ưu đãi vượt trội nhưng ràng buộc nhà đầu tư chưa thấy rõ

Hồ Hạ thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng nay (23/5), Quốc hội sẽ thảo luận Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc. Bên lề hành lang Quốc hội, PGS TS. Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội đã có cuộc trao đổi với phóng viên báo Kinh tế và Đô thị về dự luật này và phương thức quản lý các đặc khu sao cho hiệu quả.

Chính sách ưu đãi vượt trội
Bản dự thảo mới nhất luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc có phải hướng tới việc kiến tạo môi trường đầu tư thông thoáng, mang tính cạnh tranh quốc tế cho các đặc khu trong tương lai, thưa ông?
- 3 khu vực được lựa chọn lần này để xây dựng thành những đặc khu hành chính – kinh tế, tức đặc biệt không chỉ về kinh tế mà cả về thể chế hành chính nên có sự khác biệt hơn rất nhiều.
 PGS TS. Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội.
Tạo ra những cơ chế đặc biệt như thế là nhằm gỡ bỏ những gì là rào cản hành chính, cơ sở để thu hút được nguồn lực ở bên ngoài vào ở mức tối đa. Ví dụ, tại đó, các ngành nghề kinh doanh sẽ được tự do hơn, những thủ tục hành chính sẽ được cắt giảm đi, những quyết định hành chính sẽ không phải đi vòng vèo, qua các cấp trung gian nữa mà có người chịu trách nhiệm rõ ràng. Và như thế, môi trường sẽ thật sự cởi mở cho các nhà đầu tư, cởi mở cho việc khai thác nguồn lực ở mức cao nhất.
Có một vấn đề là mục tiêu đề ra của luật thì vậy nhưng thực tế, những chính sách đang được xây dựng trong dự thảo luật dường như mới đang thiên về kinh tế (đặt ra nhiều ưu đãi) mà chưa nhìn thấy rõ lắm sự cởi mở về hành chính.
Thưa ông, có nghĩa là các đặc khu kinh tế của Việt nam sẽ thu hút nhà đầu tư bằng cơ chế chính sách ưu đãi vượt trội?
- Trên thế giới đã có hàng nghìn đặc khu ra đời. Đi sau ngay chính các nước trong khu vực, nên tôi cho rằng, ưu đãi phải là số một, không chỉ là những ưu đãi về kinh tế mà, còn là các yếu tố về thể chế, hành chính. Đơn cử, cùng là một ngành nghề có điều kiện, nếu DN đầu tư vào đặc khu sẽ có những quy định khác, mở hơn so với đầu tư ở ngoài.
Chúng ta thấy hiện nay các ưu đãi về mặt chính sách kinh tế điển hình như thuế đang được áp dụng cho đặc khu này hấp dẫn hơn so với các đặc khu khác, thậm chí như chúng ta thấy so với các đặc khu được đánh giá rất thành công như Thâm Quyến thì các ưu đãi của chúng ta còn có thời gian nhiều hơn, mức ưu đãi cao hơn. Rõ ràng đó là một yếu tố cạnh tranh.
Không “làm cỗ” cho nhà đầu tư
Ưu đãi vượt trội chắc chắn sẽ thu hút được nhà đầu tư, nhưng nếu không có những ràng buộc đủ lớn, e rằng, sẽ có hiện tượng nhà đầu tư chỉ vào để hưởng ưu đãi, hay “xí đất”, thưa ông?
- Ưu đãi đã rõ, nhưng đúng là cá nhân tôi chưa nhìn rõ lắm các ràng buộc, có lẽ đó là điều mà chúng ta cần tiếp tục thảo luận kỹ. Bên cạnh ưu đãi, cần những ràng buộc để chúng ta lựa chọn được những nhà đầu tư lớn, những nhà đầu tư vào đặc khu để đầu tư kinh doanh chứ không phải đầu tư để hưởng ưu đãi và chiếm lĩnh các vị trí, giữ chỗ hoặc tạo ra chỗ đứng cho mình để lợi dụng các chính sách ưu tiên…
 Kỳ vọng trong tương lai các đặc khu sẽ thu hút được nhiều nhà đàu tư vào lĩnh vực công nghệ, nguyên cứu.
Trên thế giới, tất cả các đặc khu bao giờ cũng có chính sách ưu đãi hơn là ngoài đặc khu, điển hình như thuế thường thấp hơn hoặc thuế quan gần như tự do. Điều này nhằm mục tiêu tạo ra môi trường ở đặc khu đó không khác gì môi trường kinh doanh ở những đặc khu khác trên thế giới và điều đó thu hút các nhà đầu tư bên ngoài vào đặc khu.
Khi những ưu đãi vượt trội so với bên ngoài, bao giờ cũng có lo ngại không cẩn trọng sẽ tạo ra làn sóng di dời doanh nghiệp bên ngoài vào đặc khu và đó đều là các doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam thì điều đó không mang lại ý nghĩa cho sự đóng góp kinh tế.
Cho nên, kèm theo ưu đãi bao giờ cũng có điều kiện ràng buộc để những nhà đầu tư nào vào đó đều thực sự đầu tư có hiệu quả, tận dụng được cơ hội, điều kiện ưu đãi để tạo ra được những lợi thế vượt trội so với bên ngoài.
Ngay từ đầu phải kêu gọi tư nhân đầu tư cả về hạ tầng tại đặc khu chứ không phải nhà nước “làm cỗ” xong hết rồi và mời nhà đầu tư chỉ việc ngồi vào mâm cỗ bày sẵn. Nhà nước chỉ làm nên những cơ chế, vẽ ra những mô hình, đưa ra những thực đơn và bản thân nhà đầu tư sẽ mang các nguồn lực vào để nấu ra mâm cỗ.
Thưa ông, hiện đã có một số nhà đầu tư lớn tập trung vào mảng giải trí, du lịch ở 3 đặc khu này; trong khi đó, mảng công nghệ, nghiên cứu, sáng tạo vẫn chưa có thông tin nhà đầu tư nào. Điều này khiến nhiều người hoài nghi về tính hiệu quả của những đặc khu này?
- Đúng là hiện tại nhìn vào các đặc khu, các lĩnh vực mang hiệu quả nhanh nhất như du lịch, dịch vụ có nhiều nhà đầu tư vào. Nhưng ngay trong cơ chế ưu đãi của những đặc khu đó thì dịch vụ, du lịch không phải ngành được ưu đãi nhiều nhất vì chỉ ưu  đãi miễn giảm thuế trong thời gian nhất định. Nhưng, những lịch vực như: Công nghệ cao, nghiên cứu… lại có ưu đãi rất lớn. Chẳng hạn như miễn thuế hoàn toàn trong tất cả chu kỳ cả dự án trong 50-70 năm. Các nhà khoa học vào đây nghiên cứu cũng được miễn 50% thuế thu nhập cá nhân,… Do đó, chúng ta kỳ vọng trong tương lai các đặc khu sẽ thu hút được nhiều nhà đàu tư vào lĩnh vực công nghệ, nguyên cứu. Và bản thân khi ban hành Luật này, chúng ta cũng muốn kêu gọi các nhà đầu tư nghiên cứu, công nghệ vào, khoa học, sáng tạo. Tuy nhiên, những nhà đầu tư về nghiên cứu, chuyển giao công nghệ bao giờ cũng có quy trình lựa chọn kỹ lưỡng, và không đầu tư ồ ạt nên không kỳ vọng ngay khi công bố Luật họ sẽ lập tức nhảy vào.
 Thận trọng trong xây dựng và ban hành Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc là rất cần thiết.
Thận trọng xây dựng và ban hành Luật
Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc chưa được thông qua nhưng những hệ lụy được báo chí phản ánh thời gian gần đây không ít, nhất là về tranh chấp đất đai, ông nghĩ sao về điều này?
- Khi phát triển lên những đặc khu kinh tế, sẽ có hệ quả rất lớn về những vấn đề liên quan đến môi trường tự nhiên và môi trường xã hội. Chúng ta đều thấy 3 đặc khu này nguồn lực về môi trường tự nhiên rất phong phú. Đó cũng là tiềm năng lớn để thu hút các nhà đầu tư. Tuy nhiên, nếu quản lý không tốt, nguy cơ phá hủy môi trường tự nhiên là khó tránh khỏi. Có lẽ, đây sẽ là một trong những tiêu chuẩn sẽ đặt ra rất nghiêm ngặt với các nhà đầu tư. Và cần đặt việc thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường là yếu tố số 1.
Về hệ lụy liên quan đến những vấn đề xã hội, ở những khu vực kinh tế phát triển bao giờ cũng kèm theo đó là những phức tạp về mặt xã hội. Đặc biệt, một số ngành nghề được cho là nhạy cảm có thể hoạt động ở các đặc khu, thì sự phức tạp về môi trường xã hội cũng có thể tăng lên. Đây là điều chúng ta cần dự báo trước.
Tuy nhiên, tôi cho rằng, khiếu kiện về đất đai hiện nay không chỉ xảy ra ở những đặc khu mà ở bất kể khu vực nào tình trạng thị trường bất động sản sôi động hẳn lên và đất đai có giá trị cao. Vì đất đai ở những nơi hẻo lánh, hiếm thấy sự tranh giành. Vấn đề này là hệ lụy của chính sách đất đai khi chúng ta quản lý theo giá thị trường. Tôi cho rằng, tới đây, Luật Đất đai phải xem lại vấn đền này. Có lẽ, đây cũng chính là điều đặt ra ở các đặc khu. Nếu các đặc khu muốn giải quyết được vấn đề khiếu kiện, tranh chấp đất đai thì phải sử dụng quan hệ thị trường với đất đai. Nếu áp dụng đầy đủ quan hệ thị trường với đất đai thành công ở đặc khu thì đó là cơ sở rất tốt để sửa chính sách đất đai trên toàn quốc.
Có nhiều ý kiến cho rằng, Dự thảo Luật soạn thảo lần đầu khác rất nhiều so với dự luật trình Quốc hội vào sáng nay. Phải chăng, chúng ta vẫn đang loay hoay trong vấn đề quản lý các đặc khu này, thưa ông?
- Từ phiên bản đầu tiên cho đến nay, cá nhân tôi thấy dự luật đã có thay đổi rất nhiều, nhiều thay đổi thậm chí rất căn bản. Điều đó cho thấy, các cơ quan soạn thảo rất lắng nghe các ý kiến đóng góp và đã tiếp thu nhiều ý kiến. Đó là điều đáng mừng.  
Mặt khác, thể chế đặc khu là cái mới tinh, chưa từng có ở Việt Nam. Do đó, chúng ta phải lắng nghe đa chiều. Và cũng vì nó mới, lại nằm ở những khu vực nhạy cảm, nên nếu không cẩn trọng thì có khi cái lợi chưa biết sẽ thu được đến đâu, nhưng có thể sẽ khiến những khu vực đó trở thành nên quá phức tạp. Do vậy, thận trọng trong xây dựng và ban hành Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc là rất cần thiết.
Đặc khu sẽ là nơi thí điểm các cơ chế chính sách mà chúng ta còn đang băn khoăn hoặc có thể e ngại có bất cập khi triển khai đại trà, nhưng nếu cơ chế chính sách đó được đưa vào thí điểm, thực hiện thành công tại 3 đặc khu này sẽ là cơ sở để chúng ta có thể áp dụng rộng rãi.
Xin cảm ơn ông!