Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Luật Giao thông đường bộ: Nhiều bất cập cần sửa đổi

Bảo An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau hơn 13 năm thực hiện, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 phát sinh nhiều tồn tại, hạn chế, không còn phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, cần phải điều chỉnh.

Phát sinh nhiều tồn tại, hạn chế

Những năm qua, tình hình trật tự, ATGT đường bộ tuy đã có chuyển biến nhưng chưa thực sự căn bản, vững chắc, tai nạn giao thông vẫn ở mức cao. Theo thống kê, từ năm 2009 - 2021, toàn quốc đã xảy ra hơn 361.000 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết hơn 113.000 người, bị thương hơn 356.000 người, chiếm hơn 97% số vụ, số người chết, người bị thương trong tổng số vụ tai nạn của các loại hình giao thông, gây thiệt hại rất lớn về tài sản.

Cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ trên đường Trần Nhật Duật, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ trên đường Trần Nhật Duật, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Đáng chú ý, nguyên nhân gây tai nạn giao thông do lỗi của người tham gia giao thông chiếm trên 90% số vụ. Tình trạng ngang nhiên vi phạm, coi thường pháp luật khi tham gia giao thông vẫn diễn ra phổ biến. Ùn tắc giao thông xảy ra phức tạp tại các TP lớn do lưu lượng phương tiện tăng đột biến, trong khi quy hoạch giao thông, tổ chức giao thông, hạ tầng giao thông chưa đáp ứng yêu cầu.

Trước năm 2001, các quy định về trật tự, ATGT; đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông và vận tải đường bộ là 3 lĩnh vực khác nhau được điều chỉnh riêng biệt ở các văn bản dưới luật. Năm 2001, Quốc hội thông qua Luật Giao thông đường bộ và năm 2008 thông qua Luật thay thế, tiếp tục điều chỉnh đồng thời 3 lĩnh vực khác nhau là: An toàn giao thông; kết cấu hạ tầng giao thông; vận tải đường bộ.

Thực tế cho thấy, các quy phạm pháp luật, điều khoản, chương, mục của Luật Giao thông đường bộ năm 2008 hoặc chỉ phù hợp áp dụng cho lĩnh vực trật tự, ATGT đường bộ hoặc chỉ phù hợp áp dụng cho lĩnh vực xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, vận tải đường bộ, không thể đồng thời áp dụng được cho cả 3 lĩnh vực. Đáng nói, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 không quy định rõ cơ quan Nhà nước chịu trách nhiệm chính về trật tự, ATGT đường bộ, dẫn đến quá trình thực hiện thiếu nhất quán, đồng bộ.

Xu thế lập pháp và kinh nghiệm quốc tế

Qua nghiên cứu, tham khảo pháp luật của nhiều quốc gia cho thấy, không có quốc gia nào ban hành luật giao thông đường bộ bao gồm cả 3 lĩnh vực ATGT, kết cấu hạ tầng và vận tải đường bộ. Các quốc gia xây dựng luật riêng về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, nhiều quốc gia xây dựng luật riêng về đường bộ cao tốc, luật riêng về vận tải đường bộ gắn với dịch vụ logistics. Công ước Viên (1968) mà Việt Nam tham gia cũng chỉ điều chỉnh về ATGT.

Có thể thấy, sau hơn 13 năm thực hiện, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã hoàn thành vai trò và sứ mệnh lịch sử của mình. Nếu tiếp tục kết cấu trong một luật như hiện nay thì không thể quy định được đầy đủ, rõ ràng và khó có sự liên kết chặt chẽ giữa các nội dung, chế định của từng lĩnh vực hoặc nội dung quá lớn. Thực tiễn đòi hỏi phải xây dựng các luật chuyên ngành để điều chỉnh từng lĩnh vực cụ thể, trong đó xây dựng Luật Trật tự ATGT đường bộ để xây dựng thói quen, ý thức tự giác và hình thành văn hóa giao thông hiện đại, mang tính ổn định lâu dài, khắc phục được những tồn tại, yếu kém hiện nay.

Nghị quyết 13/NQ-CP ngày 3/1/2022 của Chính phủ về phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 1/2022 nêu rõ về thẩm quyền quản lý đào tạo sát hạch, cấp giấy phép lái xe, cần tiếp tục tổng kết, phân tích, đánh giá tác động đầy đủ, khách quan, toàn diện, kỹ lưỡng quá trình thực hiện trong thời gian qua. Thuyết minh giải trình về đề xuất của Bộ GTVT hoặc Bộ Công an quản lý cần thật sự thuyết phục, có đầy đủ cơ sở vững chắc. Nghiên cứu cơ chế phối hợp theo hướng để Bộ Công an tham gia giám sát công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, bảo đảm có sự phối hợp, kiểm soát quyền lực chặt chẽ, như vậy sẽ dễ thuyết phục hơn.

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ, từ những luận cứ khoa học và những vấn đề thực tiễn, Bộ Công an và Bộ GTVT đã thống nhất xây dựng Luật Đường bộ và Luật Trật tự ATGT đường bộ, củng cố luận cứ khoa học, lý luận, thực tiễn để báo cáo với Chính phủ trình Quốc hội. “Chúng tôi thấy rằng, cần thiết phải có Luật Trật tự ATGT, trong đó nêu rõ cơ quan nào chịu trách nhiệm, cơ quan nào phối hợp. Chính phủ yêu cầu trình 2 Luật song hành nhau để nêu rõ chức năng, nhiệm vụ của các cấp, ngành” - Thứ trưởng Lê Đình Thọ nhấn mạnh.

PGS.TS Tường Duy Kiên - Viện trưởng Viện Quyền con người, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nêu rõ, khoản 1, Điều 14 Hiến pháp năm 2013 quy định, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật. Từ góc độ này, tiếp cận quyền con người trong xây dựng Luật Trật tự ATGT đường bộ là sự vận dụng các nguyên tắc, tiêu chuẩn quốc tế, quy định về quyền con người trong Hiến pháp, pháp luật vào quá trình xây dựng các quy định về bảo đảm TTATGT đường bộ. Cần có các quy định cụ thể quy trình giải quyết vụ việc, vụ án tai nạn giao thông, từ khi nhận được tin báo vụ tai nạn giao thông, đến tổ chức cứu hộ, cứu nạn, bảo vệ hiện trường, bảo vệ tài sản, hạn chế thiệt hại.

 

Ngày 30/1/2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 13/NQ-CP về phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 1/2022, trong đó Chính phủ đã thống nhất đổi tên dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) thành dự án Luật Đường bộ và dự án Luật Bảo đảm trật tự ATGT đường bộ thành dự án Luật Trật tự ATGT đường bộ, bổ sung 2 dự án luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 của Quốc hội khóa XV.