Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Luật Hải quan (sửa đổi) phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với 91,16% số phiếu tán thành, sáng nay (23/6), Quốc hội (QH) đã biểu quyết thông qua Luật Hải quan (sửa đổi).

Trước đó, tại kỳ họp thứ 6 và thứ 7, QH đã dành thời gian thảo luận về Luật Hải quan (sửa đổi), đồng thời, Ban soạn thảo cũng đã có Báo cáo giải trình tiếp thu ý kiến của các Đại biểu QH. 

Dự thảo Luật Hải quan (sửa đổi) gồm 8 chương, 104 điều. Những đổi mới trong Luật Hải quan được đánh giá rất mạnh mẽ và phù hợp với xu hướng phát triển của nền kinh tế đất nước, phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế sâu rộng được nêu trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2020-2030 đã được Quốc hội phê duyệt, Chiến lược xuất nhập khẩu (XNK) hàng hóa thời kỳ 2011-2020, định hướng đến năm 2030, Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Luật Hải quan (sửa đổi) phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế - Ảnh 1
Luật Hải quan có tác động rất lớn đến sự phát triển kinh tế của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế, kim ngạch XNK của Việt Nam tăng liên tục ở mức cao. Dự Luật đã được sửa đổi theo hướng đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế sâu rộng, hiện đại hóa hoạt động hải quan mà cụ thể là áp dụng rộng rãi hải quan điện tử. 

Nhìn chung, các quy định trong Dự thảo đã tạo thuận lợi cho hoạt động XNK của doanh nghiệp (DN), ví dụ như thay đổi căn bản phương thức thực hiện thủ tục hải quan từ truyền thống, bán điện tử sang điện tử, quy định rõ về hồ sơ hải quan, thời hạn công chức hải quan kiểm tra hồ sơ hải quan, bổ sung cơ chế xác định trước mã số, xuất xứ, trị giá hải quan… 

Đơn cử như Điều 23 Dự thảo Luật quy định về hồ sơ hải quan theo hướng giảm bớt các loại giấy tờ phải nộp không cần thiết khi làm thủ tục hải quan đối với các chứng từ có liên quan thuộc hồ sơ hải quan (hóa đơn thương mại, chứng từ vận tải, hợp đồng mua bán hàng hóa, chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa, giấy phép XK, NK, các văn bản thông báo kết quả kiểm tra hoặc miễn kiểm tra chuyên ngành, các chứng từ liên quan đến hàng hóa theo quy định của pháp luật có liên quan). Bên cạnh đó, chứng từ thuộc hồ sơ hải quan có thể là chứng từ giấy hoặc chứng từ điện tử.

Một sửa đổi có tác động tích cực nữa là quyền, nghĩa vụ của các bên liên quan trong lĩnh vực hải quan cũng được quy định rõ. Đó là trách nhiệm của người khai hải quan/chủ hàng, cơ quan Hải quan/công chức Hải quan, người vận chuyển trong giám sát hải quan, DN kinh doanh kho bãi, các tổ chức cá nhân liên quan trong phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới... 

Trong báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật, Ủy ban Thường vụ QH nêu rõ, có ý kiến đề nghị bổ sung quyền của người khai hải quan được sử dụng hồ sơ hải quan điện tử để vận chuyển hàng hóa, thực hiện các thủ tục có liên quan với các bộ, ngành… Có ý kiến đề nghị bổ sung vào điểm e khoản 2 nghĩa vụ người khai hải quan là phải bố trí phương tiện để phục vụ cho việc kiểm tra trong trường hợp được kiểm tra thực tế hàng hóa tại công trình, nơi sản xuất. Ủy ban Thường vụ QH đề nghị QH cho tiếp thu các ý kiến nêu trên và chỉnh lý cụ thể. 

Về kiểm tra, giám sát hải quan, xử lý hàng hóa tồn đọng (Điều 58). Có ý kiến đề nghị bổ sung vào điểm b khoản 6 quy định chủ hàng hóa bên nhận đối với hàng gây ô nhiễm môi trường phải có trách nhiệm vận chuyển hàng hóa đó ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. Tiếp thu ý kiến đại biểu QH, cùng với quy định tại khoản 3 Điều này và các quy định tương ứng của Luật bảo vệ môi trường, để bảo đảm tính minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình áp dụng pháp luật, điểm b khoản 6 Điều 58 của dự thảo Luật đã quy định cụ thể các chủ thể có trách nhiệm vận chuyển hàng hóa gây ô nhiễm môi trường ra khỏi lãnh thổ Việt Nam bao gồm: Chủ phương tiện vận tải, người điều khiển phương tiện vận tải hoặc người được chủ phương tiện vận tải ủy quyền. 

Về thẩm quyền của cơ quan hải quan trong việc áp dụng biện pháp phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Có ý kiến đề nghị bổ sung vào dự thảo Luật một số biện pháp nghiệp vụ mà Hải quan đã thực hiện có hiệu quả trong thời gian qua để tạo cơ sở pháp lý cho Hải quan hoàn thành tốt nhiệm vụ. Ủy ban Thường vụ QH nhận thấy, việc liệt kê các biện pháp nghiệp vụ hải quan trong Luật sẽ không đầy đủ, vì vậy đề nghị Quốc hội cho tiếp thu ý kiến đại biểu QH theo hướng bổ sung vào khoản 6 Điều 88 giao Chính phủ quy định chi tiết biện pháp nghiệp vụ kiểm soát hải quan. 

Ngoài những nội dung giải trình, tiếp thu nêu trên, Ủy ban Thường vụ QH đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, Cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan rà soát, tiếp thu, chỉnh lý nhiều điều, khoản cụ thể trong dự thảo Luật theo ý kiến của các vị đại biểu QH, ý kiến của các cơ quan, tổ chức và cá nhân để chỉnh lý, hoàn thiện cả về nội dung và kỹ thuật. Luật Hải quan (sửa đổi) sau khi được thông qua sẽ chính thức có hiệu lực vào ngày 1/1/2015.