Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Luật Ngân hàng Nhà nước không điều chỉnh lãi suất cơ bản

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Dự thảo luật sửa đổi đề xuất phương án điều hành lãi suất theo cơ chế thị trường. Theo đó, NHNN xác định, công bố lãi suất tài cấp vốn và các loại lãi suất điều hành khác nhằm thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia.

KTĐT - Dự thảo luật sửa đổi đề xuất phương án điều hành lãi suất theo cơ chế thị trường. Theo đó, NHNN xác định, công bố lãi suất tài cấp vốn và các loại lãi suất điều hành khác nhằm thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia.

Ngày 2/11, thừa ủy quyền của Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu đã trình lên Quốc hội hai dự thảo Dự án Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sửa đổi) và Dự án Luật các Tổ chức tín dụng sửa đổi.

Dự thảo mới Luật Ngân hàng Nhà nước đã không đưa ra quy định về lãi suất cơ bản. Điều này đã nhận được sự ủng hộ của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Lý do là căn cứ để xác định lãi suất cơ bản  không rõ, trong khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quy định nhiều loại lãi suất khác để điều hành.

Tuy nhiên, việc bỏ cơ chế lãi suất thỏa thuận sẽ liên quan đến các quy định hiện hành của Luật Dân sự về lãi suất cơ bản. Để giải quyết điều này, Ủy ban Kinh tế đã đề xuất sửa đổi các quy định trong Luật Dân sự theo hướng khống chế mức lãi suất cao nhất cho vay trong quan hệ dân sự, không liên quan đến lãi suất của tổ chức tín dụng trên cơ sở căn cứ vào một loại lãi suất do NHNN công bố để ngăn chặn cho vay nặng lãi trong dân.

Dự thảo luật sửa đổi đề xuất phương án điều hành lãi suất theo cơ chế thị trường. Theo đó, NHNN xác định, công bố lãi suất tài cấp vốn và các loại lãi suất điều hành khác nhằm thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia. Trong trường hợp thị trường có diễn biến bất thường, NHNN sẽ quy định cơ chế điều hành lãi suất áp dụng trong quan hệ giữa tổ chức tín dụng với nhau và với các khách hàng theo quy định. Điều này đã nhận được sự ủng hộ từ Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.

Một trong những mục tiêu của sửa đổi Luật NHNN lần này là xác định xác định rõ hơn nhiệm vụ, trách nhiệm của Quốc hội, Chính phủ và Ngân hàng NHNN trong việc thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia. Theo dự thảo, Quốc hội quyết định mức lạm phát định hướng từng thời kỳ. Chính phủ quyết định chỉ tiêu lạm phát và định hướng điều hành chính sách tiền tệ quốc gia hàng năm. Ngân hàng Nhà nước xây dựng mức lạm phát định hướng từng thời kỳ để Chính phủ trình Quốc hội quyết định mục tiêu và biện pháp điều hành chính sách tiền tệ quốc gia hàng năm.

Trong khi đó, Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi đi sâu nhiều hơn về các vấn đề kỹ thuật nhằm kiểm soát thành lập và hoạt động của các tổ chức tín dụng một cách chặt chẽ hơn.

Cụ thể dự thảo đã nêu ra các quy định rất cụ thể về quản trị điều hành như ban kiểm soát, tiêu chuẩn các thành viên hội đồng quản trị... Các hạn chế để đảm bảo an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng như hạn chế về tỷ lệ sở hữu cổ phần, các quy định cấm về hoạt động đầu tư sang các tổ chức tín dụng hay các lĩnh vực khác.

Ý kiến thẩm tra từ Ủy ban Kinh tế tuy ủng hộ các quy định cụ thể nhằm hạn chế rủi ro hoạt động kinh doanh đặc thù như ngân hàng. Tuy nhiên, nếu quy định quá chặt sẽ gây ra khó khăn cho các tổ chức tín dụng trong hợp tác kinh doanh, liên minh để thu hút vốn và công nghệ quản lý.

Đáng chú ý, đề xuất các tổ chức tín dụng không được nắm giữ cổ phần các tổ chức tín dụng khác bị cho là chưa hợp lý, chưa tạo động lực cho phát triển và có thể sẽ cản trở việc thu hút đầu tư, kêu gọi các đối tác chiến lược, gây khó khăn khi cần mua bán - sáp nhập để cứu nguy các ngân hàng bị khó khăn... Vì thế, Ủy ban Kinh tế đề xuất cho phép các tổ chức tín dụng được sở hữu cổ phiếu của tổ chức tín dụng khác nhưng phải giới hạn tỷ lệ để đảm bảo an toàn.