Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Luật sư của bạn

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Tôi có mảnh đất đang tranh chấp với hộ liền kề nhưng không biết phải giải quyết thế nào cho đúng với quy định của pháp luật? Trần Hồng Sơn (quận Hoàn Kiếm)

Theo quy định của Luật Đất đai năm 2003; Luật Khiếu nại, tố cáo năm 2004; Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004, khi có tranh chấp đất đai giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau thì được giải quyết như sau: Thứ nhất, tiến hành hòa giải với hình thức tự hòa giải với nhau còn nếu các bên không tự hòa giải được thì yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai thông qua tổ hòa giải ở cơ sở. Thứ hai, giải quyết tranh chấp đất đai tại UBND cấp xã nơi có đất tranh chấp. Thời hạn hoà giải là ba mươi ngày (30), kể từ ngày UBND cấp xã nhận được đơn. Trường hợp kết quả hoà giải khác với hiện trạng sử dụng đất, UBND cấp xã chuyển kết quả hoà giải đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết theo quy định.

Trường hợp tranh chấp đất đai đã được hoà giải tại UBND cấp xã, mà một bên hoặc các bên đương sự không nhất trí thì thực hiện theo 2 phương án:  Thứ nhất, có thể khởi kiện tại Tòa án trong các trường hợp tranh chấp về quyền sử dụng đất mà đương sự có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;  hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ổn định, được UBND cấp xã xác nhận không có tranh chấp mà có một trong các loại giấy tờ về quyền được sử dụng đất đai trước ngày 15/10/1993 do cơ quan có thẩm quyền cấp; Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tạm thời được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp hoặc có tên trong sổ đăng ký ruộng đất, sổ địa chính; Giấy tờ hợp pháp về thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất hoặc tài sản gắn liền với đất… Thứ hai, yêu cầu cơ quan hành chính nhà nước giải quyết đối với trường hợp: Tranh chấp về quyền sử dụng đất mà đương sự không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc không có một trong các loại giấy tờ nêu trên...