Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Luật Thủ đô (sửa đổi): tạo đà cho Hà Nội tăng tốc phát triển

Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi -Sáng nay (28/6), tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Dự Luật với những chính sách phù hợp được kỳ vọng tạo đà cho Hà Nội tăng tốc phát triển cũng như góp phần thúc đẩy liên kết và phát triển vùng Thủ đô.

Hà Nội - trái tim của cả nước

Hà Nội có vị trí, vai trò là Thủ đô của cả nước. Hà Nội không chỉ là trung tâm của các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa và giáo dục mà còn là biểu tượng của sự phát triển đoàn kết và thịnh vượng của đất nước và được ví như trái tim của cả nước, nơi mọi mặt cuộc sống quan trọng hội tụ và lan tỏa ra toàn quốc.

Luật Thủ đô (sửa đổi) được kỳ vọng tạo đà cho Hà Nội tăng tốc phát triển
Luật Thủ đô (sửa đổi) được kỳ vọng tạo đà cho Hà Nội tăng tốc phát triển

Tại Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đã xác định mục tiêu đến năm 2030 Thủ đô Hà Nội là thành phố “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước. Hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm Thủ đô các nước phát triển trong khu vực.

Về tầm nhìn đến năm 2045, Thủ đô Hà Nội là thành phố kết nối toàn cầu, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao, với GRDP/người đạt trên 36.000 USD; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hòa; tiêu biểu cho cả nước; có trình độ phát triển ngang tầm Thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Để đạt được mục tiêu trên, rất cần những cơ chế thực sự đặc biệt, tạo đà cho Hà Nội tăng tốc phát triển. Điều đó được đặt ra ở Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), đang được Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XV vào sáng nay (28/6). Song hành với Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 cũng được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7.

Cơ hội để Thủ đô phát triển nhanh, bền vững

Tới đây, khi Luật Thủ đô (sửa đổi) được Quốc hội thông qua, sẽ góp phần vào bước phát triển mới cho Thủ đô của đất nước có trên 100 triệu dân.

Được đánh giá là đạo luật phân cấp, phân quyền, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) trình Quốc hội thông qua đã thể chế hóa đầy đủ cơ chế mang tính đặc thù để Thủ đô bứt phá; có cơ chế phân cấp, phân quyền rõ ràng, trao trách nhiệm và trao nhiều quyền hơn để thành phố Hà Nội có thẩm quyền quyết định những vấn đề liên quan với những điều kiện đặc thù. Những điều khoản đã được quy định cụ thể, chi tiết hơn trong nội dung trao trách nhiệm, trao quyền cho Thủ đô theo phương hướng ưu tiên áp dụng trong hệ thống pháp luật.

Theo đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội), Luật Thủ đô (sửa đổi) phải có cơ chế, quy định để thu hút được những điều kiện, những tinh túy của cả nước về Thủ đô, để tạo ra hình ảnh đại diện cho cả nước. Dự Luật cơ bản đã hoàn thiện tốt, đặc biệt là tinh thần phân cấp, trao quyền và trao trách nhiệm cho Hà Nội, phải thực hiện các sứ mệnh để tạo ra bước phát triển bứt phá vượt trội.

 

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) là một đạo luật riêng quy định cho Thủ đô Hà Nội, vừa là Thủ đô hành chính, vừa là một đô thị đặc biệt của cả nước. Dự thảo luật trình Quốc hội thông qua đã quy định các cơ chế riêng, ưu đãi đặc thù, đặc biệt vượt trội so với hệ thống pháp luật hiện hành; đồng thời cũng là các quy định giao trách nhiệm lớn cho Hà Nội trong xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô. Các cơ chế, chính sách riêng, đặc thù, nổi trội, ưu tiên và trách nhiệm kèm theo phù hợp với vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của Thủ đô.

Đồng quan điểm, đại biểu Trương Xuân Cừ (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) cho biết, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được nghiên cứu kỹ lưỡng, các đại biểu Quốc hội đã tham gia đóng góp ý kiến rất trách nhiệm. Quốc hội thông qua Luật sẽ tạo cơ sở pháp lý cho Thủ đô phát triển nhanh, bền vững, kỳ vọng Hà Nội sẽ bước sang "kỷ nguyên mới".

“Thủ đô là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước. Xét về mặt hành chính, Thủ đô mang tính chất đặc thù đồng thời cũng mang tính chất đặc biệt. Vì Thủ đô không phải riêng của Hà Nội dự án Luật sửa đổi lần này sẽ tạo đột phá để Hà Nội phát triển nhanh, cũng như tạo động lực phát triển cho cả nước” - đại biểu Trương Xuân Cừ chia sẻ.

Theo đại biểu Trương Xuân Cừ, để đạt được mục tiêu này thì các chính sách phải mang tính chất đột phá, đặc thù, khi đó Thủ đô phát triển sẽ không gặp phải rào cản về thủ tục hành chính. Luật Thủ đô (sửa đổi) vừa giúp đảm bảo Hà Nội phát triển đúng quy định của pháp luật nhưng vẫn mang tính chất đặc thù riêng.

“Tôi hy vọng sau khi Luật Thủ đô (sửa đổi) được Quốc hội thông qua sẽ nhanh chóng đi vào cuộc sống, khi đó cơ hội để Thủ đô phát triển nhanh, bền vững là rất khả thi” - đại biểu Trương Xuân Cừ bày tỏ.

Trong khi đó, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Phương Thủy cho rằng, Luật Thủ đô (sửa đổi) đã tập trung tháo gỡ những hạn chế mà Hà Nội đang gặp phải trong suốt thời gian qua, như huy động nguồn lực, đầu tư, quy hoạch, các chính sách phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, các lĩnh vực về an sinh xã hội... Đặc biệt, có giải pháp mạnh mẽ giúp thành phố có thể khắc phục các bất cập hiện nay về cảnh quan, kiến thiết đô thị, giao thông, ô nhiễm môi trường.

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) được cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khoá XV, có 115 lượt ý kiến thảo luận ở tổ và hội trường, 7 ý kiến bằng văn bản. Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường lần thứ hai về Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) với 26 lượt ý kiến phát biểu và 5 ý kiến tham gia bằng văn bản.

Từ các phiên thảo luận cho thấy, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao chất lượng chuẩn bị hồ sơ, tài liệu dự án luật trình Quốc hội. Đồng thời, các đại biểu Quốc hội đã phân tích sâu sắc, làm rõ thêm nhiều nội dung, đề xuất cụ thể việc tiếp tục nghiên cứu, chỉnh lý một số điều, khoản quy định cụ thể trong dự thảo luật nhằm bảo đảm tính khả thi, nâng cao chất lượng, hiệu quả khi thi hành luật, bảo đảm tính đặc thù, vượt trội, đột phá trong chính sách, tạo động lực xây dựng và phát triển Thủ đô của cả nước, xứng tầm trong giai đoạn mới.