Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lực lượng an ninh hàng không: Về đâu... giữa 3 dòng nước?

Đặng Sơn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lực lượng an ninh hàng không (ANHK) vốn trực thuộc Tổng Công ty Cảng hàng không (ACV); sau khi ACV cổ phần hóa, nhiều ý kiến cho rằng đơn vị này không còn phù hợp để quản lý lực lượng ANHK. Việc đưa ANHK về trực thuộc cơ quan nào đang gây ra nhiều tranh cãi.

Từ 2016, vấn đề tổ chức lại lực lượng ANHK đã được đưa lên bàn thảo luận nhưng chưa thể đi đến hồi kết. Cục Hàng không thì đề xuất thành lập Công ty TNHH MTV Đảm bảo ANHK thuộc Bộ GTVT. ACV lại muốn giữ nguyên như hiện nay; trong khi đó, Tổng Công ty Quản lý bay lại đề xuất đưa ANHK về trực thuộc đơn vị này.
Lực lượng an ninh Sân bay Quốc tế Nội Bài kiểm tra hành lý qua máy soi.Ảnh: Phi Long
Đại diện Cục Hàng không Việt Nam nhìn nhận, lực lượng ANHK thuộc ACV là lực lượng được đào tạo đầy đủ, có năng lực, có kinh nghiệm và được Cục cấp phép hành nghề theo đúng quy định. Tuy nhiên, về mô hình tổ chức, việc để lực lượng ANHK trực thuộc ACV đã không còn phù hợp với tình hình, bối cảnh hiện tại cũng như yêu cầu quản lý Nhà nước về ANHK. Bởi, ANHK là lực lượng bán vũ trang, được trang bị vũ khí quân dụng, được giao nhiệm vụ tham gia chống khủng bố, bảo đảm an ninh, trật tự khu vực lân cận các cảng hàng không, sân bay. Nhân viên kiểm soát ANHK được hưởng các chế độ thương binh, liệt sỹ khi làm nhiệm vụ như lực lượng vũ trang Nhân dân, vì vậy không thể do một công ty hoạt động theo mô hình cổ phần quản lý, điều hành. Cục Hàng không cũng cho rằng, tất cả những bất cập, thách thức mới nảy sinh của hệ thống ANHK hiện nay chỉ có thể giải quyết khi Nhà nước nắm giữ và quản lý hệ thống này thông qua một DN là Công ty TNHH MTV 100% vốn Nhà nước, trực thuộc Bộ GTVT, với tên gọi Công ty Bảo đảm ANHK. Việc thành lập một công ty chuyên trách ANHK được Cục Hàng không cho rằng phù hợp quy định của pháp luật hiện hành và chính sách, chiến lược phát triển kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng của đất nước; bảo đảm sự kiểm soát trực tiếp của Nhà nước về ANHK; bảo đảm hiệu lực của Bộ GTVT và nhà chức trách hàng không trong việc chỉ đạo, điều hành trực tiếp công tác bảo đảm ANHK hay phối hợp với các lực lượng công an, quân đội, hải quan… thuận lợi, nhanh chóng.

Tuy vậy, ACV trong tờ trình gửi Bộ GTVT lại cho rằng, dù ACV đã cổ phần hóa từ 1/4/2016 nhưng Nhà nước vẫn nắm quyền chi phối tuyệt đối với 95% vốn điều lệ. Trên thực tế, Nhà nước vẫn toàn quyền chỉ đạo, điều hành với hoạt động của ACV nói chung và trong lĩnh vực đảm bảo ANHK nói riêng. Đó chính là điều kiện để ACV khẳng định có thể hoàn toàn chủ động quản lý, điều phối lực lượng ANHK. Bên cạnh đó, ACV cũng đảm bảo có thể huy động được nguồn vốn đầu tư nâng cấp hạ tầng, trang thiết bị ANHK đáp ứng những chuẩn mực ANHK quốc tế khắt khe nhất.

Đại diện ACV cho rằng, việc tách dịch vụ ANHK ra khỏi ACV sẽ tạo ra rất nhiều tác động, trong khi đó, tính pháp lý cũng chưa rõ ràng… Do vậy, ACV đề xuất thành lập Công ty TNHH MTV ANHK Việt Nam, 100% vốn điều lệ do ACV - CTCP làm chủ sở hữu. Ngoài ra, Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam cũng có tờ trình và đề án gửi Bộ GTVT, đề xuất đưa lực lượng ANHK về thuộc quản lý của đơn vị này thông qua việc thành lập Công ty TNHH MTV ANHK và Quản lý tài sản khu bay, 100% vốn Nhà nước.

Tính đến giữa tháng 4/2017, ACV đang là DN duy nhất cung cấp dịch vụ ANHK tại 21 cảng hàng không, sân bay trên cả nước với 3.095 cán bộ, nhân viên.