Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lực lượng công binh sẽ đào một ngách khác để đi vòng vào hầm

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo ông Nguyễn Văn Yên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, lực lượng công binh sẽ đào một ngách khác vào lớp đất đá nguyên thủy từ cửa chính để đi vòng vào bên trong, thay vì đào vào khối đất đá bị sụp xuống để tránh sạt lở tiếp.

Theo báo Lâm Đồng đưa tin, khoảng 20h30, ngày 17/12, mũi khoan thứ 2 đã xuyên thủng được một lỗ có đường kính 6cm. Việc hút nước đang được gấp rút triển khai. Cửa hầm phía bên kia đã khoan được 16m trong tổng chiều dài 60m. Theo tính toán, lỗ khoan này khoảng nửa đêm nay có khả năng sẽ thông.

Mực nước hầm khu vực 12 công nhân gặp nạn đã dâng lên 1,2m. Dù đã được tiếp tế nước gừng để giữ ấm nhưng lúc này nhiệt độ đang xuống thấp, trời rất lạnh lại ở trong môi trường ngập nước nên các nạn nhân báo ra bên ngoài là bên trong họ đang rất lạnh...

Thời điểm 21h50, Thiếu tướng Bùi Văn Sơn - Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng cho biết, lực lượng cứu hộ đã sử dụng máy khoan đá chuyên dụng khoan mũi rộng đường kính 20cm từ phía hạ lưu đường hầm. Công việc này đang gặp điều kiện tương đối thuận lợi. Trong vòng 2 tiếng đã khoan được 20m, nếu vẫn đạt tiến độ như hiện nay và không gặp phải những khối đá lớn, trong vòng hơn 4 tiếng nữa mũi khoan này sẽ vươn tới vị trí các nạn nhân đang bị mắc kẹt. 

Trong khi đó, tại cửa phía trước của đường hầm, nước đang được hút ra nhưng rất chậm.
Lực lượng công binh sẽ đào một ngách khác để đi vòng vào hầm - Ảnh 1
Lực lượng cứu hộ đang tiến hành khoan hầm
Thời điểm 22h10, báo Vnexpress cho biết, trong lần liên lạc với bên ngoài trước đó, các nạn nhân cho biết sức khỏe tốt nhưng mực nước lên khoảng 1,4m khiến họ lo lắng. Hiện mọi người vẫn đang ngồi trên các thiết bị công trình bên trong hầm.

Theo ông Nguyễn Văn Yên - Phó Chủ tịch tỉnh Lâm Đồng: “Theo tính toán của lực lượng cứu hộ, nếu nước tiếp tục dâng thì phải mất 24 tiếng nữa mới ảnh hưởng đến tính mạng mọi người. Tuy nhiên, sau khi lỗ khoan thứ hai xuyên thủng và nước được bơm ra ngoài, tôi cho rằng, khoảng một giờ sau, nước sẽ không còn dâng cao”.

Cũng theo Phó Chủ tịch tỉnh Lâm Đồng, việc lực lượng cứu hộ đã khoan thủng mũi thứ 2 để nước thoát ra cho thấy sự khả quan trong công tác cứu hộ. “Hiện, mọi người đang khẩn trưởng khoan hai hướng còn lại, là phía sau hầm và trên đỉnh đồi. Ngoài ra, lực lượng công binh sẽ đào một ngách khác vào lớp đất đá nguyên thủy từ cửa chính để đi vòng vào bên trong, thay vì đào vào khối đất đá bị sụp xuống để tránh sạt lở tiếp”, ông Yên cho biết.

Hiện lực lượng y bác sĩ của TP.HCM đã có mặt tại hiện trường. Các lực lượng khác, trong đó có nhóm cảnh sát cứu hộ - cứu nạn, Cảnh sát PCCC TP.HCM vẫn đang trên đường đi, dự kiến nửa đêm nay sẽ đến nơi.

Trước đó, vào đầu giờ chiều, do tình trạng nước bên trong không ngừng dâng lên, ống thông hơi bị tắc và ẩm nên 12 công nhân đang mắc kẹt có thể sẽ bị ngạt nước, Ban Chỉ huy lực lượng cứu hộ đã nhanh chóng họp bàn tìm giải pháp mới. Phương án được thống nhất là vừa đào hầm cho người thoát ra vừa khoan thoát nước ra ngoài.

"Khoan cọc nhồi từ bên trên xuống để cứu người"- là phương án chỉ đạo của bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng ngay sau khi ông đi khảo sát hiện trường vào khoảng 15 giờ cùng ngày. Theo Bộ trưởng, cần phối hợp giữa khoan dọc từ bên ngoài vào và khoan cọc nhồi từ trên xuống để nhanh chóng cứu 12 nạn nhân ra ngoài.
Nằm cách khu dân cư xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng khoảng 1km, hầm thủy điện Đạ Dâng bao phủ xung quanh bởi đồi núi. Sau hơn 10 năm khởi công, công trình đã thi công được 600m đường hầm xuyên qua những đồi thông. Chỉ còn hơn 100m nữa, hầm này sẽ được thông nhưng sự cố nghiêm trọng đã xảy ra khi hầm thủy điện bất ngờ bị sập sáng 16/2. Hơn 30 công nhân đang làm việc chỉ kịp nghe tiếng ầm ầm và đất đá bất ngờ ập xuống. 20 người chạy thoát ra ngoài miệng hầm trong khi 12 đồng nghiệp bị kẹt bên trong.

Đoạn bị sập nằm cách miệng hầm 500m. Mọi nỗ lực quay lại cứu đồng nghiệp của những người thoát chết đều vô vọng khi lối thoát duy nhất lúc này bị chặn bởi khối đất, đá khổng lồ. Gần 200 người trong lực lượng cứu hộ của tỉnh Lâm Đồng sau 12 giờ nỗ lực đã vỡ òa niềm vui khi mũi khoan vào được bên trong và nhận thông tin tất cả các nạn nhân đều còn sống.

12 nạn nhân bị cô lập hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Phía trước họ là khối đất, đá, bùn nhão... chảy dài hàng chục mét. 3 phía còn lại là tường hầm được bao phủ bởi ngọn đồi rộng lớn. Đường hầm lại nằm âm dưới mặt đất 70m, cộng với mưa lớn cả ngày hôm qua khiến nước ngầm trong hầm ngày một cao lên. Tại vị trí sập phía trên đỉnh đồi có 2 hố sâu, đất đá từ đây vẫn tiếp tục đổ xuống.

Hơn 30 giờ, nhiều phương án được đưa ra, song việc đưa 12 nạn nhân kẹt bên trong hầm thủy điện bị sập vẫn gặp vô vàn khó khăn do địa hình quá khắc nghiệt.