Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lùi kỳ thi THPT quốc gia nếu dịch diễn biến phức tạp

Bảo Thắng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo đó, Bộ GD&ĐT sẽ xem xét điều chỉnh lịch thi THPT quốc gia nếu dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, học sinh phải nghỉ dài ngày.

Sáng nay (11/3), trao đổi với Kinh tế & Đô thị, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD&ĐT  Nguyễn Xuân Thành cho biết, để chủ động trong công tác đào tạo, Bộ GD&ĐT sẽ xem xét sử dụng quỹ thời gian còn dôi dư để điều chỉnh lịch thi THPT quốc gia nếu học sinh phải nghỉ học dài ngày.
Theo đó, việc điều chỉnh được tiến hành trên nguyên tắc đảm bảo đủ chương trình và an toàn cho học sinh, giáo viên cũng như môi trường giáo dục.
Tính toán của Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, nếu học sinh phải nghỉ học hết tháng 3 này, tức đã “âm” vào 8 tuần so với mọi năm. Điều này có nghĩa, các kỳ thi phải lùi theo và phía Bộ GD&ĐT sẽ có hướng dẫn để các địa phương tính toán phương án học bù.
Cụ thể, tại Quyết định 2071 của Bộ GD&ĐT ban hành khung kế hoạch thời gian năm học đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên, áp dụng từ năm học 2017-2018 trong toàn quốc có quy định một số mốc thời gian quan trọng, như kết thúc năm học trước ngày 31/5 hằng năm; xét công nhận hoàn thành chương trình tiểu học và xét công nhận tót nghiệp THCS trước ngày 15/6 hằng năm; hoàn thành tuyển sinh vào lớp 10 trước ngày 31/7 hằng năm.
Như vậy, theo ông Nguyễn Xuân Thành, khi dịch bệnh Covid-19 tiếp tục có diễn biến phức tạp, bắt buộc học sinh phải nghỉ học để đảm bảo an toàn, các mốc thời gian này sẽ được điều chỉnh kéo theo để đảm bảo phù hợp.
Trao đổi về quỹ thời gian 3 tháng hè có thể phải dùng hết cho việc đào tạo (dạy, học bù), ông Thành nói tiếp: “Về số học thì có thể hiểu cứ nghỉ bao nhiêu thì lấy quỹ nghỉ hè bù vào bấy nhiêu. Tuy nhiên, câu chuyện không đơn giản như vậy. Bởi khi điều chỉnh thời gian của năm học, Bộ GD&ĐT phải tính đến thời điểm chuyển cấp đối với học sinh cuối cấp. Quan điểm là không để chuyển sang năm sau, như vậy rất thiệt thòi cho các em học sinh”.
Chia sẻ về phương án dạy bù, ông Thành cho biết, Bộ GD&ĐT sẽ có văn bản hướng dẫn cụ thể tới các địa phương. Bởi trong khung kế hoạch thời gian của năm học, mỗi học kỳ đều có các tuần đệm (tuần dự phòng) để các địa phương căn cứ vào tình hình cụ thể xây dựng kế hoạch thời gian năm học, trên tinh thần đảm bảo yêu cầu về kiến thức, chương trình giáo dục theo quy định.
“Quan điểm của Bộ GD&ĐT là đưa sự an toàn của môi trường giáo dục lên cao nhất. Song song với đó, chúng tôi cũng sẽ tính toán để các nhà trường đảm bảo đầy đủ lịch học theo chương trình đã được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt” - ông Thành cho hay.