Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lung linh sắc màu văn hóa các dân tộc trong Ngày Di sản

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Tối ngày 23/11, Bộ VHTT&DL đã tổ chức chương trình văn nghệ chào mừng Ngày Di sản Việt Nam tại Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội).

Lung linh sắc màu văn hóa các dân tộc trong Ngày Di sản - Ảnh 1

Nghệ nhân người Raglai biểu diễn trong lễ khánh thành quần thể.

Tới dự chương trình có Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Trưởng ban dân vận TƯ Hà Thị Khiết, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Hoàng Anh Tuấn cùng nhiều lãnh đạo các bộ, ban ngành và đông đảo bà con đồng bào các dân tộc Chăm, Raglai.

Dưới bàn tay dàn dựng của nhạc sĩ Trung Đình Cẩn và đạo diễn Dương Thảo, qua hơn hai giờ diễn ra chương trình đã tái hiện hầu hết các di sản đặc sắc của Việt Nam như: Hoàng thành Thăng Long, vịnh Hạ Long, Phong Nha -  Kẻ Bàng, hát Then, Quan họ…

Lung linh sắc màu văn hóa các dân tộc trong Ngày Di sản - Ảnh 2

 Điệu múa của đồng bào dân tộc Chăm.

Phần sân khấu được thiết kế hoành tráng nhờ hệ thống đèn chiếu sáng hiện đại của các đơn vị đến từ TP HCM. Rất nhiều bà con đồng bào dân tộc đến từ nhiều tỉnh, thành đã tề tựu về Làng Văn hóa các Dân tộc Việt Nam trong những ngày. Tạo nên bức tranh văn hóa đa sắc màu đồng thời cũng thắm tình đoàn kết.

Hoạt động có ý nghĩa nhất trong chương trình chào mừng Ngày Di sản Việt Nam tại Làng Văn hóa các Dân tộc Việt Nam là buổi lễ khánh thành và mở cửa quần thể tháp Chăm. Công trình hoành tráng, mô phỏng theo cụm tháp PoKlong Garai ở Ninh Thuận được thi công trong 4 năm.

Lung linh sắc màu văn hóa các dân tộc trong Ngày Di sản - Ảnh 3

 Quần thể tháp Chăm sau 4 năm xây dựng.

Quần thể tháp tọa lạc trên diện tích khoảng 4 nghìn mét vuông bao gồm: Tháp chính - tháp Kalan cao hơn 20m, tháp cổng - tháp Gopura cao hơn 8m và tháp hỏa - tháp Kosaghra cao hơn 9m. Tháp có 3 tầng được cấu trúc như nhau, càng lên cao càng thu nhỏ dần và kết thúc bằng một Linga bằng đá trên nóc tháp. Công trình do những đoàn nghệ nhân người Chăm trực tiếp xây dựng.

Lung linh sắc màu văn hóa các dân tộc trong Ngày Di sản - Ảnh 4 

Lễ cầu an trước tháp chính.

Tại buổi lễ khánh thành đồng bào và các nghệ nhân đã tổ chức nghi lễ Katê với đầy đủ các nghi lễ truyền thống. Nghi lễ Katê được bắt đầu Lễ cúng cầu an, nghi thức lễ phục, kiệu rước, nghinh, thỉnh và rước trang phục nữ Thần Pô Sah Inư lên tháp chính; sau đó là nghi lễ mở cửa Tháp, lễ tắm bệ thờ Linga – Yoni, lễ mặc trang phục nữ Thần, Đại lễ trước tháp chính.

 Lung linh sắc màu văn hóa các dân tộc trong Ngày Di sản - Ảnh 5

Lễ rước trang phục nữ thần Pô Sah Inư lên tháp chính.

Lần đầu tiên, tại Hà Nội, các đại biểu và quan khách quốc tế, các nhân sĩ trí thức, nghệ nhân, cùng đông đảo nhân dân đã được chứng kiến các nghi thức truyền thống phản ánh sức sống và các giá trị trường tồn của quần thể tháp Chăm.