Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lúng túng trong số hóa truyền hình

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khu vực Đồng bằng Bắc Bộ hiện vẫn chưa có doanh nghiệp (DN) truyền dẫn phát sóng truyền hình số mặt đất chung mặc dù đây là yếu tố quan trọng để thực hiện lộ trình số hóa truyền hình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Thực trạng này cũng đang diễn ra tại những khu vực, địa phương khác.

Vì sao chậm?

Theo bà Phan Lan Tú - Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội đã trình lên Bộ TT&TT phương án thành lập mạng truyền dẫn phát sóng truyền hình số từ tháng 10/2013. Trong đề án ban đầu, Hà Nội đề xuất thành lập DN truyền dẫn phát sóng trên cơ sở liên doanh giữa Công ty Truyền hình cáp Hà Nội và Hanel. Tuy nhiên, cùng thời điểm đó, công ty Truyền hình cáp Hải Phòng cũng trình đề án thành lập DN truyền dẫn phát sóng ở Hải Phòng. Bộ chủ quản đã chỉ đạo khu vực Đồng bằng Bắc Bộ chỉ nên có một mạng truyền dẫn phát sóng và đã gợi ý 3 DN là Công ty Truyền hình cáp Hà Nội, Hanel và Công ty Truyền hình cáp Hải Phòng góp vốn để thành lập một DN truyền dẫn phát sóng truyền hình mặt đất chung của khu vực. "Các bên đã phải hoàn thiện lại hồ sơ xin cấp phép. Tuy nhiên, đến tháng 3/2014, Bộ mới chấp thuận cho thiết lập mạng truyền dẫn phát sóng của khu vực Đồng bằng Bắc Bộ" - bà Phan Lan Tú giải thích.

 
Nhân viên kỹ thuật Truyền hình cáp Việt Nam lắp đặt dịch vụ cho khách hàng. Ảnh: Vân Oanh
Nhân viên kỹ thuật Truyền hình cáp Việt Nam lắp đặt dịch vụ cho khách hàng. Ảnh: Vân Oanh
Sau thủ tục xin cấp phép thành lập mạng truyền dẫn, các DN còn phải làm thủ tục đăng ký kinh doanh cho DN truyền dẫn phát sóng mới. Song, có lẽ do đây là mô hình mới, cần nhiều thủ tục trong khi các văn bản hướng dẫn chưa đầy đủ nên các bên bị lúng túng trong quá trình triển khai nên lộ trình số hóa truyền hình hơi chậm. Không riêng khu vực đồng bằng Bắc Bộ, tại khu vực Nam Bộ, Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh và Đài PTTH Vĩnh Long cũng đang trong giai đoạn đàm phán để thành lập DN truyền dẫn phát sóng, song chưa có kết quả cụ thể.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Hồng Tuấn - Thường trực Văn phòng Ban Chỉ đạo Đề án số hóa truyền hình, Bộ TT&TT cho biết, Bộ đã có văn bản đề nghị UBND các TP Hà Nội, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh và UBND tỉnh Vĩnh Long chỉ đạo các đài PTTH phải báo cáo phương án thành lập DN truyền dẫn phát sóng khu vực trước ngày 30/4.

Không sợ mất thị phần

Trả lời câu hỏi của phóng viên báo Kinh tế & Đô thị liên quan đến việc ngắt sóng truyền hình anolog để chuyển sang truyền hình số mặt đất trước ngày 31/12/2015 theo quy định của Chính phủ có khiến lượng khán giả của Đài PTTH Hà Nội bị sụt giảm do các tỉnh lân cận chưa thực hiện số hóa, lãnh đạo Sở TT&TT Hà Nội khẳng định, ảnh hưởng là có nhưng không đáng ngại. "Lượng khán giả của Đài PTTH Hà Nội không chỉ là hơn 7 triệu dân sinh sống trên địa bàn Thủ đô mà còn có khoảng 20 triệu dân thuộc 9 tỉnh lân cận. Việc số hóa trước các địa phương chắc chắn sẽ khiến độ phủ sóng của nhà đài Hà Nội bị thu hẹp, liên quan tới thị phần và doanh thu quảng cáo của nhà đài. Xét kỹ thì độ phủ sóng của đài Hà Nội chỉ bị ảnh hưởng trong khoảng 2 năm, kể từ năm 2018 hầu hết các đài sẽ phải cạnh tranh với nhau bằng nội dung, bằng chất lượng các chương trình. Điều này tốt cho khán giả"- bà Phan Lan Tú chia sẻ.

Được biết, Hà Nội cũng đang kiến nghị Bộ TT&TT cho phép phát sóng song song analog và kỹ thuật số đến hết ngày 31/12/2016 mới ngắt sóng truyền hình analog hoàn toàn trên toàn địa bàn. Nếu được Bộ chấp thuận thì nhà đài sẽ không chịu nhiều ảnh hưởng vì theo lộ trình số hóa truyền hình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2016, 26 tỉnh, thành, trong đó, có Quảng Ninh, Thái Nguyên, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định sẽ chuyển đổi hoàn toàn. Đến năm 2018, 18 tỉnh tiếp theo sẽ chuyển đổi hoàn toàn. Năm 2020, 15 tỉnh trung du, miền núi phía Bắc và Tây Nguyên sẽ chuyển đổi, tiến tới cả nước dùng truyền hình số mặt đất.