KTĐT - Một khúc ngoặt bất ngờ của số phận đã biến anh từ một người đàn ông thành đạt, tương lai rực rỡ, cuộc sống viên mãn thành một kẻ tù tội với cái án giết vợ đeo bám suốt cuộc đời. Con cái anh rơi vào cảnh mồ côi, không nơi nương tựa.
Tôi gặp anh trong những ngày đầu tháng 8, khi anh đang thấp thỏm chờ xét đặc xá tại Trại giam Nam Hà, nghe anh bộc bạch về cuộc đời nhiều hạnh phúc nhưng cũng đầy đau đớn của mình. Trong những ngày cuối cùng sống trong bốn bức tường trại giam, anh đã trải lòng về nỗi đau đã ám ảnh anh hơn 10 năm trời với tất cả sự chân thành, chỉ xin không đưa ảnh mình lên bài viết, vì muốn giữ lại một khoảng lặng cho cuộc sống của mình sau này.
Trương Đình Trung sinh năm 1954, trong một gia đình có truyền thống cách mạng ở xã Hưng Long, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An. Như rất nhiều người con đất học xứ Nghệ, anh chọn sự học làm con đường lập thân và đã từng trở thành niềm tự hào của gia đình, dòng tộc.
Trong hơn 10 năm sống và học tập ở Tiệp Khắc, Trương Đình Trung luôn đảm nhiệm chức Bí thư Đoàn của người Việt Nam tại Praha, là người đi đầu trong những hoạt động của người Việt Nam tại đây.
Vì thông minh, có năng lực, cộng với sự nhiệt tình, năng nổ của người Nghệ An, nên khi về Việt Nam, chẳng mấy khó khăn anh đã trở thành Phó phòng Kinh doanh xuất nhập khẩu Đài Truyền hình Việt Nam, Phó Chủ tịch Công đoàn Đài Truyền hình Việt Nam.
Vợ anh là một cô gái quê ở Đồng Nai, tốt nghiệp Trung cấp kế toán, cũng được anh đưa ra Hà Nội làm việc. Nhớ lại những ngày đó, anh bảo đó là lúc cuộc đời anh hạnh phúc nhất, với vợ đẹp và hai đứa con một trai một gái ngoan ngoãn học giỏi, với một sự nghiệp đang trên đà thăng tiến. Những tưởng cuộc sống chẳng còn gì đáng mơ ước hơn thế, nếu không có những trớ trêu của số phận.
Trương Đình Trung nhớ lại: "Đầu những năm 1990, vợ tôi là cán bộ tín dụng của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thành phố Hà Nội. Thời điểm năm 1995 - 1997, khi có nguồn vốn ODA của Nhật Bản viện trợ cho Việt Nam, cô ấy như cá gặp nước. Từ một cán bộ tín dụng ngân hàng bình thường, cô ấy đã lợi dụng chức vụ và quyền hạn của mình, câu kết với các doanh nghiệp để thu lợi bất chính hàng tỷ đồng của Nhà nước".
"Tôi còn nhớ thời hoàng kim nhất, cô ấy có trong tay 3 biệt thư, trên 10 miếng đất ở trung tâm thành phố và mấy khách sạn thuộc hàng có đẳng cấp, trong đó có khách sạn Đại An xây năm 1995 ngay bên Hồ Tây. Những việc làm phạm pháp của cô ấy không thể qua mặt tôi. Tiền kiếm được nhiều, cô ấy chi tiêu, mua sắm cho gia đình, chồng con chẳng tiếc tay. Lương của tôi lúc đó là 3.700.000 đồng, chẳng bằng một phần nhỏ vợ tôi kiếm được mỗi tháng. Nhưng từ nhỏ tôi đã được bố mẹ giáo dục về đạo làm người, tuyệt đối không tham những đồng tiền không chính đáng. Là một người chồng, lại là cán bộ đảng viên, tôi chẳng đành lòng nhìn vợ mình rơi dần vào vũng bùn. Ngày nào tôi cũng khuyên nhủ cô ấy, mong cô ấy tỉnh ngộ và dừng lại khi chưa quá muộn. Nhưng cô ấy lại cho rằng tôi ghen tức vì thua kém vợ. Tình cảm vợ chồng cũng vì thế mà sứt mẻ dần".
Đến đầu năm 1997, khi thấy vợ càng ngày càng sa chân vào những việc làm mờ ám, Trương Đình Trung đã viết đơn gửi lên Ngân hành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thành phố Hà Nội, nơi vợ anh đang công tác, vạch trần những việc chị làm, với hi vọng chị sẽ vì thế mà tỉnh ngộ, quay đầu lại khi còn chưa quá muộn. Lá đơn tố cáo của anh đã khiến chị bị đình chỉ công tác để đi thu hồi số nợ thất thoát hơn 200 tỷ đồng và cũng khiến mâu thuẫn của vợ chồng anh bị đẩy lên đỉnh điểm.
Anh đau đớn nhớ lại: "Tôi đã làm những việc đó với lương tâm của một người chồng thực lòng yêu vợ. Dù có thể bị người đời lên án, tôi vẫn tin rằng tôi đã làm những điều tốt nhất cho cô ấy, để tránh cho cô ấy con đường tù tội sau này. Nhưng vợ tôi không hiểu được điều đó. Cô ấy gào lên rằng tôi đã hủy hoại sự nghiệp của cô ấy; rằng cô ấy có rất nhiều tiền, và tiền sẽ giúp cô ấy mua được công lý".
"Đến thời điểm đó, tôi thực sự nhận ra rằng vợ tôi đã bị đồng tiền làm cho lú lẫn. Sau hơn 1 tháng bỏ đi, cô ấy đột nhiên trở về nhà, mang theo một bình xịt hơi cay và một con dao nhọn làm bếp và tấn công tôi trong phòng ngủ của hai vợ chồng. Những vết sẹo trên tay và trên má tôi chính là những nhát dao mà cô ấy đã để lại. Trong lúc xô xát, chống cự, vì một phút thiếu kiềm chế, tôi đã cướp được con dao trên tay vợ, đâm cô ấy một nhát chí tử vào phổi. Đến lúc tỉnh ra, nhìn con dao đầy máu, bên cạnh là người vợ đang hấp hối, tôi hiểu đó là dấu chấm hết cho cuộc đời mình. Vợ tôi chết, còn tôi bắt đầu cuộc đời tù tội bằng những ngày tạm giam trong Hỏa Lò, nơi mà mỗi lần đi qua, có nằm mơ tôi cũng không bao giờ nghĩ rằng mình sẽ có ngày phải sống ở đó".
Trên tay Trương Đình Trung bây giờ vẫn còn hai vết sẹo, dấu vết của lần tự tử không thành. Anh kể với tôi, vì quá ân hận, anh đã 4 lần tự tử nhưng không thành. Lần thứ nhất là ngay lúc ngồi bên xác vợ, anh cắt mạch máu tay, để hai vợ chồng được chết cùng ngày cùng tháng cùng năm, để anh có thể chuộc lỗi với vợ nơi chín suối. Nhưng bạn bè đã phát hiện và kịp thời mang anh đi cấp cứu.
Những ngày trong trại giam Hỏa Lò, anh cứ mãi ám ảnh và day dứt về tội lỗi mà mình đã gây ra, khiến vợ anh phải từ giã cuộc sống khi còn quá rẻ. Ba lần anh tự tử trong Hỏa Lò, cả ba lần đều bị phát hiện. Đó là lúc anh chấp nhận số phận của mình, số phận của người đàn ông mang tội giết vợ, sẽ phải sống để tự ân hận, dày vò cho đến phút cuối cùng của cuộc đời.
Anh vào cải tạo tại Trại giam Nam Hà với mức án tù chung thân cho tội lỗi mà mình đã gây ra. Khi đó con gái lớn của anh 13 tuổi, còn cậu con trai út chưa đầy 10 tuổi. Trả lời trước tòa trong ngày xử bố, con gái anh đã nghẹn ngào nói trong nước mắt: "Bố cháu đã giết mẹ cháu, khiến chị em cháu mồ côi mẹ. Lẽ ra cháu phải rất hận bố. Nhưng cháu biết bố thực lòng thương yêu mẹ. Tội lỗi bố gây ra chỉ do một phút thiếu kiềm chế, vì thế cháu xin tòa tha tội cho bố cháu".
Câu nói của cô con gái bé bỏng đã cứu vớt cuộc đời anh. Lúc đó cả thế giới đều quay lưng lại với anh, gia đình vợ oán giận anh, xã hội dè bỉu anh, nhưng con gái anh thì không. Đó là động lực khiến anh có đủ can đảm để sống và tiếp tục hi vọng. Anh yên tâm vào cải tạo tại Trại giam Nam Hà, bằng lòng với việc gặp con hai ba tháng một lần, nhìn thấy chúng lớn lên từng ngày, dù thiếu tình thương và sự chăm sóc của bố mẹ nhưng vẫn ngoan ngoãn, giỏi giang.
Những lúc đó, trong trái tim người bố lầm lạc, có cả hạnh phúc và xót xa. 13 năm anh sống trong cảnh tù đày cũng là ngần đấy năm hai đứa con bé bỏng mà anh rất đỗi yêu thương phải tự đùm bọc, bảo ban nhau. Tiền bạc, bất động sản vợ anh để lại trước khi chết, phần thì bị bạn bè làm ăn cướp mất, phần thì bị tịch thu để đền bù thiệt hại cho Nhà nước. Để duy trì được cuộc sống cho các con, anh đã nhờ người bán đi ngôi nhà của vợ chồng anh ở phố Khâm Thiên, đem toàn bộ tiền gửi vào ngân hàng để các con anh không phải sống trong cảnh quá thiếu thốn khi không có bàn tay chăm sóc của bố mẹ.
Nhìn cảnh hai đứa con nhỏ phải sống bơ vơ từ tấm bé, ở trong tù anh chỉ còn biết nỗ lực không ngừng, với hi vọng có một ngày, nhờ sự khoan hồng của pháp luật, anh sẽ được trở về với xã hội, với gia đình để bù đắp và làm chỗ dựa cho hai đứa con côi cút đã phải chịu quá nhiều thiệt thòi do những sai lầm không đáng có của cả bố và mẹ. Anh đau đớn kể: "Con gái tôi giờ đã tốt nghiệp Đại học, đã có công việc ổn định và có bạn trai. Mỗi lần lên thăm cháu đều động viên bố và bảo rằng đợi bố ra tù, chăm sóc, báo hiếu bố một thời gian rồi mới đi lấy chồng".
Suốt 13 năm cải tạo ở phân trại II, Trại giam Nam Hà, công việc duy nhất của Trương Đình Trung là làm "thầy giáo", dạy học cho những "học sinh" - tù nhân mù chữ. Những tù nhân ở đây mỗi người một hoàn cảnh, một số phận nhưng ai cũng có những bất hạnh, những đau đớn của riêng mình. Có những người thậm chí bị gia đình ruồng bỏ, không một lời hỏi han.
Sống trong môi trường đó, với những con người đó, Trương Đình Trung lúc nào cũng tự nhủ mình vẫn còn rất may mắn, vì còn có chỗ dựa tinh thần là hai đứa con biết bao dung, tha thứ cho những lỗi lầm của bố. Với lý lịch trong sạch, quá trình cải tạo tốt, lại có người anh trai là liệt sĩ, cơ hội được xét đặc xá với Trương Đình Trung là rất lớn.
Anh tâm sự: "Anh trai tôi là Trương Đình Dung, hi sinh năm 1972, hiện vẫn chưa tìm thấy mộ. Ngày xưa khi vợ chồng tôi còn cơm lành canh ngọt, năm nào chúng tôi cũng dành ra nửa tháng để đi tìm mộ anh ấy. Vợ tôi đã cùng tôi đi không biết bao nhiêu tỉnh thành, đến không biết bao nhiêu nghĩa trang để tìm từng ngôi mộ mà không một lời kêu ca, than trách. Dù đã xảy ra những chuyện rất đỗi đau lòng, tôi vẫn biết cô ấy là người tốt và mãi yêu thương cô ấy. Chúng tôi đều có chung một ước nguyện là tìm được mộ anh trai tôi, đưa anh ấy trở về quê hương. Nếu chúng tôi không mắc sai lầm, có lẽ giờ này ước mơ đó đã thành sự thực. Hai vợ chồng tôi có lẽ vẫn hạnh phúc, cùng nhau nuôi dạy con cái nên người. Khi ra tù, tôi nhất định sẽ hoàn thành mơ ước dở dang đó".
Những ngày chờ xét đặc xá, Trương Đình Trung lúc nào cũng trong trạng thái mê mê tỉnh tỉnh, vừa hạnh phúc vừa lo sợ. Cái ý nghĩ được trở về với các con sau 13 năm xa cách khiến anh choáng ngợp. Anh nói: "Khi ra tù, tôi sẽ kiếm một công việc bình thường, sống một cuộc sống ẩn dật và toàn tâm toàn ý chăm sóc con cái. Đó là cách tôi chuộc lỗi với người vợ quá cố của mình. Ở dưới suối vàng, hi vọng cô ấy sẽ tha thứ cho tôi".