Trong đó, vấn đề tiền lương và lương tối thiểu vùng, giờ làm thêm, thời gian nghỉ thai sản là những nội dung quan trọng được nhiều đại biều đề cập tới.
Tiền lương là gốc của nhiều vấn đề
Theo dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), tiền lương trả căn cứ vào năng suất lao động, chất lượng và hiệu quả công việc; không được thấp hơn mức lương tối thiểu..., dựa trên quan điểm Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào mức tiền lương, chỉ qui định mức thấp nhất, đồng thời, thiết lập cơ chế bảo vệ người lao động. Qua thảo luận, một số ý kiến lo ngại qui định lương tối thiểu theo vùng, ngành sẽ bị các doanh nghiệp lợi dụng để trả lương quá thấp theo mức sàn. Ủy ban về các vấn đề xã hội đề nghị bổ sung thêm qui định căn cứ để trả lương và làm rõ phạm vi tham gia của Nhà nước đối với vấn đề tiền lương.
Đưa ra quan điểm, tiền lương, tiền công phải được coi là giá cả sức lao động, được hình thành trong cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước. Đại biểu Phùng Quốc Hiển (Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Quốc hội) cho rằng, mức lương tối thiểu cũng cần tính để người lao động đảm bảo cuộc sống. Đại biểu Nguyễn Kim Khoa (Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng) cũng cho rằng, tiền lương, tiền công là gốc của nhiều vấn đề trong các quy định về lao động, nếu không giải quyết được căn cơ vấn đề này, chắc chắn vẫn xảy ra đình công, bãi công, lãn công.
Xung quanh vấn đề giờ làm thêm, dự án Luật qui định, số giờ làm thêm tối đa không quá 50% số giờ làm việc chính thức trong một ngày và không quá 30 giờ trong một tháng...
Tại buổi thảo luận về Luật Lao động (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị nên nghiên cứu tăng thêm một ngày nghỉ Tết Nguyên đán vì thực tế ngày đầu tiên đi làm sau kỳ nghỉ, người dân vẫn chưa tập trung làm việc. Về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (nguyên Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH) cho biết, Bộ từng nghiên cứu đề nghị này. Tuy nhiên, hai năm gần đây, Bộ đã hoán đổi ngày nghỉ để kỳ nghỉ Tết được kéo dài, đáp ứng mong mỏi của người dân. |
Nghỉ thai sản tối đa 6 tháng
Theo tờ trình Chính phủ về thời gian nghỉ thai sản, lần này sửa qui định cũ theo hướng tăng thời gian nghỉ thai sản từ 4 tháng lên 5 tháng với người làm việc trong điều kiện bình thường. Riêng lao động khuyết tật và lao động nữ làm các công việc nặng nhọc, độc hại (có trong danh mục) sẽ được nghỉ 6 tháng.
Bộ trưởng LĐTB&XH Phạm Thị Hải Chuyền giải thích, với nguyên tắc bảo vệ lao động nữ, Chính phủ ủng hộ ý kiến tăng thời gian nghỉ thai sản lên 6 tháng. Tuy nhiên, việc qui định tăng phải có lộ trình và phải đảm bảo không tạo ra rào cản cho lao động nữ khi tham gia thị trường lao động, đồng thời có tính toán đến khả năng chi trả của Quĩ bảo hiểm xã hội.
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng, nên nghiên cứu phương án nâng quyền được nghỉ của người mẹ lên 6 tháng và mức sàn phải là 5 tháng. Người mẹ có thể được quyền lựa chọn đi làm sớm, nhưng không được sớm hơn 5 tháng. Vấn đề này sẽ được Quốc hội thảo luận trong kỳ họp thứ hai diễn ra vào cuối tháng mười.