Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lương tối thiểu chưa đáp ứng nhu cầu tối thiểu

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hội đồng Tiền lương Quốc gia vẫn đang lấy ý kiến để chốt phương án điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2015, trình Chính phủ xem xét vào đầu tháng 9 tới.

Hội đồng Tiền lương Quốc gia vẫn đang lấy ý kiến để chốt phương án điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2015, trình Chính phủ xem xét vào đầu tháng 9 tới. Nhưng có lẽ, đối với người lao động (NLĐ), dù lương được tăng vẫn phải đối mặt với nỗi lo "không đủ sống" vì giá "chạy" nhanh hơn lương.

Chưa chốt phương án

Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã tổ chức các phiên họp chung để thảo luận về phương án điều chỉnh lương tối thiểu vùng sẽ áp dụng vào năm 2015. Tuy nhiên, đến thời điểm này, đại diện của ba bên thành viên trong Hội đồng Tiền lương Quốc gia là Bộ LĐTB&XH, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam (TLĐLĐ) cùng phía sử dụng lao động là Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vẫn chưa thống nhất được phương án chung. 
Ảnh mang tính chất minh họa.Nguồn: Internet.
Ảnh mang tính chất minh họa.Nguồn: Internet.
Cụ thể, VCCI đề xuất không tăng lương tối thiểu, nếu có chỉ tăng từ 10 - 12% (lên mức 3 triệu đồng/tháng) vì tăng lương có thể khiến doanh nghiệp (DN) gặp nhiều khó khăn, nhất là các DN dệt may, da giày và thủy sản. Bên cạnh đó, khi tiền lương tăng vượt quá sự chịu đựng, mức cạnh tranh giảm, DN sẽ phải đầu tư thêm máy móc thay vì tuyển thêm lao động hoặc phải thu hẹp sản xuất. Điều này dẫn đến nguy cơ NLĐ bị mất việc hoặc nhu cầu tuyển dụng sẽ giảm.

Trong khi đó, TLĐLĐ Việt Nam lại đề xuất tăng lương tối thiểu lên 23% so với năm 2014 (lên mức 3,4 triệu đồng/tháng) do mức lương hiện tại quá thấp. Theo ông Mai Đức Chính - Phó Chủ tịch TLĐLĐ Việt Nam, với mức lương tối thiểu hiện nay, kể cả mức cao nhất ở vùng I là 2,7 triệu đồng/tháng thì ngay cả NLĐ độc thân cũng không đủ chi tiêu chứ chưa nói đến việc phải nuôi con. Thực tế, qua số liệu khảo sát quý I và quý II của Viện Công nhân và Công đoàn với 1.500 công nhân tại 60 DN thuộc đủ các loại hình ở 12 tỉnh, TP trên cả nước, mức chi tiêu tối thiểu cho nhu cầu sinh hoạt hàng tháng của NLĐ (có tính cả nhu cầu nuôi con) là 4,1 triệu đồng. Trong đó, vùng 1 là 4,78 triệu đồng, tăng 6,8% so với năm 2013, vùng 2 là 4,13 triệu đồng (tăng 10,5%), vùng 3 là 3,85 triệu đồng (tăng 8,5%), và vùng 4 là 3,31 triệu đồng (tăng 6,2%). Có tới hơn 13% NLĐ cho biết là thu nhập không đủ sống, gần 25% trả lời là phải chi tiêu hết sức tằn tiện và gần 50% cho biết là thu nhập chỉ vừa đủ chi trả các sinh hoạt thiết yếu. Chỉ có 12,3% cho biết có dư dật và tích lũy, nhưng số tiền tích lũy chỉ từ 200.000 - 500.000 đồng/tháng. Đây cũng là bức xúc lớn nhất hiện nay của đa số NLĐ trong các DN.

Nỗi lo của người lao động

Theo các chuyên gia, hiện tại, lương tối thiểu mới chỉ đáp ứng được 75% nhu cầu đời sống tối thiểu của NLĐ. Nếu lương tối thiểu được điều chỉnh đều đặn hàng năm theo đúng lộ trình, với mức điều chỉnh mỗi năm tăng bình quân khoảng trên 15% thì cũng phải đến năm 2016, lương tối thiểu mới đáp ứng đủ nhu cầu chi tiêu tối thiểu của NLĐ.

Điều mà NLĐ lo lắng, dù lương được tăng vẫn khó đảm bảo cuộc sống. Anh Nguyễn Duy Trường (kỹ sư một công ty lắp máy tại quận Hai Bà Trưng) cho biết: "Lương của tôi cộng tất cả các khoản được 5 triệu đồng/tháng, chi phí tiền ăn, nhà trọ, điện, nước, xăng xe, điện thoại, mỗi tháng chỉ dư 500.000 đồng. Lương của vợ tôi cũng tương tự, trong khi chúng tôi nuôi hai con, nên không thể đủ sống, vợ tôi phải chạy vạy, làm thêm đủ thứ". Còn chị Trần Thu Hoài (giáo viên tại phường Nam Đồng, quận Đống Đa) bày tỏ: "Tôi không mong tăng lương, chỉ cần bình ổn giá, sợ nhất mỗi lần rậm rịch tăng lương là giá đã tăng ầm ầm".

Ông Nguyễn Tiến Đăng - Trưởng phòng Tiền lương, Vụ Lao động - Tiền lương (Bộ LĐTB&XH) cho biết, tuy đến thời điểm này chưa có phương án cuối cùng, song chắc chắn lương tối thiểu năm 2015 sẽ được điều chỉnh tăng. Có thể, lương tối thiểu được điều chỉnh tăng nằm ở khoảng giữa trong 2 phương án do VCCI và TLĐLĐ Việt Nam đề xuất.