Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lương tối thiểu vùng tăng từ 1/1/2017: Để không là hình thức

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ 1/1/2017, mức lương tối thiểu (LTT) vùng sẽ được điều chỉnh tăng lên, nhưng những người lao động (NLĐ) đang được trả lương trên mức chuẩn tối thiểu muốn có thu nhập nhiều hơn phải thương lượng.

Người lao động chờ đợi
“Tôi và nhiều NLĐ rất vui khi biết tin Chính phủ đồng ý tăng LTT vùng năm 2017. Hiện nay, tôi làm việc 12 tiếng/ngày, thu nhập 6 triệu đồng/tháng, gia đình rất tiết kiệm chi tiêu vẫn không đủ trang trải cuộc sống. Hy vọng từ năm 2017, đồng lương được nâng lên, cuộc sống sẽ cải thiện chút ít, mức đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) cũng cao hơn để khi về hưu đảm bảo nhu cầu sống đơn giản” - anh Trần Đình Tuấn, công nhân một công ty sản xuất đồ chơi trẻ em tại Hà Nội chia sẻ.
Theo Nghị định 153/2016/NĐ - CP, tất cả các công ty, DN, HTX… có ký hợp đồng lao động với NLĐ đều phải điều chỉnh mức LTT vùng tăng lên 7,3% so với mức áp dụng năm 2016. Tất nhiên, mức độ hưởng của từng đối tượng ở từng vùng sẽ khác nhau.
 Từ 1/1/2017, mức lương của người lao động sẽ được điều chỉnh tăng từ 180.000 - 250.000 đồng tùy từng vùng. Ảnh: Phạm Hùng
Trưởng ban Chính sách kinh tế - xã hội và thi đua khen thưởng, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Đặng Quang Điều cho biết: “Trong tình hình kinh tế khó khăn, Chính phủ quyết định điều chỉnh mức LTT như vậy có thể hỗ trợ, giúp NLĐ giảm bớt khó khăn nhất định trong cuộc sống”. Mức LTT hiện nay còn thấp so với mức sống tối thiểu, mới chỉ đáp ứng được 75%. Tuy nhiên, tổ chức công đoàn chia sẻ với các DN, năm nay chấp thuận tăng lương 180.000 - 250.000 đồng tùy theo vùng.
Thỏa thuận để có thu nhập cao hơn
Theo quy định LTT vùng năm 2017, tất cả các DN phải tăng mức đóng BHXH cho NLĐ. DN nào đang trả lương cho NLĐ thấp hơn mức lương tối thiểu chiếu theo vùng thì phải tăng lên bằng. Còn trường hợp các DN đang trả lương vượt so với mức LTT vùng thì NLĐ có quyền thỏa thuận với chủ sử dụng lao động để được trả lương cao hơn nữa. Về việc này, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động xã hội, Bộ LĐTB&XH Nguyễn Hữu Dũng tư vấn: Trước tiên, NLĐ phải xem mức lương mình đang hưởng cao hơn chuẩn tối thiểu quy định mấy phần trăm, từ đó công đoàn sẽ đại diện cho NLĐ tiến hành thương lượng, thỏa thuận với chủ DN. Ví dụ, quy định tiền LTT vùng 1 là 3,5 triệu đồng/tháng, DN trả 4 triệu đồng. Như vậy, DN thực trả cao hơn 5% so với mức LTT vùng áp dụng năm 2016. Từ năm 2017, LTT vùng 1 là 3,75 triệu đồng/tháng, DN cũng phải chí ít trả lương tăng lên 5% so với quy định này. “Giải pháp đầu tiên rất quan trọng là NLĐ thông qua đại diện là công đoàn tiến hành đàm phán, thỏa thuận với chủ DN về tiền lương để ghi vào thỏa ước lao động tập thể, đảm bảo không vi phạm quy định về tiền LTT vùng; thứ hai, phụ thuộc vào hiệu quả SXKD và lợi nhuận của DN; thứ ba, DN đóng BHXH cho NLĐ tăng lên” - ông Dũng nhấn mạnh.
Hơn nữa, nhiều NLĐ không khỏi băn khoăn, khi tăng lương các DN sẽ cắt bớt những khoản ngoài lương cơ bản như tiền thưởng, ăn giữa ca, hỗ trợ xăng xe… Tính ra, tổng thu nhập của NLĐ vẫn như cũ, việc tăng lương chỉ là hình thức. Theo Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn Việt Nam Vũ Quang Thọ: Tăng lương nhưng các DN vẫn phải đảm bảo những yêu cầu đã cam kết với NLĐ, nếu không NLĐ sẽ đình công, dẫn đến cả hai bên đều không có lợi.
Tất nhiên, trong việc điều chỉnh tăng LTT vùng, nhiều DN than phiền gặp khó khăn khi thời gian phải thực hiện quá gấp, ngay sát thời điểm cuối năm 2016 họ phải đóng thuế, BHXH, thưởng Tết cho NLĐ, trong khi công việc SXKD đang khó khăn. Hội đồng Tiền lương quốc gia rất chia sẻ với DN về việc này, chỉ đề nghị Chính phủ tăng 7,3% đã tính đến yếu tố thị trường và khả năng chi trả của DN. Theo ông Dũng, tăng LTT vùng sẽ tạo áp lực để DN tính toán phương án SXKD có hiệu quả hơn, nếu không sẽ buộc phải phá sản. Vì thế, không còn con đường nào khác, DN buộc phải phấn đấu để tồn tại và phát triển.
Nghị định 153/2016/NĐ-CP của Chính phủ Quy định mức LTT vùng đối với NLĐ làm việc theo hợp đồng lao động có hiệu lực từ 1/1/2017, đối với vùng 1: 3.750.000 đồng/tháng, tăng 250.000 đồng so với năm 2016; vùng 2: 3.320.000 đồng/tháng, tăng 210.000 đồng; vùng 3: 2.900.000 đồng/tháng, tăng 200.000 đồng; vùng 4: 2.580.000 đồng/tháng, tăng 180.000 đồng.