KTĐT - Trong mấy năm gần đây, tốc độ tăng trưởng tín dụng tại Việt Nam luôn ở mức khá cao, các năm 2009 và 2010 tăng trưởng tín dụng đều vào khoảng 30% đến gần 40% so với năm trước đó, cao hơn nhiều tốc độ tăng trưởng GDP cùng thời kỳ.
Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng trưởng tín dụng so với GDP thuộc loại lớn nhất khu vực, có thể chỉ thấp hơn Trung Quốc“Bao giờ tốc độ tăng trưởng tín dụng cao cũng đi đôi với rủi ro”, ông Jose Isidro (Lito) N. Camacho, Phó chủ tịch khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Credit Suisse nêu quan điểm tại phiên thảo luận về thể chế tài chính cho đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam sáng 3/5.
Trong mấy năm gần đây, tốc độ tăng trưởng tín dụng tại Việt Nam luôn ở mức khá cao, các năm 2009 và 2010 tăng trưởng tín dụng đều vào khoảng 30% đến gần 40% so với năm trước đó, cao hơn nhiều tốc độ tăng trưởng GDP cùng thời kỳ.
Do việc khuyến khích các ngân hàng tiếp tục cho vay các doanh nghiệp, tốc độ tăng trưởng tín dụng so với GDP lên rất nhanh chóng, quy mô tín dụng cho nền kinh tế cũng vượt qua tổng thu nhập quốc dân. “Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng trưởng tín dụng so với GDP thuộc loại lớn nhất khu vực, có thể chỉ thấp hơn Trung Quốc… Tôi nghĩ đó là rủi ro thật sự”, đại diện từ Credit Suisse nhìn nhận.
Đánh giá những rủi ro có thể sẽ xảy ra trong thời gian tới, Phó chủ tịch khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Credit Suisse lưu ý rằng, vấn đề nằm ở chỗ, liệu danh mục hiện nay của các ngân hàng thương mại có duy trì được chất lượng tốt hay không?
Ông Jose Isidro (Lito) N. Camacho nhìn nhận, với tình hình hiện nay của hệ thống tài chính và ngân hàng Việt Nam, “họ có thể xử lý được, miễn là họ có thể kiểm soát được danh mục hiện nay của mình, cũng như thực hiện đúng các quy định và hạn chế Ngân hàng Nhà nước đề ra”, ông nói.
Đồng thời, ông cũng khuyến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tích cực khuyến khích thúc đẩy tăng trưởng tín dụng khu vực sản xuất, đảm bảo khu vực này có thể nhận được tín dụng cần thiết để mở rộng sản xuất, cũng như là hướng vào các ngành định hướng xuất khẩu, hơn là cho vay các lĩnh vực có tính chất đầu cơ như thị trường chứng khoán, hay bất động sản.
“Tôi nghĩ rằng những biện pháp như vậy sẽ rất quan trọng trong bối cảnh hiện nay”, ông nói.
Cũng liên quan đến vấn đề này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu cho biết, các nghiên cứu tình hình thực tế đầu năm nay đã đưa Chính phủ đến những quyết sách mới. Nghị quyết 11 của Chính phủ đã đưa ra 6 nhóm giải pháp, trong đó chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng điều chỉnh tăng trưởng tín dụng năm nay xuống dưới 20%; tổng phương tiện thanh toán khoảng 15-16%.
“Ngân hàng Nhà nước có quy định, với lĩnh vực phi sản xuất khống chế cuối tháng 6 không quá 22% tổng dư nợ nền kinh tế, và đến cuối năm cơ cấu dư nợ chiếm không quá 16% tổng dư nợ”, ông Giàu hồi đáp. Với chỉ tiêu này, người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết sẽ không có vướng mắc lớn khi thực hiện.
Vấn đề về minh bạch thông tin ngân hàng cũng được đặt ra trong chương trình thảo luận sáng nay. Liên quan đến dự trữ ngoại hối, Thống đốc cho biết nhiều tổ chức quốc tế cũng “hối thúc” công khai chỉ tiêu này, tuy nhiên do các quy định hiện hành, Ngân hàng Nhà nước còn phải bàn bạc với các bộ mới có thể đề đạt ý kiến lên Thủ tướng Chính phủ.