Siêu trăng lớn nhất thế kỷ sẽ xuất hiện trên bầu trời vào hôm 14/11 khi Mặt Trăng ở gần Trái Đất nhất kể từ tháng 1/1948, theo Science Alert. Trong sự kiện đặc biệt này, Mặt Trăng sẽ lớn hơn 14% và sáng hơn 30% so với trăng tròn thông thường.
Theo Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA), Mặt Trăng quay theo quỹ đạo hình elip, có một đầu gọi là perigee (cận điểm hay điểm gần Trái Đất nhất). Điểm này ở gần Trái Đất hơn 48.280 km so với đầu mang tên apogee (viễn điểm hay điểm xa Trái Đất nhất).
Thời điểm Mặt Trời, Mặt Trăng và Trái Đất thẳng hàng được gọi là syzygy (ngày sóc vọng). Khi khoảnh khắc cận điểm rơi vào ngày sóc vọng, Mặt Trăng trở nên lớn hơn và sáng hơn nhiều so với bình thường và được gọi là siêu trăng hay trăng tròn cận điểm.
Hiện tượng siêu trăng không hiếm gặp. Hôm 16/10, người dân khắp thế giới đã có dịp ngắm nhìn siêu trăng và hiện tượng này sẽ còn lặp lại vào hôm 14/12 tới. Tuy nhiên, Mặt Trăng hôm 14/11 sẽ tròn đầy trong khoảng hai tiếng ở điểm gần Trái Đất nhất, và có kích cỡ lớn nhất trong gần 7 thập kỷ qua. Trăng tròn sẽ không xuất hiện ở khoảng cách gần như vậy cho đến ngày 25/11/2034.
Siêu trăng sẽ tròn nhất và sáng nhất vào lúc 13h52 ngày 14/11 theo giờ GMT, tức là khoảng 20h52 cùng ngày theo giờ Việt Nam. Các chuyên gia thiên văn cho biết, người dân khu vực phía tây Bắc Mỹ và các nước thuộc vành đai Thái Bình Dương, bao gồm Việt Nam, sẽ có cơ hội quan sát siêu trăng rõ nét nhất.
Theo ông Hoàng Quốc Phương – Chủ tịch Hội thiên văn nghiệp dư Hà Nội, đối với giới thiên văn học, hiện tượng siêu trăng không có gì lạ và thường xuyên xảy ra.
“Mặt trăng quay quanh Trái đất theo quỹ đạo hình elip nên sẽ có 2 điểm gần nhất và xa nhất. Khi mặt trăng đến điểm gần nhất và phải đảm bảo điều kiện đủ tròn thì mới được gọi là siêu trăng. Nếu mặt trăng đạt điểm gần nhất nhưng trăng khuyết, méo thì không được gọi là siêu trăng”, ông Phương nói.
Theo ông Phương, sự khác biệt về kích thước của siêu trăng lần này cũng như các siêu trăng khác là do “ảo giác mặt trăng” gây ra. Khi trăng treo thấp gần đường chân trời, các vật thể như cây cối hay các tòa nhà làm tiền cảnh tạo ra hiệu ứng ảo giác khiến mọi người cảm giác mặt trăng trở nên lớn hơn.
Phải dùng các loại kính thiên văn nhìn và chụp lại hình ảnh mặt trăng rồi thông qua các phép tính toán khoa học, so sánh, chúng ta mới biết siêu trăng to hơn trăng lúc bình thường, chứ bằng mắt thường rất khó nhận ra. Trên thực tế, siêu trăng chẳng to hơn là bao so với trăng rằm tháng Tám.