Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lý Sơn: Nơi giá nước ở "trên trời"

Nghiêm Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau nhiều năm đưa vào sử dụng, hệ thống nhà máy nước An Bình (đảo Bé, Lý Sơn) liên tục gặp sự cố khiến việc cấp nước cho người dân bị ảnh hưởng nặng nề. Những ngày này, người dân đảo Bé phải mua nước từ đảo Lớn sang với giá cao gấp nhiều lần đơn giá thông thường.

Mùa khô là lúc nhu cầu sử dụng nước ngọt của người dân đảo Bé tăng cao, đặc biệt đang là thời điểm có đông khách du lịch. Tình trạng thiếu nước ngọt đã ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt và sản xuất, kinh doanh của người dân nơi đây.
Bà Nguyễn Thị Anh cho hay, bà vừa mua 3 khối nước ngọt từ đảo Lớn về để các thành viên trong gia đình dùng. Theo bà, mỗi ngày nhà máy lọc nước biển thành nước ngọt của xã cung cấp chỉ đủ để gia đình bà nấu ăn, mọi sinh hoạt khác đều phải mua nước từ đảo Lớn sang.
“Khi hệ thống lọc nước biển thành nước ngọt đi vào hoạt động, cứ tưởng những chiếc lu được xây dựng cách đây gần 20 năm đã đi vào kỷ niệm, nhưng bây giờ nó lại trở nên quý giá bởi đang được tái sử dụng để chứa nước ngọt mua về từ đảo Lớn”, bà Anh chia sẻ.
 Những chiếc lu đang được người dân sử dụng để chứa nước ngọt mua từ đảo Lớn.
Sau Tết Nguyên đán đến nay, đảo Bé không đón đợt mưa nào nên người dân không tích trữ được nguồn nước mưa. Trong khi đó, mỗi ngày nhà máy nước của xã chỉ cấp nước chừng 15 phút. Người dân trên đảo Bé phải mua nước ngọt từ đảo Lớn.
Hiện mỗi khối nước ngọt được mua từ đảo Lớn với giá 220.000 đồng, cao gấp 26 lần so với giá nước của Nhà máy nước An Bình.
Theo chủ một cơ sở kinh doanh trên đảo Bé, nhiều ngày qua phải mua nước từ đảo Lớn, mỗi lần chuyển qua tàu chỉ chuyển được 5 khối với giá 1,1 triệu đồng, còn vận chuyển từ cầu cảng về nhà thì 100 ngàn đồng một xe/một khối. 
Đang là cao điểm mùa du lịch, do đó, việc thiếu nước sinh hoạt không chỉ ảnh hưởng đến người dân địa phương mà còn ảnh hưởng đến việc phục vụ sinh hoạt của du khách. Nhiều khách du lịch thể hiện sự khó chịu khi phải trả phí nước cao, sử dụng nước không được thoải mái.
Anh Lê Bâng, du khách đến từ tỉnh Khánh Hòa phàn nàn: “Không ngờ giá nước ở đây cao như thế. Tôi với nhóm bạn dự tính ở lại đảo Bé vài ngày nhưng vì chi phí cho việc sử dụng nước ngọt quá lớn nên đành phải thay đổi dự kiến”.
Sau 7 năm hoạt động, hệ thống xử lý nước biển thành nước ngọt xã An Bình đã xuống cấp. Bên cạnh đó hoạt động của Hệ thống lọc nước biển phụ thuộc nhiều vào thủy triều và nguồn điện trên đảo.
 Hiện Nhà máy nước An Bình liên tục gặp sự cố, không đảm bảo việc cấp nước cho người dân. 
Anh Ngô Văn Lộc – Công nhân Nhà máy nước An Bình cho biết: “Hiện Nhà máy lọc nước biển không chạy hết công suất, mỗi ngày chỉ lọc được 20 khối nước ngọt, thấp hơn 9 lần so với công suất vốn có và không đủ cung cấp cho người dân trong xã sử dụng.”
Bà Phạm Thị Hương - Phó Chủ tịch huyện Lý Sơn thừa nhận, hiện nay có một tổ máy của nhà máy nước An Bình bị hư hỏng. “Huyện đã đề nghị xã An Bình mời Công ty Doosan Vina khảo sát và đánh giá thiết bị, sau đó nhờ cung cấp kỹ thuật để sửa chữa, nhất là trong thời điểm mùa hè nguồn nước đang cạn kiệt và du khách đến đảo nhiều”, bà Hương nói.
Tuy nhiên, theo bà Hương, để có giải pháp căn cơ cho vấn đề này thì rất cần sự đầu tư các cấp các ngành, đặc biệt là các Nhà khoa học nghiên cứu phương thức nào có nguồn nước ổn định cho người dân xã An Bình nói riêng và đảo Lớn nói chung, phục vụ việc sản xuất và sinh hoạt.