Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lybia bắt các đối tượng tấn công lãnh sự quán Mỹ

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ngày 13/9, Thứ trưởng Nội vụ Lybia Wanis al-Sharif cho biết các lực lượng an ninh nước này đã bắt giữ một số đối tượng và mở cuộc điều tra về vụ tấn công lãnh sự quán Mỹ tại thành phố Benghazi làm 4 người thiệt mạng, trong đó có Đại sứ Mỹ tại Lybia Christopher Stevens.

Theo quan chức trên, Bộ Tư pháp và Bộ Nội vụ Lybia đã bắt đầu điều tra, thu thập bằng chứng và đã bắt giữa một số đối tượng. Tuy nhiên, ông Sharif từ chối không tiết lộ chi tiết hơn nữa để "không làm ảnh hưởng tới tiến trình điều tra". Động thái này diễn ra trong bối cảnh có những nghi ngờ rằng đằng sau vụ tấn công có thể là mạng lưới khủng bố al Qaeda.

Ban đầu, vụ tấn công lãnh sự quán Mỹ tại Benghazi ngày 11/9 được cho là bị khuấy động từ cuộc biểu tình của đám đông phẫn nộ phản đối một bộ phim có nội dung phỉ báng đạo Hồi do thành viên cộng đồng Thiên chúa giáo Ai Cập sống lưu vong tại Mỹ sản xuất. Tuy nhiên sau đó, các quan chức Mỹ nói rằng đây có thể là một vụ tấn công được lên kế hoạch trước của các nhánh al Qaeda hoặc những đối tượng ủng hộ mạng lưới khủng bố này. Khởi đầu là một đám đông biểu tình tràn vào lãnh sự quán nhưng sau đó, theo các nhân chứng, tòa nhà bị tấn công bằng súng phóng lựu và bị đốt cháy khiến đại sứ Mỹ cùng ba công dân Mỹ khác thiệt mạng.

Lybia bắt các đối tượng tấn công lãnh sự quán Mỹ - Ảnh 1
Một người đàn ông Libya giương khẩu súng trường bên ngoài căn nhà và xe cộ của lãnh sự quán Mỹ vào đêm 11/9. (Ảnh: AFP)

Còn theo người phát ngôn Ủy ban An ninh thuộc Bộ Nội vụ Lybia, điều tra vụ việc sẽ rất phức tạp bởi đám đông bên ngoài lãnh sự quán Mỹ khi đó tụ tập nhiều thành phần: "Có những đối tượng quá khích, có người dân bình thường, có phụ nữ, trẻ em và có cả những phần tử tội phạm. Đồng thời, cũng có súng bắn từ một trang trại gần đó. Cần thời gian để xác định kẻ nào phải chịu trách nhiệm". Ban đầu, có những nghi ngờ hướng về nhóm Hồi giáo Sunni theo đường lối cứng rắn Katibat Ansar al-Sharia, nhưng trong một tuyên bố được truyền thông Lybia đăng tải ngày 13/9, nhóm này phủ nhận sự liên quan.

Sau vụ việc xảy ra tại Benghazi cũng như những cuộc biểu tình khác nhằm vào đại sứ quán Mỹ tại Cairo (Ai Cập) hay mới nhất là ngày 13/9, đại sứ quán Mỹ tại Yemen bị người biểu tình tấn công, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã yêu cầu tăng cường an ninh tại các cơ quan đại diện ngoại giao của Mỹ trên khắp thế giới. Nhiều đại sứ quán Mỹ, đặc biệt ở các nước Hồi giáo, đã cảnh báo công dân Mỹ cần lưu ý vấn đề an ninh.

Trước tình hình này, Chính phủ Canada quyết định tạm thời đóng cửa đại sứ quán tại thủ đô Cairo của Ai Cập, để phòng ngừa an ninh và bảo vệ nhân viên ngoại giao của mình. Phát biểu với báo giới, Ngoại trưởng Canada John Baird nhấn mạnh Ottawa quan tâm tới sự an toàn của các nhân viên và cơ quan đại diện của họ tại nước ngoài. Chính phủ đang theo dõi sát tình hình và sẽ có những biện pháp an ninh thích hợp. Tại Cairo, Đại sứ quán Canada chỉ cách Đại sứ quán Mỹ 400 mét.

Trong khi đó, làn sóng biểu tình phản đối bộ phim bị cho là có nội dung phỉ báng Nhà Tiên tri Mohammed tiếp tục lan rộng. Ngày 13/9, hàng nghìn người Hồi giáo dòng Shiite đã tổ chức biểu tình ở một số thành phố tại Iraq. Cuộc biểu tình ở thủ đô Baghdad có sự góp mặt của cả một số nghị sĩ từ khối ủng hộ giáo sĩ Moqtada al-Sadr. Những người biểu tình đốt cờ Mỹ, thể hiện thái độ thù địch với Mỹ và Israel. Giáo sĩ nhiều quyền lực của dòng Shiite, al-Sadr ra tuyên bố cho rằng Chính phủ Iraq cần triệu đại sứ Mỹ đến thể hiện sự phản đối đồng thời cấm người Mỹ tới Iraq. Hàng trăm người Palestine ở Dải Gaza cũng xuống đường thể hiện sự phẫn nộ với bộ phim trên với những lời kêu gọi trong đó có cả tẩy chay các sản phẩm của Mỹ. Ở thủ đô Tel Aviv của Israel, khoảng 60 người Israel gốc Arập biểu tình bên ngoài Đại sứ quán Mỹ.

Tại Afghanistan, Tổng thống nước này Hamid Karzai đã hoãn chuyến thăm Na Uy vì lo ngại bạo lực có thể bùng phát trong nước liên quan đến làn sóng phẫn nộ của người Hồi giáo liên quan đến bộ phim trên. Dự kiến sẽ diễn ra những cuộc biểu tình tại Afghanistan sau các buổi cầu nguyện cuối tuần trong ngày 14/9. Nhà Trắng cho biết Tổng thống Mỹ Obama và Tổng thống Karzai đã điện đàm để "bảo đảm rằng tình hình dẫn tới bạo lực ở Lybia và Ai Cập không gây đe dọa đến lực lượng Mỹ hay người dân Afghanistan."

Afghanistan được xem là một quốc gia Hồi giáo sùng đạo, nơi bất cứ hành động nào xúc phạm đạo Hồi đều bị coi là rất nghiêm trọng, thường dẫn tới phản ứng bạo lực. Hồi đầu năm nay, bạo loạn đã làm khoảng 40 người ở Afghanistan thiệt mạng sau vụ việc lính Mỹ đốt cuốn Kinh Koran. Trong một thông điệp khẩn trên website của mình, Đại sứ quán Mỹ ở Kabul cảnh báo công dân Mỹ tại Afghanistan rằng trong những ngày tới có thể xảy ra biểu tình./.