Kinhtedothi - Sau vụ máy bay MH370 mất tích đầu tháng 3, vụ rơi máy bay MH17 hôm qua (17/7) tiếp tục trở thành một thảm kịch với hãng Hàng không Malaysia và ngành hàng không thế giới. Sau vụ việc này, nhiều hãng hàng không quốc tế đã có tuyên bố tránh sử dụng không phận Ukraine.
Một phần thân của chiếc máy bay nằm bên vệ đường. Ảnh: Reuters
Hãng Hàng không Malaysia cho biết, chuyến bay mang số hiệu MH17 chở 298 người, gồm ít nhất 154 công dân Hà Lan, 27 người Australia và 43 người Malaysia, gồm 15 thành viên phi hành đoàn, 12 người Indonesia và 9 người Anh. Có nhiều hành khách khác đến từ Đức, Bỉ, Philippines, Canada và 41 người chưa được xác nhận quốc tịch. Chiếc máy bay gặp nạn khi bay qua không phận thuộc vùng chiến sự miền Đông Ukraine, trong lộ trình từ Amsterdam (Hà Lan) tới Kuala Lumpur.
Hàng trăm người thân của các hành khác trên chuyến bay xấu số đã đổ tới sân bay Schiphol ở Amsterdam sau khi biết tin về vụ tai nạn. Quốc kỳ Hà Lan đã treo rủ trên khắp cả nước và tại các đại sứ quán nước này khắp thế giới để tưởng nhớ những người thiệt mạng. Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte trong phát biểu hôm nay, đã gọi đây là “thảm kịch hàng không lớn nhất” trong lịch sử Hà Lan. Ông khẳng định, chính phủ Hà Lan sẽ làm rõ nguyên nhân vụ việc và sẽ có hành động nếu phát hiện máy bay này bị bắn rơi.
“Thông điệp của chính phủ Hà Lan là chúng tôi muốn làm sáng tỏ những gì đã xảy ra, chúng tôi muốn biết ai đứng đằng sau vụ việc này. Tôi xin dẫn lời người đồng cấp Australia nói rằng: Nếu có sự liên quan của khủng bố, hay kẻ đứng sau vụ việc này có mục đích gì thì chúng tôi muốn đưa chúng ra chịu tội. Trước tiên chúng tôi mong muốn các cuộc điều tra được thực hiện một cách khách quan và trung thực nhất có thể”
Trong khi đó, Australia từ ngày mai (19/7) sẽ treo cờ rủ để tưởng niệm 27 công dân được xác nhận đã thiệt mạng trên chuyến bay MH17. Thủ tướng Australia Tony Abbott tuyên bố tổ chức quốc tang vào ngày 20/7.
Cộng đồng quốc tế cũng tiếp tục gửi lời chia buồn tới các nước có công dân đi trên chuyến bay xấu số, bên cạnh đó các nhà lãnh đạo thế giới cũng kêu gọi điều tra làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn.
Phát biểu trong cuộc họp báo hôm nay, người phát ngôn Bộ ngoại giao Philippines Charles Jose xác nhận có 3 công dân nước này đi trên chuyến bay MH17, đồng thời thúc giục một điều tra triệt để với vụ việc này.
“Chúng ta chưa làm rõ được chính xác điều gì đã xảy ra. Ai phải chịu trách nhiệm cho vụ việc này. Nếu máy bay bị tên lửa bắn rơi, thì cuộc điều tra sẽ còn phải tiếp diễn”, ông Charles Jose nói.
Miêu tả thảm họa MH17 là “một ngày bi thương” trong một “năm bi kịch” đối với Malaysia, Thủ tướng Malaysia Najib Tun Razak khẳng định cuộc điều tra về vụ việc “sẽ không bị cản trở bằng bất cứ giá nào”.
Tại cuộc họp báo sáng nay, ông Najib Tun Razak khẳng định, nhà chức trách nước này phải và sẽ tìm ra điều gì đã xảy ra. Nếu chiếc máy bay đã thực sự bị bắn hạ, Malaysia yêu cầu phải đưa thủ phạm ra xét xử trong thời gian sớm nhất. Ông cho biết, một số trung tâm hoạt động khẩn cấp đã được thiết lập và ông đã điện đàm với Thủ tướng Hà Lan, Tổng thống Mỹ và Tổng thống Ukraine. Trong đó, Tổng thống Ukraine đã cam kết sẽ tiến hành một cuộc điều tra đầy đủ, toàn diện và độc lập, và phía Malaysia sẽ được mời tham gia.
Các nhà chức trách Australia cũng đang yêu cầu được trực tiếp tới hiện trường vụ máy bay MH17 gặp nạn. Chính phủ Australia đang điều động nhân viên của mình ở châu Âu tới giúp xử lý thảm họa, đồng thời sẽ cử một số quan chức tới thủ đô Kiev của Ukraine để hỗ trợ.