Trái tim ấm áp
Nhiều người biết đến bác sĩ Lưu Quốc Khải là một bác sĩ giỏi, nhiệt tâm với công việc nhưng ít ai biết được con đường gian truân đưa anh đến với nghề. Sinh ra ở vùng quê nghèo ở Nam Định, nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, anh viết đơn tình nguyện tham gia quân ngũ. Môi trường quân đội đã tôi luyện anh vững vàng về ý chí và nghị lực. Một lần đến trạm xá, hình ảnh người y sĩ chăm sóc thương bệnh binh trong anh vô cùng đẹp đẽ, giúp anh nung nấu khát vọng trở thành người thầy thuốc để xoa dịu nỗi đau cho người bệnh.
Và anh đã thực hiện được ước mơ khi thi đỗ Đại học Y Hà Nội. Để có cơ hội gắn bó với nghề y, chàng sinh viên nghèo đã phải trải qua rất nhiều nghề phụ, từ phụ hồ đến bảo vệ cơ quan... Rời trường Y, anh trở thành bác sĩ thực tập không lương ở BV Phụ sản Hà Nội, đúng vào giai đoạn vợ đang mang bầu.
"Khi vợ tôi chửa gần 9 tháng, chuyển dạ sớm quá không kịp chuẩn bị, không đủ tiền đưa vợ đi đẻ ở BV nên tôi tự đỡ đẻ cho vợ mình tại nhà" - bác sĩ Khải trầm ngâm hồi tưởng. Tuy vợ đẻ ngôi ngược rất khó nhưng anh đã nỗ lực giúp vợ vượt cạn thành công. Sau khi thực hiện ca đỡ đẻ ngôi ngược cho vợ tại nhà, từ người học việc, anh được lãnh đạo BV đặc cách “cho vào biên chế” vì tin tưởng tay nghề của vị bác sĩ trẻ. Đó là động lực để anh cố gắng nhiều hơn.
Bác sĩ Khải cho rằng, người làm nghề y quan trọng nhất là chữ "tâm", đặt đạo đức lên trên hết, nghiêm túc với nghề nghiệp. “Với cương vị là Trưởng khoa Đẻ A2, tôi luôn căn dặn các y, bác sĩ, rằng người bệnh cần được đối xử như nhau, kể cả giàu hay nghèo, thậm chí đối tượng ưu tiên trước hết là người nghèo hay người thân của người lính, vì họ đã quá thiệt thòi” - bác sĩ Khải nêu quan điểm.
Chia sẻ về những khó khăn, nguy hiểm trong quá trình thực hiện các ca đỡ đẻ, bác sĩ Khải cho biết thêm, đối với bác sĩ sản khoa, điều khó nhất là trong một thời gian ngắn phải đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé một cách chính xác, kịp thời để mẹ không bị mất máu nhiều, trẻ không bị ngạt. Vì vậy, mọi ca sinh nở của sản phụ đều là một ca cấp cứu, người thầy thuốc lúc nào cũng như vào trận chiến, sẵn sàng ứng phó với tất cả các nguy cơ tai biến trước, trong và sau sinh… “Mỗi ca đỡ đẻ thành công, niềm hạnh phúc không gì sánh được khi nghe tiếng khóc trẻ thơ và ánh mắt rạng ngời hạnh phúc của người mẹ” - bác sĩ Khải chia sẻ.
Trong quá trình làm việc, anh đã nhiều lần phải đối diện với nguy cơ phơi nhiễm HIV do sản phụ nhiễm HIV. Cách đây chưa lâu, tại BV Phụ sản Hà Nội, trong một ca cấp cứu đặc biệt, đã có 18 y bác sĩ của BV bị phơi nhiễm HIV sau khi nỗ lực giành sự sống cho bệnh nhân... Sản phụ chửa ngoài tử cung, bị vỡ và dù có van xin: “Bác sĩ đừng cứu em vì em nhiễm HIV sắp chết rồi!” nhưng tất cả đã nỗ lực để cứu người.
Món quà tinh thần vô giá
Những sản phụ đã từng tiếp xúc với bác sĩ Lưu Quốc Khải đều ấn tượng bởi nét chân chất, hiền lành song cũng có phần nghiêm nghị của vị bác sĩ có tố chất người lính. Anh khoe, gia tài lớn nhất của mình là những bức thư của những gia đình có con được sinh ra từ Khoa Đẻ 2. Những bức thư kể lại niềm hạnh phúc khi con chào đời, khi con chập chững những bước đi đầu tiên được các gia đình gửi tặng anh và tập thể Khoa.
“Không có lời nào để nói hết sự vui mừng và hạnh phúc được bác sĩ Khải đồng hành cùng trên con đường của mẹ con em. Ngày 27/1, mẹ con em đã gặp nhau nhờ bàn tay kỳ diệu của anh. Cảm ơn anh - người bác sĩ tận tâm - tận tình và hết sức chu đáo, nhiệt tình, người đã mang lại cho vợ chồng em niềm hạnh phúc vô bờ…” (trích thư sản phụ Nguyễn Thị Như, Hà Đông, Hà Nội, bị chẩn đoán cổ tử cung thấp, dọa sinh non). Lá thư đầy xúc động của sản phụ Hoàng Phương Thúy, Đống Đa, Hà Nội: "Em đã bị 2 lần thai lưu, biết đến anh là người bác sĩ giỏi, lại “mát tay” nên lần thứ 3 mang thai, em “gõ cửa” bác sĩ Khải. Trong suốt quá trình mang thai cũng có nhiều vấn đề, nhưng bác sĩ luôn đồng hành cùng em…”.
Với hơn 20 năm trong nghề, bác sĩ Khải không nhớ mình đã đỡ đẻ được bao nhiêu ca, đem lại niềm hạnh phúc biết bao gia đình. Mỗi ca “vượt cạn” đều để lại trong anh nhiều cung bậc cảm xúc, là món quà tinh thần vô giá.
Ở cương vị một người quản lý gần 100 cán bộ nhân viên y tế, một bác sĩ sản khoa bận rộn nhưng bác sĩ Lưu Quốc Khải vẫn sắp xếp công việc khoa học, hợp lý, dành một khoảng thời gian cho riêng mình để làm thơ và ôm đàn gảy vài khúc nhạc yêu thích. Chính tình yêu đời, yêu nghề giúp anh có được những thành công nhất định, dành được niềm tin yêu của sản phụ. |