Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mang tơ đi trói cọp rừng

Nam Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cụm từ “ngáo đá” là nỗi kinh hoàng cho cộng đồng. Tuy nhiên, biện pháp ngăn chặn, quản lý các đối tượng “ngáo đá” hiện nay hầu như không thực hiện nổi. Có một lỗ hổng lớn trong quy định khi xử lý những đối tượng này.

Đồng hành cùng bóng đêm

Tôi từng được đi cùng Đội chống buôn lậu của Biên phòng tỉnh Lạng Sơn bắt giữ một kho hàng lậu ở gần Dốc Quýt (huyện Cao Lộc). Bọn buôn lậu thấy động đã tẩu thoát, kho hàng kín mít, mù mịt khói trắng đặc quánh, tôi phải đứng hàng tiếng đồng hồ trong kho tác nghiệp khi lực lượng chống buôn lậu khám xét, lập biên bản. Lúc ra về, tôi chỉ sợ do đi đường xa mệt mỏi nên buồn ngủ, sẽ không viết được tin gửi về tòa soạn. Tuy nhiên, về đến đồn biên phòng Tân Thanh (Lạng Sơn), tôi tỉnh táo lạ thường, không một chút buồn ngủ!
Lực lượng chức năng Hà Nội khống chế một đối tượng ngáo đá.
Lực lượng chức năng Hà Nội khống chế một đối tượng ngáo đá.
Nhưng cái hay bỗng biến thành điều dở, xong công việc, dẫu cố nhắm mắt cũng không tài nào ngủ được, 2 mí mắt đàn hồi như cao su. Mấy anh em biên phòng nhìn tôi cười rũ rượi: “Chơi ma túy đá thì ngủ sao được?”. Anh Đỗ Quốc Ân (giờ là Trung tá, Chính trị viên Đồn Biên phòng Tân Thanh) vỗ vai tôi: “Mấy đối tượng trông kho hàng đã “đập đá” trong kho. Bọn chúng bỏ chạy nhưng cái “cóng” với bình hút vẫn còn vứt lại. Khói đấy là khói ma túy đá, mà hít lại khói người khác thở ra mới càng độc vì khi đó khói có thêm hơi nước nên rất dễ bám vào phổi, hít vào là ăn đủ!”. Cũng may, cách chữa ngộ độc ma túy đá cũng dễ, uống dăm chai bia vào một lúc là hai con mắt chong chong bỗng tự nhiên sập xuống, ngủ lúc nào không biết. Các anh em bộ đội biên phòng cũng dặn chớ có dùng rượu thay bia, rượu mạnh sẽ khiến co giật cơ mặt, sẽ bị “máy mắt” mất vài ngày.

Sau này, các anh biên phòng cho biết, hầu hết dân “chim lợn”, làm nhiệm vụ canh, trông giữ hàng lậu, cảnh báo khi có lực lượng kiểm tra đều chơi ma túy đá để giữ được sự tỉnh táo. Cứ vài người trông một kho hàng lậu, từ lúc “đổ hàng” đến lúc “bốc hàng” mất khoảng 2, 3 ngày. Thời gian này phải canh chừng 24/24 nên hầu hết dân canh hàng buôn lậu đều nhờ đến ma túy đá để có thể thức liên tục. Vì nếu sử dụng ma túy đá liên tục, người dùng có thể thức liền hàng tuần, sau đó mới bị “sập”, nằm li bì vài ngày mới tỉnh.

Chính vì tính năng tạo ra những sự tỉnh táo “bất thường”, nên hầu hết những người hành nghề “nhạy cảm” cần sự tỉnh táo thâu đêm đều tìm đến ma túy đá. Số người sử dụng ma túy đá gia tăng nhanh chóng, nhưng các quy định để ngăn chặn, xử lý những đối tượng này lại ngày càng bị nới lỏng đến mức báo động.

“Ngáo đá” thoải mái lộng hành

Ngày 30/12/2013, Chính phủ ban hành Nghị định số 221/2013/NĐ-CP Quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa đối tượng sử dụng ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Đây được xem là hành lang pháp lý quan trọng để các ngành chức năng thực thi nhiệm vụ. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, việc lập hồ sơ, đưa người đi cai nghiện ma túy bắt buộc theo quy định tại Nghị định 221 rất khó khăn.

Trước đây, thẩm quyền đưa người đi cai nghiện bắt buộc thuộc UBND cấp quận, huyện, nhưng theo Nghị định 221 thì được quy định bằng luật và quyết định của tòa án cấp quận, huyện. Mục đích là bảo đảm quyền công dân, quyền con người và đồng bộ với Hiến pháp năm 2013. Song, khi áp dụng vào thực tế, Nghị định 221 có nhiều quy định không phù hợp: Thời gian, quy trình lập hồ sơ đề nghị đưa người nghiện vào trung tâm quá dài (từ 37 ngày, trước đây 15 ngày). Chính vì thế, sau khi Nghị định 221 có hiệu lực rất lâu, đến 30/3/2015, tại Trung tâm Chữa bệnh, lao động xã hội số III Hà Nội, TAND quận Long Biên mới có quyết định buộc cai nghiện bắt buộc đối với Trương Vũ Anh (SN 1982). Đây là trường hợp đầu tiên được Hà Nội xử lý bằng biện pháp bắt buộc cai nghiện theo Nghị định 221.

Khi thực hiện việc cai nghiện bắt buộc đối với các đối tượng nghiện ma túy theo Nghị định 221, vô vàn khó khăn xuất hiện, khiến những người thực hiện khó có thể đủ kiên nhẫn cũng như nhân lực, vật lực để thực hiện nhiệm vụ tưởng chừng như rất đơn giản này. Có những quy định trong Nghị định 221 thiếu thực tế đến mức khôi hài: Người nghiện được đọc hồ sơ trong 5 ngày và giao người nghiện cho gia đình quản lý trong thời gian lập hồ sơ. Các “con nghiện” chắc chắn không đủ nghiêm túc và kiên nhẫn ngồi im tại nhà chờ để bị… bắt buộc đi cai nghiện suốt thời gian dài như vậy.

Thực tế triển khai Luật Xử lý vi phạm hành chính về việc áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc hiện đang rất lúng túng, ảnh hưởng lớn đến an ninh trật tự, an toàn xã hội. Những lỗ hổng này là “thuốc tăng lực” để ma túy đá trở thành “con ma” không sợ ánh sáng, thoải mái hoành hành. Vì vậy, việc thay đổi quy định quản lý đối với người nghiện ma túy đang là nhu cầu cấp bách, dù đến giờ cũng đã là quá muộn.