Khơi dậy văn hóa đọc
Mặc dù được thông báo 8 giờ 30 thư viện lưu động mới phục vụ, nhưng từ hơn 7 giờ sáng, rất đông học sinh trường Tiểu học xã Đại Đồng, huyện Thạch Thất đã háo hức có mặt. Ngay sau khi các cô phụ trách của Thư viện Hà Nội giới thiệu về nội dung chương trình, gồm: Đọc sách, làm quen với máy tính, vẽ tranh, chiếu phim, tổ chức trò chơi, hơn 350 em học sinh nhanh chóng "nhập cuộc". Tiếng cười nói rộn rã cả góc trường. Đọc xong cuốn truyện "Củ cải khổng lồ", em Nguyễn Quỳnh Như, học sinh lớp 2A reo lên: "Hay quá, ở nhà con chưa được đọc truyện này".
Mặc dù gần trung tâm Thủ đô hơn xã Đại Đồng, nhưng tại trường Tiểu học Chúc Sơn A (Chương Mỹ), hàng trăm em học sinh háo hức, giục bố mẹ đưa đến trường từ rất sớm. Những cuốn sách như: "1.000 câu hỏi vì sao", "Bách khoa tri thức" mang đến cho các em nhiều kiến thức lý thú, bổ ích. Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Hà, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Chúc Sơn A chia sẻ, thư viện lưu động đã giúp cho các em có ý thức đọc sách và bước đầu tiếp cận với máy tính để học tập.
Dự án "Thư viện lưu động - Bánh xe tri thức" được chạy thử từ cuối năm 2010 và chính thức đi vào hoạt động từ tháng 7/2011 với vốn sách ban đầu 1.500 cuốn, trong đó có khoảng 1.200 cuốn dành cho thiếu nhi. Căn cứ vào đặc thù số sách và tần suất sử dụng, Thư viện Hà Nội đã chọn đối tượng phục vụ là học sinh tiểu học. Từ đầu năm 2012 đến nay, dự án đã tổ chức được 16 chuyến thư viện lưu động tới 16 xã ngoại thành, phục vụ bình quân 250 - 300 lượt học sinh/buổi. Ước tính trong hai năm qua, dự án đã phục vụ gần 40.000 lượt học sinh. Dự án đã bước đầu khơi dậy văn hóa đọc sách cho các em học sinh và dạy các em phương pháp tìm kiếm thông tin, tra cứu tài liệu phục vụ học tập.
Học sinh trường Tiểu học Đại Đồng, huyện Thạch Thất háo hức đọc sách do Thư viện lưu động cung cấp. Ảnh: Thanh Phương
Cần sự chung tay
Mặc dù những chuyến xe lưu động chỉ trong vòng hai ngày, song mỗi chuyến lăn bánh lại mở ra nguồn tri thức mới cho nhiều học sinh ngoại thành, nhất là các xã miền núi, khó khăn. Tuy nhiên, theo các cán bộ thực hiện dự án, việc triển khai đưa sách xuống các điểm trường gặp rất nhiều khó khăn, do sự thiếu quan tâm, phối hợp của trường học, phòng giáo dục và chính quyền địa phương. "Có những điểm trường khi đi tiền trạm, chúng tôi phải vận động, thuyết phục mãi về tính nhân văn của dự án họ mới đồng ý" - bà Vương Thị Lý, Trưởng phòng Nghiệp vụ phong trào cơ sở (Thư viện Hà Nội) chia sẻ.
Cùng với đó, hình thức thư viện lưu động đòi hỏi thường xuyên đổi mới vốn sách, công nghệ, trang thiết bị để kích thích sự ham mê, tìm tòi, khám phá của các em học sinh. Sau khi dự án chạy thử đã nhận được một khối lượng sách ủng hộ của các tổ chức, cá nhân, tuy nhiên số lượng sách, máy tính vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu.
Để dự án triển khai có hiệu quả, theo bà Vương Thị Lý, cần có sự chung tay của toàn xã hội, đặc biệt là sự quan tâm của chính quyền địa phương và các điểm trường. Đồng thời, Thành phố cần tăng nguồn hỗ trợ thêm vốn sách, đổi mới các trang thiết bị công nghệ để phục vụ tốt hơn nhu cầu ngày càng cao của các em học sinh. Ngoài ra, có chính sách hỗ trợ cán bộ làm công tác thư viện lưu động, bởi chế độ hiện nay còn thấp, mặc dù làm trong ngày nghỉ nhưng chỉ được 150.000 đồng/người gồm cả tiền ăn uống, đi lại, nghỉ ngơi.
Dự án "Thư viện lưu động - Bánh xe tri thức" do Quỹ Quốc tế Singapore xây dựng và quản lý với sự hợp tác của Thư viện Hà Nội. Tổng kinh phí của dự án là 78.000 USD, được triển khai trên địa bàn 8 huyện: Ba Vì, Quốc Oai, Thạch Thất, Đông Anh, Sóc Sơn, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Ứng Hòa và kết thúc vào năm 2013. |