Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mạo danh người nhà quan chức cấp cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản

theo vietnamplus.vn
Chia sẻ Zalo

Từ năm 2009-2014, Trịnh Phi Long (sinh năm 1982, ở phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) làm việc tại Công ty bảo hiểm nhân thọ AIA (thuộc Tập đoàn Tài chính AIGLIFT của Mỹ).

Khi tham gia một số hội thảo, Long biết các doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư dự án nên chủ động liên hệ, nhận hồ sơ năng lực để xin dự án. Long tự in danh thiếp lấy tên giả, mạo danh trợ lý các lãnh đạo cấp cao của Chính phủ để tạo niềm tin cho nhiều người.
Đầu năm 2015, Long còn làm giả quyết định về việc giao kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ bổ sung giai đoạn 2015-2018, kèm theo danh sách dự án 23 tỉnh, thành và hai bộ.
Thời điểm này, Nguyễn Thị Kim Cúc (sinh năm 1958, trú tại phường Bến Thủy, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An) là hội viên câu lạc bộ doanh nghiệp của thành phố Vinh.
 Hai đối tượng Trịnh Phi Long và Nguyễn Thị Kim Cúc.
Ngày 20/4/2015, Cúc biết thông tin Long có khả năng xin được các dự án Chính phủ nên liên hệ, lấy tài liệu đề cương dự án. Có tài liệu trong tay, Cúc liên hệ với các doanh nghiệp và tự giới thiệu là người của Ban dự án Chính phủ, có khả năng xin được dự án và mời chào doanh nghiệp tham gia.
Tháng 5/2015, ông Hồ Việt Lộc - Giám đốc Công ty cổ phần xây dựng Tây Trường Sơn - đến gặp Cúc tìm hiểu các dự án xây dựng. Cúc đưa ông Lộc ra Hà Nội gặp Long, giới thiệu Long là em trai của Cúc.
Tin tưởng, ông Lộc đã nộp ba bộ hồ sơ năng lực công ty. Nhằm củng cố thêm niềm tin, Long đưa danh sách dự án của 23 tỉnh thành để ông Lộc lựa chọn gói thầu phù hợp.
Sau cuộc gặp, Long ngồi nhà tự soạn Quyết định chỉ định thầu cho Công ty Tây Trường Sơn thực hiện dự án cải tạo nâng cấp đường Yên Tĩnh-Hữu Khuông (huyện Tương Dương, Nghệ An). Chữ ký, hình dấu đều do Long sao chép từ quyết định lấy trên mạng Internet.
Sau đó, Long hối thúc để Cúc giục ông Lộc chuyển tiền để xin dự án. Ông Lộc đã chuyển 100 triệu đồng cho Cúc. Số tiền này được chuyển cho Long, nhưng Long không giúp đỡ được gì cho ông Lộc.
Tương tự, Long và Cúc cũng đưa một giám đốc khác “vào tròng” là ông Ngô Quang Việt (Giám đốc Công ty cổ phần cấp thoát nước và môi trường ở Nghệ An). Long tự tạo dựng các quyết định chỉ định thầu công ty thực hiện dự án nạo vét lòng dẫn tuyến thoát lũ sông Hoàng Long và dự án nạo vét, xây bờ kè, bảo tồn sông Đào Khê ở Ninh Bình.
Ông Việt đã chuyển 500 triệu đồng cho Long. Ngày 24/7/2015, Cúc tiếp tục yêu cầu ông Việt đưa 10.000 USD để “làm quà biếu vợ lãnh đạo” nhằm thúc đẩy việc giải quyết vay vốn thực hiện dự án Nhà máy nước Hoàng Mai. Do tin tưởng, ông Việt đã đưa cho Cúc số tiền trên.
Rà soát các hồ sơ, cơ quan điều tra thấy một số doanh nghiệp đã tiếp xúc với Long và Cúc và nghi ngờ nên không làm theo, không có thiệt hại. Tổng cộng, từ tháng 11/2013 đến tháng 7/2015, bị cáo Long chiếm đoạt tổng cộng 600 triệu đồng, Cúc chiếm đoạt 10.000 USD.
Mở rộng điều tra, cơ quan chức năng còn phát hiện Long đã chiếm đoạt tiền của các bị hại khác nhờ làm thủ tục yêu cầu tiền bồi thường đền bù đất. Long cũng dùng thủ đoạn tự giới thiệu là cán bộ Văn phòng Chính phủ, con nuôi của lãnh đạo cấp cao và sẽ hứa hẹn giúp đỡ các bị hại.
Có trường hợp Long đòi chi phí 600 triệu đồng để làm phí “dịch vụ hành chính công” và bị hại đã chuyển 320 triệu đồng.
Trường hợp khác, Long giúp một công nhân vay ưu đãi ngân hàng 1 tỷ đồng, không thế chấp. Kiếm cớ cần có tiền “lót tay” làm thủ tục vay vốn, Long yêu cầu nạn nhân chuyển 116 triệu đồng sau đó cắt đứt liên lạc. Đối với hành vi này, Long đã chiếm đoạt tổng cộng 808 triệu đồng của 5 bị hại.
Trước đó, năm 2007, Long đã bị Tòa án nhân dân huyện Thanh Oai, Hà Nội xử phạt 18 tháng tù treo về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.