Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mặt bằng cho thuê kinh doanh: Đại hạ giá vẫn mỏi mòn chờ khách

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những khu vực kinh doanh nhộn nhịp, được xem là “đất vàng” của Hà Nội như Hoàn Kiếm, Đống Đa..., tình hình cho thuê mặt bằng kinh doanh vẫn vô cùng ảm đạm. Nhiều chủ mặt bằng đã phải giảm giá sâu nhưng không có khách thuê; nhiều mặt bằng đã ký hợp đồng dài hạn treo biển sang nhượng vẫn mỏi mòn chờ khách.

Nhiều cửa hàng kinh doanh đóng cửa vì dịch Covid-19. Ảnh: Thanh Hải
Giảm giá thuê... chờ khách
Anh Trần Văn Thiện, trú tại phố Gia Ngư (quận Hoàn Kiếm) cho biết, gia đình anh có một mặt bằng cho thuê để bán đồ lưu niệm nhưng treo biển một năm nay vẫn không có khách thuê. Nguyên nhân do dịch Covid-19 bùng phát, diễn biến kéo dài. Theo anh Thiện, phố cổ Hà Nội chủ yếu phục vụ khách du lịch trong nước, quốc tế, do ảnh hưởng từ yếu tố dịch bệnh, Chính phủ chưa mở lại việc cấp visa du lịch. Vì khách quốc tế vắng bóng, khách nội địa không nhiều đã ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động thương mại, dịch vụ của người dân. “Gia đình tôi đã giảm giá thuê còn 50% so với thời điểm trước dịch mà vẫn chưa tìm được khách thuê. Với tình trạng như thế này, chỉ khi nào hết dịch thì việc kinh doanh mới có thể trở lại bình thường được” – anh Trần Văn Thiện chia sẻ.

Khảo sát thực tế tại một số tuyến phố gần với khu vực hồ Hoàn Kiếm như Hàng Trống, Hàng Tre, Hàng Đồng..., những khu vực kinh doanh lưu trú sầm uất của quận Hoàn Kiếm trước khi xảy ra dịch nhưng hiện nay phần lớn đều phải tạm dừng đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng vì không có khách. “Trước tình hình dịch bệnh căng thẳng như hiện nay, chúng tôi đã buộc phải giảm 100% giá thuê cho khách, để tạo điều kiện cho người thuê được giữ chỗ và trở lại kinh doanh khi dịch bệnh được kiểm soát” – chủ mặt bằng cho thuê số 34 Hàng Tre (quận Hoàn Kiếm) cho hay.

Ở hoàn cảnh tương tự, quận Đống Đa cũng được xem là một trong những khu đất vàng của Thủ đô dành cho hoạt động kinh doanh, thương mại. Trên tuyến phố Thái Hà, không khó để tìm thấy những mặt bằng kinh doanh nhỏ lẻ đóng cửa im lìm hàng tháng qua. Trong khi đó, những mặt bằng có diện tích lớn hơn cũng đang thực hiện chạy đua đại hạ giá cho thuê. Anh Nguyễn Đình Sa, một môi giới cho thuê mặt bằng kinh doanh tại khu vực quận Đống Đa cho biết, từ sau đợt dịch lần thứ 3 ở Việt Nam (tháng 2/2021) tình trạng mặt bằng cho thuê kinh doanh thương mại tại khu vực Đống Đa bị bỏ trống nhiều.

Một số mặt bằng khác nằm ở mặt phố khách thuê đã thông báo trả, chủ sở hữu đang thực hiện giảm giá để tìm khách thuê mới. Đơn cử, tại phố Thái Hà vào thời điểm năm 2019, để tìm một mặt bằng mặt phố (tầng 1) kinh doanh là rất khó, mức giá thuê diện tích từ 70 – 80m2 dao động từ 110 – 120 triệu đồng/tháng, hiện nay mặt bằng diện tích từ 120 – 140m2 đang được chào thuê với giá chỉ còn từ 90 – 100 triệu đồng/tháng nhưng không có nhiều khách hỏi thuê. “Mặt bằng kinh doanh tầng 2 và mặt bằng văn phòng trong tòa nhà trên phố Thái Hà và một số khu vực khác của quận Đống Đa còn ghi nhận có sự giảm sút giá thuê thê thảm hơn. Không khó để tìm một mặt bằng diện tích từ 70 – 80m2, giá thuê chỉ còn từ 8 – 10 triệu đồng/tháng, có thể dùng làm văn phòng hoặc kho để đồ” – anh Nguyễn Đình Sa cho hay.

Cuộc chiến với thương mại điện tử

Số liệu thống kê từ Hội môi giới BĐS Việt Nam, dự kiến đến cuối năm 2021, sẽ có thêm 19 dự án mới đi vào hoạt động, cung cấp mặt bằng cho thị trường bán lẻ với tổng diện tích khoảng 195.000m2, trong đó nhiều nhất nằm ở khu vực phía Tây Hà Nội (chiếm tới 43%), đáng chú ý là dự án Vincom Mega Mall Smart City khoảng 44.000m2 và Vincom Mega Mall Ocean Park khoảng 36.000m2.

Tuy nhiên, theo chuyên gia nghiên cứu thị trường cho thuê thương mại (Công ty Savills Việt Nam) Lê Tuấn Bình, giai đoạn từ nay đến cuối năm 2021 dự báo giá mặt bằng cho thuê sẽ tiếp tục giảm nhẹ so với hiện nay. Thời điểm hiện tại, nhà bán lẻ sẽ tiếp tục tập trung vào việc đàm phán lại với chủ nhà về điều kiện thuê cũng như phương án hỗ trợ. Song nhìn chung, phải mất thêm ít nhất từ 6 – 12 tháng nữa mặt bằng bán lẻ mới có thể lấy lại đà phục hồi.

Ở khía cạnh khác, đại diện Công ty Bán lẻ FPT Retail cho biết, từ khi xảy ra đại dịch Covid-19 tình hình hoạt động tại các mặt bằng kinh doanh truyền thống lại gặp thêm nhiều khó khăn, DN bán lẻ truyền thống chịu tác động rất lớn từ làn sóng mua bán online và hình thức thanh toán hiện đại nên đã phải đóng cửa ngừng kinh doanh. Hoạt động mua sắm tại hệ thống cửa hàng ngày càng ít đi trong khi thương mại điện tử và dịch vụ giao hàng tận nhà đang được đẩy mạnh, khi các nhà bán lẻ thương mại chứng kiến mức tăng trưởng lên tới 30%/năm. “Khoảng 30% nhà kinh doanh bán lẻ đang phát triển hoạt động kinh doanh trực tuyến, 30% nữa đã chuyển sang kinh doanh trực tuyến hoàn toàn. Covid-19 đã làm cho hoạt động kinh doanh trực tuyến và giao hàng tận nhà tăng trưởng mạnh, người tiêu dùng thay đổi hành vi mua hàng. Vì vậy, ngay cả khi chấm dứt dịch bệnh, mặt bằng kinh doanh truyền thống cũng vẫn phải đương đầu với những khó khăn do sự cạnh tranh quyết liệt từ thương mại điện tử” – đại diện Công ty Bán lẻ FPT Retail nhìn nhận.
Các mặt bằng kinh doanh bán lẻ, tòa nhà văn phòng tư nhân nhỏ lẻ đều chung đều chung tình trạng lo lắng khách thuê trả lại mặt bằng hoặc trả một phần nên phải giảm giá sâu, đồng hành cùng khách thuê vượt qua khó khăn. Mặc dù giai đoạn hiện tại còn khó khăn nhưng chúng tôi dự báo hoạt động cho thuê mặt bằng để bán hàng sẽ phục hồi, tăng trưởng cao hơn so với năm 2020.

Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam Nguyễn Chí Thanh