Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mặt bằng kinh doanh siêu nhỏ, siêu mỏng gần 10m2 ở Hà Nội

Thu Giang/laodong.vn
Chia sẻ Zalo

Sau khi cải tạo, nâng cấp, nhiều mặt bằng kinh doanh siêu nhỏ, siêu mỏng ở mức gần 10m2 tại Hà Nội đang được chủ sở hữu treo biển cho thuê.

 

Mặt bằng kinh doanh siêu nhỏ trên phố Đào Tấn (quận Ba Đình, Hà Nội). Ảnh: Thu Giang
Mặt bằng kinh doanh siêu nhỏ trên phố Đào Tấn (quận Ba Đình, Hà Nội). Ảnh: Thu Giang

Ghi nhận của PV Lao Động, mặc dù có diện tích vỏn vẹn từ 5 - 10m2 thế nhưng nhiều mặt bằng kinh doanh siêu nhỏ tại TP Hà Nội vẫn được người dân cải tạo, tận dụng làm mặt bằng kinh doanh, buôn bán.

Bà N.T (cho thuê mặt bằng kinh doanh trên phố Đào Tấn, quận Ba Đình, Hà Nội) thông tin, hiện bà đang cho thuê mặt bằng kinh doanh rộng gần 8m2 với giá 7,5 triệu đồng/tháng.

"Nếu khách có nhu cầu thuê sẽ phải đặt cọc trước 1 tháng, mặt bằng tuy nhỏ hẹp nhưng gần trường tiểu học, tuyến phố trung tâm" - bà N.T nói.

Thuê mặt bằng kinh doanh chưa đầy 10m2, chị Nguyễn Thị Hà (kinh doanh trên đường Trường Chinh, Hà Nội) tâm sự, do số vốn ít ỏi nên khi tìm được một mặt bằng nhỏ gọn, vợ chồng chị đã chốt ngay và thuê ở đây với giá 6 triệu đồng/tháng.

Chị Hà chia sẻ, nhiều mặt bằng kinh doanh tại tuyến phố Trường Chinh được ví như "tấc đất tấc vàng", treo biển cho thuê với giá dao động từ 10-50 triệu đồng/tháng rất đắt đỏ.

Mặt bằng kinh doanh siêu nhỏ trên phố Đào Tấn (quận Ba Đình, Hà Nội) đang treo biển cho thuê với giá 7,5 triệu đồng/tháng. Ảnh: Thu Giang
Mặt bằng kinh doanh siêu nhỏ trên phố Đào Tấn (quận Ba Đình, Hà Nội) đang treo biển cho thuê với giá 7,5 triệu đồng/tháng. Ảnh: Thu Giang

Ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam - nhận định, sau dịch COVID-19, có nhiều cửa hàng đã trả mặt bằng và tạm dừng kinh doanh.

Hiện nay thị trường ghi nhận thực trạng một lượng lớn mặt bằng kinh doanh trên các tuyến phố trung tâm Hà Nội vẫn bỏ trống do giá chào thuê quá cao.

Trong khi đó, nhu cầu thuê mặt bằng bán lẻ nhà mặt phố, nhất là mặt bằng bán lẻ đắc địa trên tuyến phố lớn, khối đế chung cư, trung tâm thương mại tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh vẫn rất lớn.

Về tình trạng một số mặt bằng siêu nhỏ tại trung tâm Hà Nội vẫn bỏ trống, không có khách thuê, ông Nguyễn Văn Đính cho rằng, hiện tượng này không phải số nhiều vì đây là khu vực "đất vàng", có giá thuê rất đắt đỏ, hoặc chủ cho thuê vẫn cố giữ mức giá cao.

Điều trái ngược là dù tình hình kinh doanh trên các tuyến phố Hà Nội vẫn ảm đạm nhưng mới đây, đơn vị nghiên cứu Savills Việt Nam vẫn dự báo, thị trường bán lẻ năm 2024 và 2025 sẽ trở lại sôi động hơn.

Mặt bằng kinh doanh siêu nhỏ ở quận Thanh Xuân (Hà Nội). Ảnh: Thu Giang
Mặt bằng kinh doanh siêu nhỏ ở quận Thanh Xuân (Hà Nội). Ảnh: Thu Giang

Ông Đinh Minh Tuấn - Giám đốc chuyên trang Batdongsan.com.vn - cũng cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay, thị trường cho thuê mặt bằng nhà phố Hà Nội bắt đầu có sự điều chỉnh giá cho thuê, điều chỉnh các cơ chế để phù hợp hơn với những nhóm khách đi thuê mặt bằng.

Chuyên gia cho rằng, khi kinh tế bắt đầu hồi phục vào năm 2024, các nhãn hàng nước ngoài quay trở lại thì thị trường cho thuê mặt bằng nhà phố cơ bản sẽ bắt đầu chuyển động, dần hồi phục vào năm 2025.