Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mặt trận Tổ quốc TP Hà Nội lấy ý kiến góp ý Dự thảo các Văn kiện Đại hội XIII của Đảng

Thủy Tiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 9/11, Ủy ban MTTQ TP Hà Nội tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý Dự thảo các Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Hà Nội Nguyễn Lan Hương chủ trì hội nghị.

Chú trọng công tác xây dựng Đảng, nhất là công tác cán bộ
Qua 11 ý kiến phát biểu tại hội nghị, đa số các ý kiến đều cho rằng Dự thảo Báo cáo Chính trị của BCH T.Ư Đảng khóa XII chuẩn bị trình Đại hội XIII của Đảng đã được chuẩn bị công phu, khoa học trên cơ sở tổng kết thực tiễn những năm đổi mới và 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng với tầm nhìn rộng mở. Trong đó, kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XII; nêu phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ 5 năm, 10 năm tới và tầm nhìn đến năm 2045.
 Toàn cảnh hội nghị. 
Dự thảo Báo cáo Chính trị cũng đã nêu được những thành tựu quan trọng của đất nước trong những năm qua, tin tưởng vào chủ trương xây dựng, phát triển đất nước trong thời gian tới. Đặc biệt, Dự thảo đã chú trọng quan tâm tới công tác xây dựng Đảng, từ việc đánh giá tình hình, bài học kinh nghiệm đến việc  xác định chủ đề về những trọng tâm công tác chỉnh đốn, xây dựng Đảng trong 5 năm tới.
Đánh giá về nâng cao sức chiến đấu của Đảng, ông Phạm Lợi, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Văn hóa –Xã hội, MTTQ TP cho rằng, hiện nay nhiều tổ chức Đảng sức chiến đấu còn hạn chế, thể hiện trong việc phê bình, tự phê bình trong Đảng; đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực; đấu tranh với những quan điểm, tư tưởng sai trái. Trong khi các tổ chức Đảng, các đoàn thể chính trị - xã hội đều có ở các tổ chức kinh tế - xã hội và địa bàn dân cư. Nâng cao năng lực, sức chiến đấu của Đảng là yêu cầu khách quan đối với Đảng cầm quyền. Đảng chỉ có thể làm tốt vai trò cầm quyền khi năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu được nâng cao.
 Ông Phạm Lợi - Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Văn hóa –Xã hội, MTTQ TP Hà Nội. 
Ông Phạm Lợi đề nghị, cần đánh giá, xếp loại tổ chức Đảng và đảng viên thực chất hơn; phải cải tiến sinh hoạt chi bộ. Còn về công tác cán bộ, việc đánh giá cán bộ, hiểu cán bộ chưa đúng thực chất dẫn đến việc đề bạt, bố trí cán bộ chưa đúng. Sau đề bạt cán bộ vào cương vị mới, phát hiện những khuyết điểmm nghiêm trọng phải xử lý, ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin của nhân dân. Có thể nói việc hiểu cán bộ, đánh giá cán bộ là một khâu yếu cần đươc khắc phục bằng cơ chế đánh giá cán bộ.
Tăng cường kiểm tra, giám sát cấp cơ sở
Ông Phạm Ngọc Thảo, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Hà Nội cho rằng, công tác kiểm tra giám sát tuy được quan tâm nhưng việc này mới chỉ được làm mạnh ở cấp T.Ư, tỉnh thành. Việc này được thể hiện ở chỗ những vụ việc đặc biệt nghiêm trọng về tham nhũng, tiêu cực, vi phạm pháp luật hầu hết đều do các cơ quan ở T.Ư phát hiện, điều tra xử lý chứ rất ít những vụ việc do địa phương phát hiện, xử lý. Những vụ việc T.Ư phát hiện chuyển về giao cho cấp ủy, chính quyền địa phương xem xét, xử lý theo thẩm quyền phân cấp quản lý cán bộ thì phần lớn lại né tránh, bao che, xử lý qua quýt, thậm chí không xử lý rồi luân chuyển loanh quanh để tìm cách thoát tội. Điều đó chứng tỏ kỷ luật chưa nghiêm, tình trạng bao che cho nhau, không chấp hành chỉ đạo của cấp ủy Đảng cấp trên và coi thường kỷ luật Đảng, kém tinh thần đấu tranh là có thật và khá phổ biến. Do đó, Dự thảo các Văn kiện Đại hội lần này phải khắc phục được tình hình trên.
Ở góc độ khác, TS Lê Văn Hoạt, Thành viên HĐTV Dân chủ - Pháp luật, MTTQ TP cho rằng: Mạng xã hội là thành quả to lớn của trí tuệ loài người. Không gian mạng tác động đến phát triển kinh tế -xã hội theo cả hai chiều thuận – nghịch. Trong Dự thảo Báo cáo Chính trị và Chiến lược phát triển kinh tế xã hội nặng về việc quản lý mạng, đảm bảo an ninh mạng chứ chưa quan tâm nhiều đến khai thác không gian mạng phục vụ quản lý xã hội và phát triển đất nước. Trong định hướng cần chú ý hơn đến giải pháp nhằm phát huy, khai thác thông tin mạng trong công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Bên cạnh đó, Đảng, Nhà nước cũng cần có cách nhìn mới về văn hóa và nhấn mạnh hơn đến nhiệm vụ phát triển văn hóa con người Việt Nam.
Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Nguyễn Lan Hương trân trọng ghi nhận những ý kiến đóng góp tâm huyết của các đại biểu. Các ý kiến phát biểu thể hiện thẳng thắn, công phu, sâu sắc toàn diện về các lĩnh vực góp ý kiến, thể hiện sự quan tâm của các đại biểu đối với công tác lãnh đạo của Đảng, thể hiện sự đồng thuận của Nhân dân đối với quá trình chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp.
Góp ý vào một số lĩnh vực cụ thể, các đại biểu quan tâm nhiều về công tác xây dựng Đảng, công tác cán bộ, đánh giá đảng viên, chất lượng sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt Đảng cần thực chất, nói thẳng, nói thật, làm thật. Nội dung về lãnh đạo xây dựng nhà nước pháp quyền, xây dựng hệ thống chính sách; sự lãnh đạo của MTTQ các đoàn thể chính trị - xã hội; công tác phòng, chống tham nhũng cần được đánh giá và quan tâm đúng mức. Trong lĩnh vực văn hóa, phải được coi trọng để thực sự là điểm tựa, nguồn lực để phát triển. Công tác tôn giáo, dân tộc cần được thể hiện đầy đủ hơn; vấn đề biển đảo cần được quan tâm hơn để nâng tầm hơn vị thế, vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế… Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Nguyễn Lan Hương cho biết, Mặt trận TP sẽ tổng hợp đầy đủ để phản ánh đến cơ quan chuyên môn để hoàn thiện các Dự thảo Văn kiện.