Không ngạc nhiên khi năm nay, khán giả chứng kiến sự nở rộ của các sàn thi tài năng nhí. Tuy nhiên, rất nhiều đứa trẻ đang đánh mất tuổi thơ vì hệ quả của các gameshow dành cho thiếu nhi trên sóng truyền hình Việt.
“Nở rộ” các cuộc thi
Hiện nay, trên sóng truyền hình Việt Nam đang “nở rộ” các sân chơi tài năng dành cho thiếu nhi. Bắt đầu từ 21/6, “Giọng hát Việt nhí” chính thức lên sóng mùa thứ 2. Có lẽ, sau thành công của mùa thứ nhất với các tên tuổi như: Phương Mỹ Chi, Quang Anh... Giọng hát Việt nhí đang trở thành sân thi được nhiều phụ huynh và em nhỏ trông đợi. Cạnh tranh với “Giọng hát Việt nhí” là chương trình “Đồ rê mí” cũng chính thức khởi động trên sóng VTV3. Trải qua gần 10 mùa thi, với sự tham gia của rất nhiều tên tuổi nghệ sĩ quen thuộc như: NSƯT Thanh Lam, Xuân Bắc, Đặng Châu Anh và nhạc sĩ Phương Uyên..., “Đồ rê mí” cũng được đánh giá là chương trình tìm kiếm tài năng ca hát "hot" vào bậc nhất dành cho thiếu nhi hiện nay.
Các thí sinh trong đêm chung kết “Giọng hát Việt nhí” 2013.
|
Chưa hết, sau thành công của “Vietnam's Got Talent” với sự đăng quang của cặp đôi dance sport nhí Đăng Quân - Bảo Ngọc, ngày 15/7, nhà sản xuất Cát Tiên Sa đã chính thức công bố chương trình “Bước nhảy hoàn vũ nhí” mùa thứ 2. Và trong khi “Bước nhảy hoàn vũ nhí” phải tới 18/7 mới lên sóng thì một chương trình nhảy múa dành cho thiếu nhi khác mang tên “Vũ điệu xanh” cũng đã kịp lên sóng vào Chủ nhật (13/7) vừa qua. Có thể nói, 2014 là năm đặc biệt "nở rộ" các show truyền hình thực tế dành cho thiếu nhi.
Đâu rồi tuổi thơ?
Khởi điểm của các chương trình gameshow dành cho thiếu nhi là nhằm mục đích tạo sân chơi giải trí cho các em trong những ngày hè. Thế nhưng, sau những mùa giải thành công về thời lượng quảng cáo, nhiều tên tuổi nhí bỗng trở thành gương mặt sáng giá của showbiz thì sân chơi này thực sự "biến thể".Hơn 2 tháng gắn bó và đi theo hậu trường của vòng chung kết các cuộc thi “Giọng hát Việt nhí”, “Đồ rê mí”..., những người làm chương trình thấm hơn ai hết những giọt nước mắt, sự cay cú "quá tuổi" của lứa tuổi măng non. Không hồn nhiên, ngây thơ như những lần ghi hình, quá nhiều em nhỏ tỏ ra “ăn miếng trả miếng” bạn chơi ngay sau khi thua cuộc. Đó là chưa kể, các em được dạy phải diễn như người lớn. Người xem vẫn còn nhớ trong chương trình “Đồ rê mí” 2012 thí sinh nhí Nhật Tiến khóc như mưa trong bài hát "Mơ gặp mẹ". Ngay sau màn biểu diễn đầy tính kịch ấy, một khán giả không ngần ngại bày tỏ: "Khi Tiến vẫn có mẹ bên cạnh hàng ngày, vẫn chăm sóc thì liệu có cần khóc như mưa giữa sân khấu về một giấc mơ được gặp mẹ không? Tôi thấy khó tả về màn kịch mà Nhật Tiến và chương trình tạo nên, màn biểu diễn giả tạo và diễn quá đà".
Hẳn khán giả còn nhớ cảnh khóc cười với vai diễn “Thị Màu lên chùa” của Thanh Trúc năm 2008. Một cô bé chưa đầy 10 tuổi đã diễn cảnh Thị Màu chửa hoang, đong đưa với Thị Kính như cô gái tuổi 25. Đến người "quen" với tâm lý trẻ thơ như nhạc sĩ Phạm Tuyên phải thốt lên: "Người lớn đã bắt trẻ con làm trò cho mình xem. Diễn "Thị Màu lên chùa" như “Đồ rê mí” thì không phải sân chơi của trẻ con".
“Giọng hát Việt nhí” mùa thứ nhất kết thúc, bên cạnh ánh hào quang là một loạt scandal về "nhật ký đưa con đi thi" của một phụ huynh, công văn kêu gọi bình chọn cho Quang Anh trước thềm chung kết, rồi chuyện hét giá show trên trời của "chị Bảy" Phương Mỹ Chi... Đôi khi người xem vẫn tự hỏi, có cần đánh mất tuổi thơ của các em nhỏ vì mối lợi quảng cáo của đơn vị sản xuất, vì các bước tính toán thiệt hơn của người lớn. Những đứa trẻ chưa đầy 10 tuổi liệu đã đủ sức để giữ mình trước sự hào nhoáng đầy phức tạp của showbiz. Chắc chắn những đứa trẻ ấy sẽ có lúc thèm được ngây thơ, được tung tăng chạy nhảy như các bạn mình, mà không phải lo mình là người của công chúng.