Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Máu dây rốn cứu cuộc đời mang “án tử”

Đoàn Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cách đây chưa lâu, Viện Huyết học Truyền máu T.Ư công bố thành công ca ghép TBG từ máu dây rốn cho một bệnh nhân Thalassemia (tan máu bẩm sinh).

Đây là sự kiện vô cùng đặc biệt, là tin vui đối với bệnh nhân Thalassemia, đồng thời mở ra cơ hội mới trong điều trị bệnh Thalassemia tại Việt Nam, một đất nước có trên 10 triệu người đang mang gen bệnh quái ác này.

Hồi sinh những cuộc đời

Bé Trần Gia H. (3 tuổi, quê Hà Nam) được phát hiện bệnh Thalassemia từ bé, bệnh nhân được điều trị và truyền máu nhiều lần tại Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư. Bác sĩ Nguyễn Bá Khanh - Trung tâm TBG của Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư cho biết, nếu không được ghép TBG, tiên lượng sức khỏe bệnh nhân sẽ rất xấu, đặc biệt là phải truyền máu suốt đời. Bên cạnh đó, bệnh nhân sẽ gặp một số biến chứng như quá tải sắt (vì truyền máu nhiều lần), nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm và suy các cơ quan chức năng như gan, lách, thận. May mắn, bệnh nhân được ghép TBG từ máu dây rốn thành công, điều đặc biệt, mẫu TBG máu dây rốn ghép cho bé H. được lấy từ máu dây rốn của em gái bệnh nhân sinh trước đó 2 tháng.
Bác sĩ ghép tế bào gốc cho bệnh nhân H.T.T.L. Ảnh: Đoàn Hải
Bác sĩ ghép tế bào gốc cho bệnh nhân H.T.T.L. Ảnh: Đoàn Hải
Gia đình bệnh nhân cho biết, khi biết con trai mắc bệnh Thalassemia, bố mẹ H. quyết định sinh thêm em bé để có cơ hội cứu sống đứa con trai mang bệnh. Với kỹ thuật xét nghiệm tiên tiến tại Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư, trong quá trình mang thai, các bác sĩ đã tiến hành chọc ối để xét nghiệm. Kết quả, thai nhi không mắc bệnh Thalassemi và có sự hòa hợp HLA (kháng nguyên bạch cầu người) hoàn toàn với bệnh nhân. Vì vậy, bé H. đã được ghép TBG từ chính mẫu máu dây rốn của em gái mình.

Khác với bé H., bệnh nhân H.T.T.L (28 tuổi ở Quảng Bình) lại được ghép TBG từ máu dây rốn cộng đồng. L. được chẩn đoán bị bệnh Leucemie (bệnh máu trắng) từ tháng 9/2014, thuộc nhóm tiên lượng xấu nên yêu cầu điều trị ghép TBG, đây là phương án tối ưu để cứu sống bệnh nhân. Em ruột của L. sẵn sàng hiến TBG để cứu chị mình nhưng xét nghiệm HLA lại không phù hợp. Điều kỳ diệu là thời điểm ghép cho bệnh nhân L., trong 450 mẫu máu dây rốn cộng đồng đang được lưu trữ, các bác sĩ tìm được 3 mẫu phù hợp với bệnh nhân. Ca ghép được tiến hành ngay sau đó, đến nay, các chỉ số máu của bệnh nhân gần như bình thường, TBG máu dây rốn mọc ổn định. Được biết, chi phí ca ghép gần 1 tỷ đồng, trong đó bảo hiểm y tế trả 50%.

Làm chủ kỹ thuật

Theo TS Bạch Quốc Khánh - Phó Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư, hiện nay, Việt Nam đã hoàn toàn làm chủ kỹ thuật ghép TBG, với quy trình ghép TBG ngày càng được hoàn thiện như phác đồ chuẩn của thế giới. Trong hành trình hơn 10 năm thực hiện ghép TBG, thành công của Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư chính là việc thành lập được Ngân hàng TBG máu dây rốn cộng đồng.

TS Trần Ngọc Quế - Phó Giám đốc Trung tâm TBG, Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư cho biết, từ tháng 5/2014, Viện đã phối hợp với Bệnh viện Phụ sản Hà Nội thu thập máu dây rốn trong cộng đồng. Tính đến nay, Ngân hàng đã lưu giữ 2.250 mẫu TBG máu dây rốn cộng đồng. Ngoài ra, Ngân hàng cũng lưu giữ 390 mẫu TBG máu dây rốn theo yêu cầu (dịch vụ) cho những trường hợp đã có người cùng huyết thống có bệnh có nhu cầu ghép TBG.

Cũng theo TS Quế, 100% các mẫu dây rốn được sàng lọc theo quy trình nghiêm ngặt, đảm bảo chất lượng. Tất cả các đơn vị máu dây rốn cộng đồng đều được xét nghiệm HLA. Ngân hàng TBG máu dây rốn cộng đồng mở ra hy vọng cho những người bệnh không có người hiến TBG cùng huyết thống (hoặc có người hiến nhưng không phù hợp) được điều trị bằng kỹ thuật hiện đại này.