Tuy nhiên, ngày 19/12 lại xuất hiện những khó khăn mới trước một vấn đề mà không ít các chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo về nguy cơ có thể đẩy nền kinh tế lớn nhất thế giới rơi trở lại suy thoái.
Ngày 19/12, Tổng thống Barack Obama đã lên tiếng đe dọa sẽ dùng quyền hiến định đặc biệt của tổng thống để phủ quyết nếu Quốc hội thông qua cái gọi là "Phương án B" mà Chủ tịch Hạ viện, Hạ nghị sỹ Cộng hòa John Boehner đề xuất một ngày trước đó.
Tổng thống Barack Obama. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Thông cáo báo chí của Giám đốc thông tin Nhà Trắng Dan Pfeiffer cho rằng đề xuất mà phe Cộng hòa vừa đưa ra không tăng thuế đủ mức đối với thiểu số người giàu và cũng không bao gồm những cắt giảm ngân sách cần thiết nhằm giải quyết khoản nợ quốc gia đã sắp vượt trần cho phép 16.394 tỷ USD.
Nhà Trắng và lãnh tụ phe thiểu số Dân chủ tại Thượng viện khẳng định phương án mà đảng Cộng hòa định đưa ra thảo luận tại Hạ viện trong tuần này là đi ngược với những gì mà hai bên đã đạt được trong các cuộc đàm phán gần đây.
Trong khi đó, sau khi đưa ra đề xuất đồng ý sẵn sàng ủng hộ việc tăng thuế đối với các gia đình có thu nhập từ 1 triệu USD/năm trở lên, thay vì từ 250.000 USD/năm như Nhà Trắng đề nghị, ông Boehner và các nhà lãnh đạo của đảng Cộng hòa tại Hạ viện đã quay sang gây áp lực các nghị sỹ của đảng Dân chủ đồng ý với phương án của đảng Cộng hòa, coi đây là vỏ bọc chính trị giúp các nghị sỹ của đảng Dân chủ có thể giải thích được đối với các cử tri ở địa phương, những người không ủng hộ chủ trương cải cách thuế của Nhà Trắng, rằng họ đã nỗ lực hết mình để ngăn chặn phương án của Tổng thống Ôbama muốn cải cách bộ luật thuế.
Bất chấp những lời tuyên bố cứng rắn trên đây, cả Nhà Trắng và phe Cộng hòa cam kết tiếp tục đàm phán với hy vọng sẽ đạt được một thỏa thuận trước cuối năm nay.
Các chuyên gia cho rằng, nếu hai bên không tiếp tục có những nhượng bộ lớn hơn để đi tới một thỏa hiệp, hàng loạt thứ thuế sẽ gia tăng và ngân sách của chính phủ liên bang sẽ bị tự động cắt giảm từ đầu năm tới khi các đạo luật hiện hành hết hiệu lực.
Tình huống này, nếu xảy ra, có nguy cơ đẩy nền kinh tế Mỹ rơi vào thời kỳ suy thoái mới. Một số nghị sỹ của đảng Dân chủ, vì áp lực của cử tri, cũng không ủng hộ chủ trương của Nhà Trắng, nhất là việc cắt giảm phúc lợi đối với những người già.
Để thể hiện rõ quyết tâm của Nhà Trắng, Tổng thống Obama tuyên bố sẵn sàng hy sinh lợi ích của một số nghị sỹ cùng đảng vì vấn đề lớn của đất nước. Ông cũng đã có một sự nhượng bộ, đồng ý trước mắt chỉ tăng thuế thu nhập đối với những cá nhân và cặp vợ chồng có thu nhập từ 400.000 USD/năm trở lên, thay vì phương án gốc là từ 250.000 USD/năm trở lên.
Với tình hình này, các nhà phân tích cho rằng hai bên có thể thỏa hiệp ở mức 500.000 USD/năm trở lên để có thêm nguồn thu từng bước cắt giảm núi nợ quốc gia mà cách đây bốn năm mới là 10.600 tỷ USD nay đã chạm trần 16.400 tỷ USD.
Khoản nợ khổng lồ như hiện nếu chia đều thì trung bình mỗi hộ gia đình Mỹ phải gánh chịu 140.000 USD. Khoản nợ này sẽ còn tăng mạnh vì hiện tại trung bình mỗi ngày chính phủ liên bang Mỹ phải vay khoảng 6 tỷ USD để chi tiêu.