Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Máy bay thân hẹp có 60% động cơ của CFM

Thương Huế
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là chia sẻ của Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của CFM International (CFM) Méheust với báo giới Việt Nam, tại Hà Nội, sáng 30/11.

Theo ông Méheust, bằng việc kết hợp các vật liệu nhẹ, tiên tiến vào sản xuất động cơ LEAP, CFM đang dẫn đầu một cuộc cách mạng công nghệ mới.
Các đại diện của CFM chia sẻ với báo chí.
Tính đến tháng 11/2018, LEAP đã chắp cánh hơn 1.5 triệu chuyến bay với hơn 2.5 triệu giờ bay cho hơn 550 máy bay của 80 hãng hàng không trên toàn thế giới. Động cơ cũng cho thấy độ tin cậy đặc biệt với khả năng khai thác lên ​​đến 11 chuyến bay một ngày, rất nhiều trong số đó chỉ mất 25 phút để xoay vòng chuyến.
Động cơ LEAP cũng đang giúp cải thiện mức tiêu thụ nhiên liệu và giảm phát thải CO2 tới 15%, đồng thời giảm đáng kể tiếng ồn động cơ và khí thải.
Tất cả công nghệ này đều được ứng dụng nhằm tăng hiệu năng sử dụng của động cơ, bao gồm độ tin cậy chưa từng có của CFM, tính sẵn sàng của động cơ; thời gian bay được cải thiện giúp duy trì chi phí bảo trì thấp và giảm thiểu việc bảo trì. Tất cả những điều này được hỗ trợ bởi các phân tích phức tạp cho phép CFM dự đoán và cung cấp dịch vụ bảo trì phù hợp trong suốt vòng đời của sản phẩm.
“Cuối cùng, chúng tôi đã thiết kế được một động cơ đáp ứng mọi cam kết với khách hàng của chúng tôi, và chúng tôi vô cùng tự hào về thành tích này. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả là khách hàng của chúng tôi đánh giá cao LEAP, đó chính là thước đo thực sự cho sự thành công.” - Ông Méheust cho biết.
Được biết, thị trường máy bay thân hẹp hiện là một trong những phân khúc béo bở nhất và cạnh tranh sôi nổi nhất trong ngành hàng không dân dụng. Đây cũng chính là dòng máy bay phục vụ cho hàng không giá rẻ.
Năm 2018, CFM lên kế hoạch sản xuất đến 1.200 động cơ máy bay cho các nhà sản xuất tàu bay trong năm nay. Số máy móc này chủ yếu giao cho Boeing và Airbus. Số lượng động cơ kể trên cao hơn gấp 2,5 lần so với sản lượng năm 2017.
Động cơ Leap của CFM
Với khoảng 60% động cơ máy bay thân hẹp là của CFM cho thấy, các nước đang phát triển thực sự là thị trường màu mỡ đối với nhà sản xuất linh kiện dành cho máy bay lớn nhất thế giới này, trong đó có Việt Nam.
CFM đã có hợp tác với Vietnam Airline từ năm 1995, thế nhưng CFM chỉ được biết nhiều tại Việt Nam khi hợp tác cung ứng động cơ với hãng hàng không giá rẻ Vietjet.
Được thành lập vào năm 1974, CFM International là công ty liên doanh 50/50 giữa GE và Safran Aircraft Engines. Ngày nay, CFM là nhà cung cấp động cơ máy bay vận chuyển thương mại hàng đầu thế giới và được xem là một điển hình thành công của mô hình liên doanh quốc tế.
Kể từ khi chiếc động cơ đầu tiên được bàn giao vào năm 1982, tới nay CFM đã nhận được vô số đơn đặt hàng từ hơn 590 hãng hàng không khắp thế giới cho hơn 50.000 động cơ LEAP và CFM56, trong đó có 33.000 động cơ đã được bàn giao.
Tại buổi gặp gỡ, trả lời PV báo Kinh tế&Đô thị về những ưu điểm vượt trội của động cơ LEAP trong tiết kiệm nhiên liệu, giảm phát thải CO2, giảm bảo hành, bảo trì và giảm đáng kể tiếng ồn động cơ có ảnh hưởng gì đến vấn đề an toàn động cơ, ông Méheust khẳng định, việc đảm bảo an toàn phải đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, vị Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của CFM từ chối bình luận về máy bay Boeing 737-700 của hãng hàng không Mỹ Southwest Airlines chở gần 150 người gặp sự cố động cơ ngày 17/4, dù CFM chính là hãng cung ứng động cơ cho các mẫu Boeing 737.
Gần đây nhất, 29/10, máy bay Boeing 737 MAX của hãng hàng không giá rẻ Lion Air chở 189 hành khách lao xuống biển ở Indonesia. Được biết, mỗi chiếc 737 MAX được trang bị hai động cơ turbine phản lực CFM LEAP-1B, có phần vỏ đuôi dạng răng cưa như máy bay Boeing 787 Dreamliner để giảm độ ồn. Thử nghiệm hồi năm 2011, cho thấy mẫu LEAP-1B có hiệu suất cao hơn 10-12% so với phiên bản CFM56-7B trên dòng Boeing 737NG.
Cho tới cuối tháng 9/2018, Boeing đã nhận đặt hàng chế tạo tổng cộng 4.783 chiếc 737 MAX cho 98 khách hàng trên thế giới. Ba khách hàng lớn nhất là Southwest Airlines của Mỹ với 280 đơn hàng, Flydubai với 251 chiếc và 201 máy bay cho Lion Air. Hãng hàng không Vietjet của Việt Nam cũng đặt mua tới 100 chiếc 737 MAX với tổng trị giá gần 13 tỷ USD.