Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mẹ làm quân sư

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Rất nhiều người không đồng ý với cách “lửa gần rơm”. Người đoán già, người đoán non.

KTĐT - Rất nhiều người không đồng ý với cách “lửa gần rơm”. Người đoán già, người đoán non. Mẹ cũng tỉ tê kể cho tôi nghe chuyện tình cảm của ba mẹ và những mối tình tận đẩu tận đâu, nhưng tuyệt nhiên không đả động gì đến chuyện yêu đương của tôi.

Là con gái học Văn, lãng mạn và luôn có những xúc cảm “lớn trước tuổi”, nên mới học lớp 9 tôi đã… thương một anh chàng học  lớp 12 Toán trọ gần nhà.

Năm 1990, chuyện tình yêu của chúng tôi là cái gì đó rất ghê gớm. Ban giám hiệu nhà trường gọi lên, gọi xuống, hết nói nhẹ đến dùng biện pháp mạnh, nào là viết kiểm điểm, dọa đuổi học, không cho thi tốt nghiệp, nhưng chúng tôi càng “dính” chặt nhau hơn. Cả hai thề chỉ có cái chết mới chia lìa được nhau, rồi toan tính bỏ nhà ra đi để sống bên nhau trọn đời. Nói tóm lại, chúng tôi có thể nghĩ ra mọi cách để đối phó với nhà trường, gia đình và xã hội. Chúng tôi như chiếc xe đạp không phanh ào ào lao xuống dốc, nguy cơ không được thi tốt nghiệp đã hiện ra trước mắt.

Ngày ấy không có nhiều  tài liệu sách báo tham khảo như bây giờ, muốn được tư vấn, gỡ rối hay chia sẻ cũng không có ai. Ba tôi thì đang đóng quân ở biên giới, thư đi tin lại cũng mất cả tháng trời. Mẹ tôi lo lắng tới gầy rộc hẳn. Mẹ không la mắng, không làm lớn chuyện mà tìm mọi cách gần gũi với tôi.

Mẹ cố gắng nghĩ ra trăm phương, nghìn kế lôi tôi ra khỏi “bến mê”. Biết tôi ham đọc  sách báo, thích hát hò, mẹ sang nhà hàng xóm nghe đài ké để chép bài hát. Lương công nhân ba cọc ba đồng, mẹ cố nhịn ăn, nhịn mặc để mua sách, báo và dành nhiều thời gian đọc sách báo, cùng tôi chia sẻ những câu chuyện trong đó. Những hôm đi làm về,  dù rất muộn, rất mệt, mẹ không quên hỏi han chuyện học hành, bạn bè của tôi. Ngày nghỉ, mẹ nấu chè bảo tôi mang sang mời anh và bạn cùng phòng. Mẹ mời anh thường xuyên qua nhà tôi chơi và nhờ anh kèm tôi mấy môn tự nhiên để chuẩn bị thi tốt nghiệp.

Rất nhiều người không đồng ý với cách “lửa gần rơm”. Người đoán già, người đoán non. Mẹ cũng tỉ tê kể cho tôi nghe chuyện tình cảm của ba mẹ và những mối tình tận đẩu tận đâu, nhưng tuyệt nhiên không đả động gì đến chuyện yêu đương của tôi. Thời gian qua, tôi và anh vỡ lẽ ra nhiều điều và thật lạ, khi gần nhau nhiều, tôi thấy “tình yêu” của mình không quá mãnh liệt, khát khao như thời kỳ còn “ngăn sông, cấm chợ”.

“Tình yêu rất thiêng liêng và cao quý. Nếu hai đứa thật sự yêu nhau thì phải nâng đỡ nhau tiến bộ. Trước mắt là kỳ thi tốt nghiệp. Rồi cháu còn phải thi đại học để sau này còn dìu dắt em. Cô tin là hai đứa sẽ vượt các kỳ thi. Cháu sẽ làm được chứ?”. Đó là câu đầu tiên và cuối cùng của mẹ dành cho chuyện tình của chúng tôi.

Kỳ thi năm đó, tôi đậu vào lớp 10 trường chuyên của tỉnh, anh cũng đậu vào ĐH Kiến trúc TP.HCM. Ba năm sau, tôi trở thành thủ khoa ĐH Sư phạm. Phố huyện lại ồn ào: “Yêu mà học giỏi như thế thì cũng nên khuyến khích yêu”. Nhưng qua thời gian, chúng tôi lớn lên, cảm xúc đầu đời đã chuyển sang tình cảm anh em thân thiết. Tôi biết rằng, chính tình yêu thương của mẹ đã làm tôi thay đổi. Nếu ngày ấy mẹ không tâm lý, thấu hiểu con cái mà cấm đoán, trừng phạt thì không biết mọi chuyện sẽ tới đâu.

Đến hôm nay, mẹ tôi đã 70 tuổi rồi, nhưng bà vẫn luôn đọc sách báo, xem tivi, vào mạng internet để kịp thời làm “quân sư” gỡ rối cho đám cháu “ẩm ương” sáng nắng, chiều mưa.