43% người dân được dùng nước sạch
Năm 2012, thị trấn Quang Minh và thị trấn Chi Đông là hai địa phương đầu tiên của huyện Mê Linh được đầu tư dự án cung cấp nước sạch. Đến nay, 100% người dân tại hai thị trấn này (13.800 hộ dân) đã được tiếp cận với nguồn nước sạch đạt tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Sau hai thị trấn trên, vài năm trở lại đây, khoảng 14.700 hộ dân thuộc 4 xã Mê Linh, Tiền Phong, Tráng Việt và Đại Thịnh cũng đã có nước sạch để sử dụng.
Bên cạnh nguồn nước được cấp từ hệ thống tập trung, người dân các địa phương áp dụng máy lọc nước quy mô hộ gia đình. Qua đó, giúp tỷ lệ “phủ sóng” nước sạch tại 4 địa phương này hiện cũng đã đạt xấp xỉ 100%.
Thống kê đến nay, toàn huyện Mê Linh đã có 6/18 xã, thị trấn được cung cấp nước sạch từ nguồn cấp nước tập trung. Mặc dù vậy, tỷ lệ người dân được dùng nước sạch trên địa bàn huyện mới đạt khoảng 43%. Theo đó, vẫn còn 57% tổng số hộ dân (tương ứng với 31.000 gia đình) chưa được cấp nước sạch.
Cùng với việc phổ cập nước sạch đến với người dân, công tác giám sát chất lượng nước cũng được huyện Mê Linh quan tâm. Theo đó, hàng tháng, huyện đề nghị các đơn vị cấp nước gửi kết quả quan trắc chất lượng nước; thường xuyên thu thập thông tin chất lượng nguồn nước để kịp thời xử lý khi có sự cố phát sinh.
Tập trung gỡ vướng giải phóng mặt bằng
Những năm qua, công tác cấp nước sạch cho người dân luôn được UBND TP Hà Nội đặc biệt quan tâm. Tại huyện Mê Linh, từ giữa năm 2018, TP đã phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước sạch liên xã cho toàn bộ 12 xã còn lại của huyện. Dự án trên sau khi hoàn thành có thể đáp ứng nhu cầu nước sạch cho 100% hộ dân trên địa bàn huyện Mê Linh.
Đến nay, dự án cấp nước sạch cho 12 xã còn lại thuộc huyện Mê Linh đã hoàn thành nhiều hạng mục như: Trạm bơm nước sông, trạm bơm tăng áp, bể chứa nước sạch, hệ thống tuyến ống đến các cụm dân cư… Dù vậy, việc triển khai những hạng mục cuối của dự án này hiện gặp không ít khó khăn. Đại diện chủ đầu tư là Công ty CP Cấp nước Mê Linh cho biết, đơn vị đang gặp khó khăn trong giải phóng mặt bằng.
Hiện, tiến độ giải tỏa diện tích cần để xây dựng một số hạng mục còn lại của nhà máy cấp nước mới đạt khoảng 53%. Bên cạnh yếu tố trên, do việc xây dựng đường ống có liên quan đến an toàn đê điều, hệ thống giao thông ven đê nên chủ đầu tư cũng đang phải phối hợp với địa phương để lập hồ sơ, xin ý kiến ngành NN&PTNT và Sở GTVT Hà Nội.
Trước những khó khăn nêu trên, trao đổi với Kinh tế & Đô thị, Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Mê Linh Đỗ Quốc Toản cho biết, đơn vị đang tập trung phối hợp với chủ đầu tư giải quyết nhanh các thủ tục hành chính để đẩy nhanh tiến độ dự án cấp nước sạch cho 12 xã còn lại. Xung quanh việc một số hộ dân xã Tiến Thịnh chưa đồng tình với việc đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, ông Toản cho biết chính quyền địa phương đã đến làm việc trực tiếp với từng hộ để vận động người dân. Theo ông Toản, việc tháo gỡ vướng mắc đang có chiều hướng tích cực.
“Chúng tôi đang tập trung giải phóng mặt bằng sớm nhất có thể, phấn đấu đến cuối năm 2020 sẽ hoàn thành nhà máy để cấp nước sạch cho 100% hộ dân trên địa bàn huyện theo mục tiêu kế hoạch đã đề ra” – ông Toản cho hay.