Bưởi đỏ xã Tráng Việt là một trong những sản phẩm OCOP chất lượng của huyện Mê Linh. Ảnh: Lâm Nguyễn |
Vượt gần gấp đôi kế hoạch
Thực hiện Quyết định số 3629/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội về triển khai thực hiện Chương trình OCOP đến năm 2020, huyện Mê Linh đã ban hành kế hoạch, đưa nội dung phát triển sản phẩm OCOP vào chương trình công tác trọng tâm của năm, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các phòng ban chịu trách nhiệm thực hiện. Trưởng phòng Kinh tế huyện Mê Linh Phạm Thành Đô cho biết, để Chương trình OCOP đi vào thực tiễn, đơn vị đã chủ trì và phối hợp với Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội tổ chức các lớp tập huấn cho hơn 300 cán bộ, lãnh đạo các phòng ban, xã, thị trấn, đặc biệt là DN, hợp tác xã và chủ thể có sản phẩm tiềm năng OCOP.Huyện cũng chỉ đạo Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao tổ chức tuyên truyền thường xuyên về Chương trình OCOP trên hệ thống phát thanh. Đồng thời, cấp phát 32.000 tờ rơi, treo 75 băng rôn khẩu hiệu để tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các tầng lớp Nhân dân, nhất là các chủ thể, từ đó tích cực đề xuất, hoàn thiện và gửi sản phẩm về Hội đồng OCOP của huyện xem xét, đưa vào đánh giá.Trong năm 2020, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Huyện Mê Linh có thời gian khá dài phải cách ly y tế. Dù vậy, với quyết tâm cao, huyện cũng đã tập trung rà soát, phối hợp với đơn vị tư vấn hoàn thiện hồ sơ cho 51 sản phẩm để tham gia đánh giá, phân hạng OCOP. Kết quả thẩm định, toàn huyện có 49/51 sản phẩm có tiềm năng OCOP, cao hơn nhiều so với mục tiêu kế hoạch huyện đề ra.Chất lượng là ưu tiên hàng đầuThực tế, so với nhiều địa phương khác trên địa bàn Hà Nội, tiến độ đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP của huyện Mê Linh là chậm hơn khá nhiều. 49 sản phẩm được Tổ công tác giúp việc Hội đồng TP thẩm định cuối năm 2020 mới là những sản phẩm OCOP đầu tiên của địa phương này. Dù vậy, công tác phát triển sản phẩm OCOP của huyện Mê Linh được Phó Chánh Thường trực Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí đánh giá là “chậm nhưng chắc”. Sở dĩ vậy không chỉ bởi số lượng sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng vượt khá cao so với kế hoạch, mà còn nhờ chất lượng sản phẩm tương đối tốt.Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Trần Thanh Hoài, trong quá trình thực hiện, địa phương chủ trương không chạy theo số lượng. Chính vì vậy, các sản phẩm đăng ký tham gia đều phải đạt tiêu chuẩn chất lượng ở mức cao. Công tác đánh giá của Hội đồng OCOP cấp huyện cũng được thực hiện rất nghiêm túc nhằm lựa chọn cho được những sản phẩm tốt nhất để dự thi cấp TP. Ông Trần Thanh Hoài cho biết thêm, trong giai đoạn 2021 - 2025, huyện Mê Linh phấn đấu phát triển thêm khoảng 200 sản phẩm OCOP. Ở đó, tiêu chí chất lượng vẫn được huyện ưu tiên hàng đầu, thay vì phát triển ồ ạt, chạy theo số lượng. “Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo các xã, thị trấn rà soát, lựa chọn sản phẩm có tiềm năng để hỗ trợ hoàn thiện, tham gia đánh giá, phân hạng cấp TP. Địa phương cũng sẽ thường xuyên giám sát việc duy trì chất lượng đối với các sản phẩm đã được cấp sao, bảo đảm giữ uy tín cho nông sản, thực phẩm OCOP của địa phương” - ông Hoài cho hay.