Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mê Linh tuyên truyền pháp luật qua trợ giúp pháp lý lưu động

Hữu Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những năm qua, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) luôn được các cấp, ngành của huyện Mê Linh quan tâm, thực hiện bằng nhiều hình thức.

Nhờ vậy, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, đảng viên và người dân trên địa bàn đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Cán bộ Phòng Tư pháp huyện Mê Linh trao đổi phương pháp tuyên truyền pháp luật cho Nhân dân. Ảnh: Hữu Trường
Cán bộ Phòng Tư pháp huyện Mê Linh trao đổi phương pháp tuyên truyền pháp luật cho Nhân dân. Ảnh: Hữu Trường
Để công tác tuyên truyền PBGDPL hướng về cơ sở, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị và địa phương, Phòng Tư pháp huyện đã tham mưu cho Hội đồng phối hợp PBGDPL huyện chỉ đạo 18 xã, thị trấn trong huyện xây dựng kế hoạch tuyên truyền cụ thể hàng tháng, quý, năm. Trên cơ sở đó, việc tuyên truyền được mở rộng đến các đối tượng trong địa bàn với nhiều hình thức, nội dung phong phú, như: Tổ chức hội nghị, lồng ghép PBGDPL trong các hội nghị của các ban, ngành, đoàn thể; trợ giúp pháp lý lưu động, hòa giải, sân khấu hóa…

Để thay đổi nhận thức của người dân, năm 2015, Hội đồng PBGDPL huyện đã chú trọng tuyên truyền trực quan sinh động, đồng thời giáo dục sâu rộng về vị trí, vai trò của pháp luật trong công tác quản lý Nhà nước. Quan tâm tuyên truyền các Luật liên quan đến quyền, lợi ích, nghĩa vụ của các cá nhân, tổ chức trong đời sống hàng ngày ở địa phương, như:  Luật Tiếp công dân, Bộ luật Dân sự, Luật Thủ đô, Luật Đất đai... và các Nghị định mới được ban hành. Trong năm 2015, Phòng Tư pháp phối hợp với Chi nhánh Trợ giúp pháp lý số 5 tổ chức 36 hội nghị trợ giúp pháp lý lưu động miễn phí. UBND các xã, thị trấn trong huyện tổ chức được 93 hội nghị tuyên truyền với gần 8.000 lượt người tham dự... Qua đó, góp phần giáo dục, vận động cán bộ, công chức, viên chức, người dân từng bước nâng cao ý thức, tự giác chấp hành pháp luật.

Phó Trưởng phòng Tư pháp huyện Mê Linh Lương Văn Họp cho biết, từ đầu năm 2016 đến nay, Phòng Tư pháp phối hợp với Chi nhánh Trợ giúp pháp lý số 5 tăng cường tổ chức trợ giúp lưu động miễn phí tại các xã Chu Phan, Tiền Phong, Đại Thịnh… được 49 buổi với gần 5.000 lượt người tham dự. Đồng thời, phối hợp với 18 xã, thị trấn tổ chức 61 buổi tuyên truyền pháp luật tại các thôn, xóm, khu dân cư cho 6.000 lượt người dân, tăng so cùng kỳ năm 2015. Cùng với đó, duy trì 165 tổ hòa giải ở các thôn, xóm, cụm dân cư với trên 1.064 thành viên, quyết tâm hòa giải dứt điểm các vụ việc mâu thuẫn ở ngay tại cơ sở. “Nhờ vậy, 8 tháng đầu năm 2016, các hòa giải viên đã hòa giải thành công 70/110 vụ. Nhiều xã trong huyện như Liên Mạc, Đại Thịnh, Tiến Thịnh… đến nay không có đơn thư vượt cấp, giảm bớt vụ việc phải chuyển đến tòa án hoặc cơ quan Nhà nước, góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự trên địa bàn. Nhận thức về pháp luật của người dân đã thay đổi rõ rệt. Tình làng, nghĩa xóm được chan hòa. Người người, nhà nhà xích lại gần nhau hơn”- ông Họp chia sẻ.

Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn khẳng định: “Thời gian tới, huyện Mê Linh tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, người dân. Phổ biến kịp thời các văn bản pháp luật mới được ban hành đến từng nhóm đối tượng, đặc biệt ở các xã xa trung tâm huyện. Tiếp tục đổi mới, đa dạng hóa các mô hình, hình thức PBGDPL. Tuyên truyền có trọng tâm, trọng điểm nhằm đạt hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Phấn đấu để các tổ hòa giải cơ sở hoạt động tích cực hơn đem lại hiệu quả, đạt tỷ lệ hòa giải thành công 90% trở lên, góp phần hạn chế tình trạng đơn, thư khiếu nại của công dân, giữ gìn ổn định an ninh trật tự tại địa phương”.