Trên giường bệnh, tay đang phải truyền nước, thỉnh thoảng kèm theo cơn ho rút ruột, nhưng người lính già vẫn say sưa nói về những thời khắc hào hùng của 38 năm trước và về công cuộc bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Sức mạnh của hậu phương
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Tư lệnh Quân khu IV, Đại biểu Quốc hội các khóa VIII, IX, X.
|
Trong cuộc tiến công và nổi dậy làm nên đại thắng 30/4/1975, Trung tướng đang giữ trọng trách gì và cảm xúc của ông lúc ấy thế nào khi ca khúc khải hoàn, thống nhất đất nước?
- Lúc ấy tôi là Tham mưu trưởng Quân đoàn 3, đơn vị chủ lực trong chiến thắng Tây Nguyên và giải phóng 3 tỉnh khu Năm trước đó. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, Quân đoàn 3 nhận nhiệm vụ đánh chiếm Bộ Tư lệnh không quân, thiết giáp và Bộ Tổng Tham mưu, còn Dinh Độc Lập do Quân đoàn 2 đảm nhiệm. 9 giờ sáng ngày 30/4/1975, khi đơn vị chúng tôi tiếp cận sân bay Tân Sơn Nhất thì nhận được tin Dương Văn Minh tuyên bố xin ngừng bắn để hòa đàm. Nhưng họ còn gì đâu mà hòa đàm, chỉ có nước đầu hàng mà thôi. Quân đoàn 3 không có nhiệm vụ đánh vào Dinh Độc Lập, nhưng đồng chí Vũ Lăng, Tư lệnh Quân đoàn 3 nhận thức rất nhạy bén: Chúng ta không có nhiệm vụ đánh Dinh Độc Lập, nhưng đây là mục tiêu phải đánh cuối cùng nên cần chớp thời cơ. Ngay lập tức, đồng chí Vũ Lăng đã giao cho tôi và đồng chí Phó Chính ủy Quân đoàn chỉ huy một mũi đánh thọc sâu vào Dinh Độc Lập để hội quân với Quân đoàn 2. Đến 11 giờ 30, quân ta làm chủ Dinh Độc Lập và sau đó 30 phút, mũi thọc sâu của Quân đoàn 3 cũng có mặt.
Còn cảm xúc à? Thật vui sướng, ngỡ ngàng, bởi không ngờ chúng ta đánh lại giỏi như vậy, không ngờ địch tan rã nhanh như vậy. Lúc tiến vào, tưởng rằng chỉ có quân ta đánh với quân địch thôi, nhưng dọc đường rợp cờ hoa, cùng tiếng hò reo của nhân dân đón quân giải phóng kéo dài hàng cây số. Lúc ấy mới thấy sức mạnh và tình cảm của nhân dân như đang vỡ òa cùng niềm vui chiến thắng.
Theo Trung tướng, đâu là "chìa khóa" của chiến thắng lịch sử vĩ đại ấy?
- Trước hết, chúng ta phải nói đến cội nguồn của chiến thắng với xuất phát điểm là tư tưởng Hồ Chí Minh: "Thà chết chứ không chịu làm nô lệ" và "Không có gì quý hơn độc lập tự do". Tinh thần ấy đã được kết tinh từ lịch sử hàng ngàn năm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc từ Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung… Bác Hồ đã lĩnh hội những tinh hoa, trí tuệ và cả quyết tâm của dân tộc để giành cho được độc lập tự do và đã được Đảng và nhân dân ta đồng sức đồng lòng, biến điều đó thành hiện thực. Chính sức mạnh nội lực của chúng ta đã làm cho cả thế giới thán phục và ủng hộ. Bạn bè năm châu và kể cả nhân dân yêu chuộng hòa bình của Pháp, Mỹ đều đứng về phía chúng ta để tạo nên sức mạnh tổng hợp.
Thắng lợi của chiến thắng 30/4 bắt nguồn từ quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, tiền tuyến và hậu phương một lòng, "Dù có đốt cháy cả dãy Trường Sơn vẫn quyết giành được độc lập". Hôm nay, tôi muốn nói nhiều đến sức mạnh từ hậu phương. Vì lâu nay, khi nói đến chiến thắng 30/4, người ta thường đi tìm những chiến công oanh liệt ở phía trước, nhưng lại đề cập chưa đúng mức đến hậu phương. Bởi lẽ, hậu phương là chỗ dựa vững chắc cho người chiến sĩ ngoài tiền tuyến. Nếu gia đình, cha mẹ, vợ con không ổn định để cùng quyết tâm đánh giặc thì làm sao có thể yên tâm chiến đấu được. Đất nước không có miền Bắc XHCN thì làm sao có tiềm lực, có sức mạnh về sức người, sức của, về tinh thần, ý chí để cùng miền Nam thống nhất đất nước. Giải phóng miền Nam là công cuộc của cả dân tộc. Miền Bắc là hậu phương vững chắc để đảm bảo cho tiền tuyến lớn miền Nam vững vàng tay súng, chiến đấu và chiến thắng kẻ thù, giành lại giang sơn, thống nhất đất nước.
Gần 9 vạn thanh niên Hà Nội đã lên đường nhập ngũ và chiến đấu trên khắp các chiến trường thời đánh Mỹ (Ảnh tư liệu).
Đầu tư cho biển, đảo là cho chính mình, cho Tổ quốc
Nhìn lại 38 năm đã qua, đất nước đã phát triển trong hòa bình với nhiều thành tựu to lớn về kinh tế - xã hội, nhưng vẫn còn đó rất nhiều thách thức, khó khăn, trong đó có cả yếu kém nội tại. Trung tướng suy nghĩ thế nào về điều này?
- Đất nước đã hòa bình, nhưng thực sự chưa thể yên. Đất nước đã có nhiều đổi thay, phát triển mạnh mẽ với những thành tựu to lớn mà nhân dân ghi nhận, bạn bè quốc tế khâm phục dù thời gian dài bị chiến tranh tàn phá. Thành công ấy từ ý Đảng, lòng dân đều quyết tâm, đúng như câu nói của Bác: Giành được độc lập rồi, chúng ta sẽ xây dựng đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.
Tuy nhiên, hiện công tác xây dựng Đảng vẫn còn một số vấn đề cần khắc phục để Đảng luôn trở thành ngọn cờ tiên phong lãnh đạo, quy tụ khối đại đoàn kết toàn dân. Có những sai lầm, khuyết điểm, tổn thất nghiêm trọng mà Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay" đã nêu rõ. Đảng ta đã thấy, đã sửa, nhưng phải sửa quyết liệt hơn nữa thì mới có thể thực hiện được mục tiêu Bác Hồ hằng mong muốn khi mọi người dân đều được hưởng thụ bình đẳng như nhau. Đây là vấn đề yên dân, cũng là để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ thành quả của sự nghiệp cách mạng của Đảng và của toàn dân tộc mà chúng ta phải chú trọng hơn nữa.
Thưa Trung tướng, ngoài nguyên nhân "nội tại", có cả những thách thức bên ngoài, đặc biệt là vấn đề biển đảo. Theo Trung tướng, bài học đấu tranh thống nhất đất nước trước đây có ý nghĩa như thế nào đối với công cuộc bảo vệ vững chắc chủ quyền của Tổ quốc hôm nay?
- Lãnh thổ chúng ta 3/4 là biển nên đây vừa là nguồn tài nguyên quý giá, vừa là phên dậu quan trọng của đất nước. Với ý đồ khác nhau của một số nước, biển đảo của chúng ta đang bị gây khó khăn ghê gớm. Chúng ta không muốn đối đầu với ai, nhưng kẻ nào có ý đồ xấu chúng ta cần phải biết và nếu bất kỳ ai muốn động vào tấc đất, vào lãnh thổ thì tinh thần bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của nhân dân ta sẽ được khơi dậy. Đảng sẽ đi đầu, cùng toàn dân đứng lên giữ vững chủ quyền đất nước.
Tuy nhiên, việc bảo vệ hơn một triệu km2 ở biển cực kỳ khó khăn vì không có điểm đứng vững chắc như trên đất liền, trong khi có bao nhiêu ý đồ đen tối đang nhòm ngó. Vì vậy, chúng ta phải chú trọng hơn nữa để đầu tư, bảo vệ biển. Ngày trước, hậu phương dồn sức cho miền Nam ruột thịt và tôi cho rằng bây giờ cả nước nên dồn sức cho biển. Với gần 90 triệu dân cả nước, nếu mọi người đồng lòng, thử thách này sẽ vượt qua.
Xin Trung tướng nói rõ hơn về vấn đề này?
- Lâu nay, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ cho ngư dân, nhưng thời gian tới cần tiếp tục quan tâm hơn nữa đến những người ngày đêm bám biển, bảo vệ lãnh thổ biển đảo của Tổ quốc. Nguồn tài nguyên trên đất liền ngày càng cạn kiệt, biển sẽ là tương lai của đất nước. Vì vậy, phải tuyên truyền làm sao để mỗi người dân hiểu được việc đóng góp cho ngư dân chính là đóng góp cho chính mình, cho Tổ quốc.
Muốn ngư dân yên tâm làm ăn, bám biển, chúng ta phải xây dựng những điểm tựa vững chắc để họ có thể tựa vào khi bão táp, phong ba hay khi bị ngoại lai uy hiếp. Nhà nước cần xây dựng các đảo tiền tiêu, xây dựng lực lượng hải quân, không quân và cảnh sát biển hùng mạnh để đủ sức bảo vệ hơn một triệu km2 trên biển của đất nước. Tôi tin là nếu mình quyết tâm, bạn bè quốc tế cũng sẽ hết lòng ủng hộ.
Khó khăn lắm, đất nước mới có ngày 30/4/1975 nên càng phải đồng sức, đồng lòng, quyết tâm bảo vệ thành quả ấy. Chúng ta phải luôn phát huy tinh thần, ý nghĩa của chiến thắng lịch sử ấy, "mềm dẻo" nhưng không "mềm yếu" trong các đối sách, có như vậy mới giữ vững được chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ.
Xin cảm ơn và chúc Trung tướng mạnh khỏe, hạnh phúc!