KTĐT - Muối còn có tác dụng là mềm thức ăn, lại dễ bay hơi. Nếu trong lúc nấu, vô tình cho hơi nhiều muối, bạn có thể thả vào vài lát khoai tây, hay vài miếng đậu phụ… món canh, kho của bạn sẽ vừa miệng hơn.
Các loại gia vị như muối, đường, dấm, ớt… không thể thiếu trong căn bếp nhà bạn, nhưng nếu hiểu hơn về các đặc tính và công dụng của chúng, bạn sẽ là đầu bếp cừ khôi hơn đấy.
Muối
Vai trò của muối chủ yếu là mang đến sự đậm đà, tinh tế trong từng món ăn. Muối còn dùng chủ yếu để ướp các thực phẩm sống, đặc biệt là thủy hải sản để khử mùi hôi.
Muối còn có tác dụng là mềm thức ăn, lại dễ bay hơi. Nếu trong lúc nấu, vô tình cho hơi nhiều muối, bạn có thể thả vào vài lát khoai tây, hay vài miếng đậu phụ… món canh, kho của bạn sẽ vừa miệng hơn.
Đường
Vai trò của đường chủ yếu là tăng hương vị, làm cho món ăn có màu sắc đẹp mắt khi đun hơi cháy. Đường có vị ngọt, tốt cho khí quản và lá lách.
Nấu ăn phải cho muối trước, sau đó đến đường và cuối cùng là giấm. Và không nên cho đường vào thực phẩm quá sớm.
Giấm
Giấm có mùi đặc trưng, rất hợp với món cá. Lúc nấu ăn, cho thêm giấm sẽ làm tăng hương vị, màu sắc.
Giấm cần được bảo quản nơi thoáng mát để tránh sự bay hơi của hương thơm. Nếu nhỡ tay cho hơi nhiều dấm vào món canh cá, bạn nên lấy vỏ trứng gà đập vỡ, bọc vào miếng vải và thả vào nồi canh, vị chua gắt của dấm sẽ hết.
Khi món ăn có vị đắng làm bạn ngại ngùng, hãy cho thêm chút giấm trắng, có thể loại bỏ hoặc giảm vị đắng đi thấy rõ.
Ớt, tiêu
Gia vị này chỉ hợp với những ai ăn được cay, cũng góp phần làm món ăn thêm dậy mùi. Nếu vô tình món ăn cay quá, bạn cho miếng trứng rán vào, vị cay sẽ giảm hẳn.
Còn nếu cho hơi nhiều nước tương, nước mắm, nước sốt trong các món kho, bạn hãy cho thêm chút sữa tươi, hương vị món ăn khác hẳn.