KTĐT - Đại diện Jetstar Pacific cho biết chuyện hoãn hủy chuyến bay là bất khả kháng. Cứ một chuyến bị hoãn, hủy sẽ ảnh hưởng dây chuyền đến các chuyến bay khác, thiệt hại lên đến cả tỷ đồng.
Hoãn chuyến, khởi hành muộn, có vé không được bay... là tình trạng mà rất nhiều hành khách đi máy bay gặp phải nhưng chưa được hãng hàng không giải thích thỏa đáng.
Hôm 4/7, cả trăm hành khách Jetstar Pacific phải vật vờ ngoài sân bay Đà Nẵng khi hãng này thông báo hoãn chuyến vì máy bay gặp sự cố. Rất nhiều phụ nữ, người già và trẻ em đã phải nằm, ngồi la liệt trên các ghế chờ ở nhà ga trong hơn 10 giờ đồng hồ. “Chưa bao giờ tôi lại tham gia một chuyến bay mệt mỏi như vậy”, chị Nga một hành khách nói. Chuyến bay dự kiến khởi hành từ 12 rưỡi trưa, nhưng phải hoãn đến gần 1h sáng hôm sau.
Còn sáng 3/7, khoảng 10 hành khách Vietnam Airlines tham gia chuyến bay từ Hà Nội đi Phú Quốc rơi vào tình huống có vé nhưng không thể lên máy bay. Thay vì lịch trình cất cánh lúc 10h trưa, hành khách phải dời lịch bay đến 1h30 chiều. Những khách hàng này cho hay họ không chỉ bức xúc vì hoãn bay mà vì hãng vận chuyển giải thích không đến nơi đến chốn.
Trước đó ngày 24/6, hơn 100 hành khách từ Đà Nẵng ra Hà Nội của Vietnam Airlines cũng phải ngồi chờ hơn 2 tiếng đồng hồ trên máy bay mà không được thông báo rõ lý do. Chị Lê Hiền - một hành khách đi trên chuyến bay cho biết, máy bay di chuyển từ sân đỗ ra đường cất cánh, đợi chờ khoảng 5 phút rồi lại được xe đẩy trở lại sân đỗ.
Cảnh hành khách nằm vật vờ vì máy bay hoãn chuyến. Ảnh do độc giả cung cấp. |
Hành khách xôn xao hỏi tiếp viên lý do nhưng không nhận được câu trả lời thỏa đáng. Sau gần một giờ nằm im trên sân đỗ, cơ trưởng và cơ phó ra khỏi máy bay với lý do xin lệnh bay mới. Nguyên nhân vụ chậm chuyến được Cảng vụ Hàng không miền Trung giải thích là do cơ trưởng nhầm đường băng.
Cũng trong tối 24/6, có ít nhất 4 chuyến bay khác đã không thể hạ cánh xuống sân bay Đà Nẵng theo đúng lịch trình khiến hàng trăm hành khách bị chậm chuyến hoặc không thể đáp xuống sân bay Đà Nẵng theo lịch trình. Trong đó, một chuyến phải hạ cánh tại Huế, một chuyến phải quay lại vị trí xuất phát. Hai chuyến khác thì bay vòng vèo trên không trung để chờ lệnh được phép hạ cánh.
Sự cố này được Cảng vụ hàng không miền Trung giải thích là do có thông tin về diều trên đường bay. Sau hơn 2 giờ đồng hồ “bế quan tỏa cảng” để kiểm tra lại thông tin này, nhà chức trách hàng không mới tiếp tục cho phép các máy bay cất hoặc hạ cánh xuống Đà Nẵng.
Cảnh hành khách xếp hàng chờ hãng hàng không bố trí chuyến bay bù. Ảnh do độc giả cung cấp. |
Trao đổi với báo giới, quan chức của cả 2 hãng hàng không Vietnam Airlines và Jetstar Pacific đều cho rằng có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc các hãng phải hoãn hủy chuyến bay và thường là liên quan đến các sự cố kỹ thuật. Chỉ cần một con ốc bị hỏng nhiệt độ máy bay tăng hoặc giảm bất thường... cũng có thể khiến hãng phải hoãn bay để kiểm tra.
Ngoài ra một số yếu tố khách quan khác như thời tiết xấu, mưa to, gió lớn hay việc xuất hiện diều, chim tại sân bay cũng khiến chuyến bay bị hoãn. "Chúng tôi không thể cất cánh trong điều kiện kỹ thuật chưa cho phép. Với các hãng hàng không an toàn luôn được đặt lên hàng đầu", người phát ngôn Vietnam Airlines Lê Hoàng Dũng nói.
Đại diện Jetstar Pacific cho biết chuyện hoãn hủy chuyến bay là bất khả kháng. Cứ một chuyến bị hoãn, hủy sẽ ảnh hưởng dây chuyền đến các chuyến bay khác, thiệt hại lên đến cả tỷ đồng. Còn việc khách hàng than phiền không được giải thích thỏa đáng khi chuyến bay bị hoãn, vị đại diện này cho rằng đây cũng là yếu tố bất khả kháng. Hãng vận chuyển không thể biết chính xác giờ nào máy bay sửa xong.
"Rất nhiều lần chúng tôi phải bố trí một chuyến bay không có người từ TP HCM ra Hà Nội hoặc ngược lại để chở khách. Thiệt hại các hãng vận chuyển phải chịu có dám kêu ai đâu", vị đại diện này cho biết thêm.
Liên quan đến các trường hợp khó mua vé, hoặc có vé không được bay, đại diện các hãng hàng không cho rằng bản thân hành khách cũng có lỗi. Do không có kế hoạch từ trước, hành khách lên thẳng sân bay để mua vé sát giờ nên gặp khó khăn là điều dễ hiểu. Bởi khi mua vé ở thời điểm này sẽ gặp "cò" và phải trả phí cao nên hành khách bức xúc.
Nhiều trường hợp có vé nhưng không được lên máy bay cũng do hành khách đến làm thủ tục muộn. Hiện tại các hãng hàng không đều áp dụng quy định ngừng làm thủ tục trước 30 phút. Sau thời điểm này thì hãng vận chuyển có quyền bán cho khách hàng khác. Việc bán vé giờ chót được các hãng hàng không coi là để hạn chế số ghế trống trên máy bay vào thời điểm đóng chuyến.
Theo phản ánh của hành khách, các quy định, quy trình xử lý vụ việc của các hãng hàng không ban hành khá chuẩn và hợp lý. Thế nhưng, do khâu thực hiện lại không được giám sát, chuyên nghiệp hóa dẫn tới bức xúc của khách hàng. Chẳng hạn khi các hãng hàng không quá tải, hoãn hủy chuyến... hành khách có thể thông cảm nếu như nhận được lời giải thích hợp lý, đầy đủ với thái độ nhã nhặn.
Mùa hè năm nay, các hãng hàng không đều dự báo nhu cầu đi lại của hành khách tăng 20-30% so với bình thường. Do vậy, ngay từ tháng 5, Vietnam Airlines đã tăng gần 600 chuyến bay từ Hà Nội, TP HCM đi nhiều tỉnh thành. Hãng giá rẻ Jetstar Pacific Airlines cũng giảm tải cho thị trường nội địa bằng việc tăng thêm một số chuyến bay trên chặng Hà Nội - Đà Nẵng và Hà Nội - Nha Trang. Tuy nhiên, theo phản ánh của khách hàng, họ vẫn rất khó mua vé máy bay trên một số chặng nội địa. Thông thường, hãng hàng không được phép bán vé nhiều hơn so với số ghế, nhằm đề phòng trường hợp nhiều khách bỏ chỗ. Tỷ lệ vượt được tiến hành trên cơ sở phân tích số liệu của các năm trước và dự phòng cho các trường hợp khó khăn có thể xảy ra. Thế nhưng, khi nhu cầu đi lại của hành khách tăng cao vượt quá tỷ lệ thông thường nên có thể xảy ra trường hợp hành khách mua vé dự phòng không được lên máy bay. |