Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Metro, chuyển giá và bài học quản lý

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Câu chuyện chuyển giá của Metro, với quyết định cuối cùng từ phía Tổng cục Thuế là điều chỉnh giảm lỗ, giảm khấu trừ và truy thu thuế tổng số tiền 507 tỷ đồng, có thể nói là một bài học đắt giá trong công tác quản lý.

Kết luận từ một nghi án chuyển giá

Nghi án chuyển giá của Metro Cash & Carry Việt Nam cuối cùng đã có câu trả lời khi Tổng cục Thuế vừa chính thức công bố kết quả thanh tra thuế ở công ty này. Theo đó, đã điều chỉnh giảm lỗ, giảm khấu trừ và truy thu tổng cộng 507 tỷ đồng tiền thuế (tương đương 23 triệu USD).
Tới 95% hàng hóa bán tại Metro là của Việt Nam, hàng nhập khẩu chỉ chiếm khoảng 5%.
Tới 95% hàng hóa bán tại Metro là của Việt Nam, hàng nhập khẩu chỉ chiếm khoảng 5%.. 
Trong số này, lớn nhất là khoản điều chỉnh giảm lỗ đối với khoản chi phí nhượng quyền thương mại, chi phí không phục vụ cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, chi phí dự phòng giảm giá hàng tồn kho, chi phí trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi chưa đảm bảo các điều kiện, thủ tục, với số tiền lên tới 335 tỷ đồng.

Ngoài ra, điều chỉnh thuế nhà thầu nước ngoài đối với các khoản chi phí bồi hoàn tiền lương trả cho Công ty Metro Cash & Carry Đức để trả cho các nhân viên nước ngoài làm việc tại Metro Cash & Carry Việt Nam khoảng 62 tỷ đồng; và điều chỉnh giảm trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào đối với khoản tiền thu hỗ trợ quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại từ các nhà cung cấp 110 tỷ đồng.

Khoản chi phí nhượng quyền thương mại quá lớn chính là một trong những nguyên nhân được Tổng cục Thuế cho rằng đã khiến Metro lỗ triền miên trong 13 năm hoạt động tại Việt Nam.

Số liệu của Tổng cục Thuế, trong giai đoạn 2001 - 2013, chi phí nhượng quyền thương mại mà Metro Cash & Carry Việt Nam phải trả cho công ty mẹ ở Đức đã lên tới 731 tỷ đồng. Bên cạnh đó, chi phí lương, thưởng và phụ cấp cho ban giám đốc và chuyên gia nước ngoài trả cho các cá nhân thông qua Metro Cash & Cary GmbH (MCC) tại Đức cũng là một con số khủng, lên tới 699 tỷ đồng... Các giao dịch liên kết này được cho là mánh lới để Metro Cash & Carry Việt Nam chuyển giá.

Tuy nhiên, do 3 năm đầu, Metro không đăng ký với Bộ Công thương theo quy định nên sau thanh tra, cơ quan thuế đã quyết định điều chỉnh giảm chi phí nhượng quyền thương mại số tiền 245 tỷ đồng.

Cơ quan thuế thậm chí cũng đã loại khỏi chi phí hợp lý hợp lệ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi phí nhượng quyền thương mại trả cho Công ty Metro AG (Đức) năm 2012 - 2013 số tiền 7,5 tỷ đồng. Lý do là vì, Metro Cash & Carry Việt Nam đã hạch toán vào chi phí nhiều hơn doanh thu Công ty Metro AG (Đức) theo xác nhận của kiểm toán KPMG tại Đức.

Và tất nhiên, cũng đã quyết định truy thu thuế nộp thay nhà thầu nước ngoài năm 2012 - 2013 đối với khoản chi phí lương, thưởng và phụ cấp cho ban giám đốc và chuyên gia nước ngoài trả cho các cá nhân thông qua Metro Cash & Cary GmbH số tiền 16 tỷ đồng. Đồng thời, yêu cầu đơn vị kê khai bổ sung số tiền thuế 39 tỷ đồng đối với khoản chi phí này trong khoảng thời gian ngoài niên độ thanh tra.

Metro Cash & Carry Việt Nam bắt đầu đi vào hoạt động tại Việt Nam từ ngày 28/3/2002. Kể từ đó tới nay, Metro đã khai lỗ triền miên, với 1.657 tỷ đồng, chỉ có một năm lãi duy nhất là năm 2010, với số tiền 173 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau thanh tra, cơ quan thuế đã điều chỉnh giảm lỗ 500,4 tỷ đồng, đồng thời xác định Metro Cash & Carry Việt Nam đã có lãi trong 2 năm (2010 - 2011), với số tiền 234,8 tỷ đồng.

13 năm, Metro làm được gì cho Việt Nam?

Lỗ triền miên, nhưng vẫn không ngừng mở rộng đầu tư, nên từ một cơ sở ban đầu, Metro Cash & Carry Việt Nam hiện đã có 19 trung tâm và 1 kho trung chuyển thuộc 16 tỉnh, thành phố. Tổng vốn đầu tư của Metro tại Việt Nam cũng đã tăng từ 120 triệu USD lên hơn 301 triệu USD. Đó là một trong những nguyên nhân khiến dư luận và cơ quan thuế đặt ra nghi vấn chuyển giá của công ty này, đặc biệt là sau khi Metro công bố thương vụ bán hệ thống của mình tại Việt Nam cho Tập đoàn Berli Jucker (BJC) của Thái Lan, với giá trị thương vụ lên tới 879 triệu USD vào năm trước, gấp gần 3 lần tổng vốn đầu tư.

Việc Metro không ngừng đầu tư mới, nhất là trong một thời gian ngắn, từ năm 2010 đến năm 2012, đã mở thêm 10 trung tâm với trang thiết bị hiện đại được cho là nguyên nhân cơ bản khiến Công ty thua lỗ kéo dài, bởi chi phí khấu hao, tiện ích, tiền thuê đất của các trung tâm mới là khá lớn. Trong khi đó, ở điều kiện hoạt động bình thường, một trung tâm mới cần từ 3 - 5 năm kể từ ngày khai trương để đạt điểm hòa vốn.

Không xét tới các yếu tố vi phạm, thì quả thực, con số 19 trung tâm thương mại Metro trong cả nước là rất đáng ghi nhận, đã góp phần quan trọng phát triển hệ thống phân phối hàng hóa ở Việt Nam. Chưa kể, chính Tổng cục Thuế trong kết luận thanh tra của mình cũng thừa nhận, Metro Cash & Carry Việt Nam đã giúp cho các nhà cung cấp Việt Nam có thị phần kinh doanh tại thị trường Việt Nam.

Kết quả thanh tra và theo báo cáo của Metro cho thấy, có 95% hàng hóa bán tại siêu thị là của Việt Nam, chỉ khoảng 5% hàng nhập khẩu. Chưa kể, ngay cả nhập khẩu tài sản cố định cũng có xu hướng giảm đi, từ 29,2% trên tổng doanh số mua vào năm 2002, đã giảm xuống còn 0,2% vào năm 2013 và 0% vào năm 2014.

Mặt khác, Metro Cash & Carry Việt Nam giải quyết công ăn việc làm cho lao động Việt Nam, với năm 2012 là 3.965 người, năm 2013 là 3.770 người.

Do lỗ kéo dài, nên tổng số thuế mà Metro đã kê khai và nộp vào ngân sách nhà nước từ năm 2001 đến ngày 31/12/2014 là 1.014,996 tỷ đồng. Trong đó, thuế thu nhập cá nhân 260,087 đồng; thuế giá trị gia tăng (bao gồm cả thuế giá trị gia tăng nộp thay nhà thầu nước ngoài) 370,014 tỷ đồng; thuế thu nhập doanh nghiệp nộp thay nhà thầu nước ngoài 126,631 tỷ đồng; và các khoản thuế khác (thuế môn bài; tiền thuê mặt đất mặt nước, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, phạt…) là 258,264 tỷ đồng.

Những đóng góp còn quá ít ỏi so với kỳ vọng, so với quy mô hoạt động của Metro. Nhưng dù sao, đó cũng là những gì Metro đã làm được cho Việt Nam. Chưa kể, thông tin từ Metro cho biết, 13 năm qua, họ cũng đã triển khai nhiều hoạt động đầu tư bền vững cho cộng đồng để góp phần thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế trong nước. Chẳng hạn, phát triển trạm trung chuyển cá ở Đồng bằng sông Cửu Long, kết nối nông dân với nhà cung cấp…

Phản hồi của Metro và bài học quản lý

“Chúng tôi hợp tác chặt chẽ với cơ quan thuế trong thời gian kiểm toán và được biết kết quả thanh tra của cơ quan thuế Việt Nam về Công ty Metro Cash & Carry Việt Nam”, đại diện Công ty Metro Cash & Carry Việt Nam đã nói như vậy sau những lình xình liên quan đến kết luận thanh tra của Tổng cục Thuế.

Vị đại diện của Metro cũng khẳng định rằng, tại Việt Nam cũng như các thị trường khác mà Metro có hoạt động, Metro luôn tuân thủ nghiêm các quy định và luật pháp địa phương, hoạt động như một công dân có trách nhiệm, không ngừng đóng góp vào sự tăng trưởng nền kinh tế địa phương cũng như sự phát triển chung của cả cộng đồng.

“Trong quá trình hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, chúng tôi luôn cố gắng tốt nhất để theo kịp sự thay đổi của các quy định pháp luật và hợp tác với các cơ quan chức năng để khắc phục kịp thời”, vị đại diện trên nói.

Nhưng dù Metro có nói gì và dù họ đã làm được gì cho Việt Nam, thì một thực tế rất rõ ràng rằng, Metro đã có những hành vi vi phạm pháp luật của Việt Nam. Nghi án chuyển giá đã có lời giải đáp và Metro phải có trách nhiệm thực hiện các quyết định cuối cùng của cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam.

Song điều quan trọng hơn, theo GS-TSKH. Nguyễn Mại, chuyên gia trong lĩnh vực đầu tư trực tiếp nước ngoài, sau câu chuyện của Metro là một bài học đắt giá trong quản lý nhà nước.

Một cách thẳng thắn, vị chuyên gia này cho rằng, các nhà đầu tư nước ngoài “chẳng tội gì” mà không chuyển giá, bởi điều đó mang lại nhiều lợi ích cho họ. Và họ làm điều đó không phải chỉ ở Việt Nam, mà còn ở nhiều quốc gia khác.

“Vì thế, cơ quan quản lý phải thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp. Nếu có nghi vấn, phải lập tức kiểm tra, để tránh tình trạng doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở của pháp luật để trục lợi”, ông Mại nói và cho rằng, tất nhiên, thanh tra, kiểm tra là cần thiết, nhưng cũng không nên làm trên diện rộng, bởi điều đó cũng có thể gây phiền nhiễu tới doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Cũng cần phải nhắc lại rằng, trước Metro, những cái tên được nhắc tới trong nghi án chuyển giá còn có các đại gia Adidas, Keangnam, Huolon… Các quyết định truy thu thuế cũng đã được đưa ra sau một thời gian các đại gia này lòng vòng chuyển giá, thua lỗ kéo dài. Nhưng có một câu hỏi luôn được đặt ra, đó là vì sao “đến giờ mới phát hiện ra”.

“Dù chúng ta quyết định truy thu 507 tỷ đồng của Metro, nhưng bao giờ sẽ thu được? Nếu như thương vụ của Metro với BJC đã hoàn tất, thì lúc này mới công bố truy thu thuế liệu có giải quyết được gì không?”, ông Mại đặt câu hỏi.

Đó là những câu hỏi không phải là không có lý. Và rõ ràng, trách nhiệm là thuộc các cơ quan quản lý nhà nước.

Lại nhắc đến câu chuyện của Nestlé mà trước đây Báo Đầu tư đã từng đề cập. Đó là công ty này cũng liên miên thua lỗ ở Việt Nam song vẫn mở rộng đầu tư. Lúc đó, cơ quan thuế cũng đã nhắc đến chuyện thanh tra, kiểm tra, nhưng sau 2 năm, chưa có thông tin nào liên quan đến vấn đề này…/.