Mì tôm hay còn gọi là mì ăn liền ra đời sau so với các loại thức ăn truyền thống nhưng lại nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường vì sự tiện lợi.
Mì tôm phù hợp với tất cả các đối tượng, vì vậy được người Việt Nam tiêu thụ lên đến 55 gói/người/năm và đứng đầu các nước Đông Nam Á. Mì tôm được làm từ nguyên liệu chính là bột mì, bột sắn, lượng chất đạm có rất ít, chủ yếu là đạm thực vật. Vì vậy, nếu chỉ ăn mì tôm mà không bổ sung thêm chất đạm và chất xơ thì bữa ăn mất cân đối. Nếu sử dụng thường xuyên, cơ thể sẽ bị thiếu các chất dinh dưỡng cần thiết, ảnh hưởng đến hệ miễn dịch, mạch máu, gây tình trạng thiếu vitamin và khoáng chất. Trong mì ăn liền chứa rất nhiều chất béo bão hòa (axit béo no, khó tiêu hóa), carbonhydrates (chất bột) và rất ít chất xơ. Trong quá trình sản xuất, mì ăn liền lại được chiên trong dầu ở nhiệt độ cao nên dễ bị oxy hóa và có khả năng tạo ra các chất béo dạng "trans fat". "Trans fat" sẽ làm tăng mức cholesterol xấu trong máu, dẫn đến tăng nguy cơ bị các bệnh tim mạch, gây tắc nghẽn và dẫn đến nguy cơ đột quỵ. Ngoài ra, trong gói mì còn có gói nhỏ gia vị và dầu mỡ làm cho bát mì thêm màu sắc hấp dẫn, chất phụ gia và hương vị có tác dụng tạo sự ngon miệng, đánh lừa cảm giác nhưng không tốt cho người bệnh tim mạch, huyết áp cao.
Trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại mì tôm, đóng gói bằng các bao bì khác nhau. Tuy nhiên, nhãn mác ghi thành phần giá trị dinh dưỡng lại chưa cụ thể và chi tiết, thông tin sơ sài, không rõ ràng như giá trị về năng lượng (kcal), chất đạm, chất béo, chất bột đường, chất xơ…Với những sản phẩm này, cần có quy định về lượng "trans fat" cùng với các tiêu chí về lượng chất béo có trong sản phẩm, bởi lượng chất béo trong khẩu phần ăn hàng ngày rất quan trọng đối với từng người, đặc biệt những người mắc các rối loạn lipid máu, tăng huyết áp, bệnh tim mạch… Việc ghi rõ các thành phần trong nhãn mác giúp người tiêu dùng có thể lựa chọn được sản phẩm tốt và phù hợp với tình trạng sức khỏe của mình.
Hiện nay, cơ quan quản lý chưa đưa ra quy định về việc ghi thành phần “trans fat” trên thực phẩm. Mặc dù vậy, các nhà sản xuất cũng cần phải đi tiên phong trong vấn đề đảm bảo sức khỏe cộng đồng bằng việc cam kết sản phẩm của mình không có "trans fat", bên cạnh đó nên bổ sung thêm chất xơ trong sản phẩm. Trong lúc chờ đợi những quy định về "trans fat" trong các sản phẩm thực phẩm ở Việt Nam, các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo, người tiêu dùng nên tự bảo vệ sức khỏe bằng cách chọn các sản phẩm của các nhà sản xuất có thương hiệu, nhất là các cơ sở đã áp dụng hệ thống quản lý ATTP đạt chất lượng. Đối với người tiêu dùng, khi sử dụng mì ăn liền nên bổ sung thêm rau xanh và các loại đạm từ thịt, trứng để bù đắp lượng vitamin, chất xơ và protein nhằm đảm bảo đủ dinh dưỡng cho nhu cầu cơ thể.
Tùy theo sở thích, cũng như sức khỏe của mình mà mỗi người nên có cách lựa chọn thực phẩm phù hợp. Những người mắc bệnh rối loạn lipid máu, tăng huyết áp, thừa cân, béo phì, tiểu đường cần hạn chế sử dụng mì ăn liền, đặc biệt trong các bữa chính, vì mì chỉ cung cấp calo còn thiếu vitamin và protein cho cơ thể.
Ảnh minh họa.
|