Kinhtedothi - Hãng công nghệ Mỹ thể hiện động thái cứng rắn nhằm bảo vệ người dùng trước những phần mềm giả mạo, dễ dẫn đến hiểu lầm, chất lượng kém hay gây mất tiền.
Microsoft cho biết, kho phần mềm Windows Phone Store và Windows Store sẽ được hãng kiểm duyệt chặt chẽ hơn nhằm tránh việc giả mạo gây ảnh hưởng xấu đến khách hàng.
Các phần mềm để được đăng tải lên kho ứng dụng sắp tới sẽ phải có tên rõ ràng, phản ảnh đúng chức năng, Microsoft nói. Hãng phân chia các ứng dụng theo từng danh mục, đảm bảo người dùng tìm được đúng phần mềm mình cần. Ngoài ra Microsoft cũng siết mạnh tay với các ứng dụng nhái, được làm giống biểu tượng, có tên “na ná” nhau nhằm tránh việc “ăn theo” gây hiểu lầm và thiệt hại cho các bên.
Nhận được nhiều phản hồi, Microsoft đã gỡ bỏ 1.500 ứng dụng không phù hợp với chính sách trên. Hãng cũng sẵn sàng hoàn tiền nếu người dùng đã mất phí để tải về các phần mềm kém chất lượng. Hầu hết các nhà phát triển tỏ ra vui mừng trước động thái của Microsoft. Trong khi đó, "gã phần mềm khổng lồ" khuyến khích người dùng báo cáo về các trường hợp giả mạo trên Windows Store.
Không riêng Microsoft phải đối mặt với vấn nạn ứng dụng giả mạo, ứng dụng nhái mà Google hay Apple cũng rất vất vả trong khâu kiểm duyệt. Android thường yêu cầu các nhà phát triển chờ khoảng 3 ngày trước khi cho phép đăng lên Play Store, trong khi đó iOS với App Store có thể là 7 ngày hoặc lâu hơn.
Việc ứng dụng nhái, ứng dụng kém chất lượng tràn lan không chỉ khiến người dùng khó chịu mà con gây thiệt hại về kinh tế. Theo thống kê của hãng bảo mật McAfee, trung bình cứ 5 trò chơi ăn theo Flappy Bird thì có tới 4 trò bị cài mã độc ăn cắp tài khoản hoặc thông tin cá nhân người dùng. Với trò chơi Swing Copters, khi Nguyễn Hà Đông chưa tung ra chính thức đã có hàng chục ứng dụng phát hành với tên gọi tương tự. Việc này khiến rất nhiều người hiểu lầm đó là trò chơi thật, số khác lại khó chịu khi không thể tìm ra đúng ứng dụng mình cần.