Microsoft đã gửi đơn kiện lên chính phủ Mỹ để yêu cầu quyền có thể thông báo với người dùng của mình khi cơ quan liên bang đòi hỏi công ty cung cấp thông tin người dùng của họ. Đây là động thái mới nhất trong cuộc chiến giữa các hãng công nghệ với chính quyền Washington.
Đơn kiện được Microsoft gửi lên Tòa án Liên bang tại Seattle, lập luận rằng chính phủ Mỹ đang vi phạm Hiến pháp Hoa Kỳ bằng cách ngăn chặn Microsoft thông báo cho khách hàng của mình về việc chính phủ yêu cầu công ty cung cấp địa chỉ email cũng như các tài liệu liên quan đến họ.
Microsoft cho biết hành động của chính phủ Mỹ là vi phạm Luật Hiến pháp sửa đổi, trong đó có quyền cho phép người dân và các doanh nghiệp được biết nếu chính phủ tìm kiếm hoặc tịch thu tài sản của họ, bao gồm các thông tin cá nhân.
Đơn kiện của Microsoft tập trung vào các dữ liệu được lưu trữ trên các máy chủ từ xa, thay vì các dữ liệu được lưu trữ máy tính của người dùng, mà Microsoft cho biết đã từng cung cấp một giải pháp để chính quyền có thể truy cập vào các thiết bị điện tử.
Microsoft cho biết, bằng cách sử dụng Đạo luật Bảo mật Truyền thông điện tử (ECPA), chính phủ Mỹ đang tăng cường đỏi hỏi các dữ liệu được lưu trữ trên các máy chủ đám mây. Đạo luật đã được ra đời từ cách đây 30 năm này đang bị các hãng công nghệ và những người ủng hộ quyền riêng tư chỉ trích là đã quá lỗi thời vì được viết trước khi có sự nổi lên của Internet.
“Con người không từ bỏ quyền của mình khi họ chuyển các dữ liệu cá nhân từ thiết bị lưu trữ vật lý lên các máy chủ đám mây”, Microsoft lập luận trong đơn kiện. Microsoft còn cáo buộc rằng “chính phủ đang khai thác đạo luật như một cách để mở rộng quyền lực của mình nhằm tiến hành điều tra bí mật”.
Trong đơn khiếu nại của mình, Microsoft cho biết trong 18 tháng qua, hãng đã nhận được 5.624 yêu cầu cung cấp thông tin từ chính phủ Mỹ theo đạo luật ECPA, trong đó có 2.567 yêu cầu buộc Microsoft không được thông báo với khách hàng rằng chính phủ đang thu thập dữ liệu của người dùng.
Đơn kiện của Microsoft là một “mặt trận” mới trong cuộc chiến giữa các hãng công nghệ và chính phủ Mỹ về việc chính phủ Mỹ có thể đòi hỏi bao nhiêu và với mức độ nào về những thông tin cá nhân từ khách hàng của các hãng công nghệ.
Bằng việc nộp đơn kiện chính phủ Mỹ, Microsoft đang cho thấy vai trò nổi bật hơn cả trong “cuộc chiến” này. Trước đó, Apple cũng đã cho thấy sự kiên quyết của mình khi từ chối yêu cầu của chính phủ Mỹ giúp hỗ trợ mở khóa chiếc iPhone 5C thu được từ nghi can khủng bố với mục đích mở rộng điều tra. Nhiều “ông lớn” công nghệ khác, trong đó có Google, Facebook và cả Microsoft đã rất ủng hộ Apple trong “cuộc chiến” này.
“Cũng như Apple trong vụ việc gần đây, chúng tôi đứng cùng với Apple và hy vọng những hãng công nghệ khác sẽ đứng cùng chúng tôi”, Giám đốc Pháp lý Brad Smith của Microsoft cho biết.
Đại diện Bộ Tư pháp Mỹ cho biết đang xem xét đơn kiện của Microsoft.
Dĩ nhiên, Microsoft vẫn thu được những quyền lợi nhất định về phía công ty khi thực hiện vụ kiện này. Hiện tại, Microsoft không thể tìm được chỗ đứng trên thị trường smartphone, trong khi đó thị trường máy tính cá nhân đang lao dốc, buộc Microsoft phải chuyển sang lĩnh vực điện toán đám mây. Hơn ai hết, bản thân Microsoft hiểu rằng hãng cần phải bảo vệ quyền lợi của người dùng, từ đó kéo theo quyền lợi của công ty, nhằm lôi kéo hơn nữa các khách hàng cho dịch vụ đám mây của hãng.
Microsoft và các hãng công nghệ lớn khác đã từng giành được chiến thắng quan trọng trước chính phủ Mỹ vào 2 năm trước khi được quyền tiết lộ số lượng yêu cầu của chính phủ Mỹ về cung cấp dữ liệu người dùng mà họ nhận được. Trong trường hợp này, Microsoft muốn đi xa hơn khi đòi có quyền thông báo đến người dùng cụ thể trong trường hợp Microsoft đang buộc phải cung cấp dữ liệu của họ cho chính phủ Mỹ.
Hiện các hãng công nghệ Mỹ đang phải chịu áp lực trong việc chứng minh rằng mình đang làm mọi cách có thể để bảo vệ các dữ liệu riêng tư của người dùng. Áp lực này càng tăng mạnh hơn sau những tiết lộ từ cựu điệp viên CIA Edward Snowden vào năm 2013 về các chương trình giám sát và theo dõi của chính phủ Mỹ.