Miễn giảm giá điện cho cơ sở cách ly, khám bệnh tập trung người nghi hoặc nhiễm Covid-19

TÂN TIẾN
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là một trong nhiều chỉ đạo của Bộ Công Thương đối với các đơn vị trực thuộc Bộ và các Sở Công thương tỉnh, thành trực thuộc Trung ương trong tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp.

Không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá

Ngày 28/5, Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh có văn bản gửi UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức và các cơ quan báo chí đóng trên địa bàn để đề nghị đẩy mạnh tuyên truyền, thông tin đầy đủ về giá cả thị trường, các chính sách bình ổn thị trường, thông tin các điểm bán hàng bình ổn…, theo chỉ thị 07/CT-BCT ngày 12/5 của Bộ Công thương, trong tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp.
 Đoàn liên ngành kiểm tra việc bán hàng bình ổn giá tại cửa hàng thực phẩm, nông sản của Công ty TNHH Nông nghiệp Hòn Đất ở TP Hà Nội trong mùa dịch Covid-19.
Chỉ thị 07/CT-BCT của Bộ Công thương chỉ đạo nhiều đơn vị trực thuộc Bộ phải thực hiện theo chức trách, nhiệm vụ. Cụ thể, Vụ Thị trường trong nước cần theo dõi sát diễn biến thị trường, giá cả các mặt hàng thiết yếu, đồng thời phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và các đơn vị thuộc Bộ Công thương có liên quan đánh giá cung cầu các mặt hàng nhất là các mặt hàng thực phẩm thiết yếu, vật tư nông nghiệp, năng lượng để chủ động có phương án hoặc đề xuất với Bộ các biện pháp bảo đảm cung ứng đủ nguồn hàng, bình ổn giá, đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất và đời sống, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá.
Phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương trong công tác điều hành giá các hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước quản lý, sử dụng linh hoạt các công cụ, các biện pháp nhằm bảo đảm thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, hỗ trợ cho sản xuất và đời sống của người dân, doanh nghiệp. Phối hợp với các đơn vị liên quan của Bộ Tài chính đề xuất việc điều hành giá xăng dầu linh hoạt, bảo đảm giá xăng dầu trong nước phản ánh, bám sát diễn biến giá thành phẩm xăng dầu, hạn chế mức giá tăng giá đột biến trong nước.
Đôn đốc tạo điều kiện cho các địa phương, doanh nghiệp triển khai việc dự trữ hàng hóa, bảo đảm nguồn cung, bình ổn thị trường theo các cấp độ diễn biến của dịch bệnh Covid-19;… Hỗ trợ tiêu thụ nông sản khi vào vụ thu hoạch (nếu có) tại các địa phương có dịch bệnh bùng phát phải thực hiện các biện pháp kiểm soát dịch bệnh.
Xử nghiêm hành vi lợi dụng dịch Covid-19 để đầu cơ
Đối Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) chỉ đạo lực lượng QLTT tại các địa phương tập trung triển khai các kế hoạch kiểm tra, giám sát thị trường. Kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá, các hành vi đầu cơ, găm hàng và lợi dụng dịch bệnh để thu lợi bất chính. Kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, không bảo đảm an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh và các hành vi gian lận thương mại khác. Chú trọng các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, trang thiết bị y tế, các sản phẩm phục vụ phòng chống dịch bệnh Covid-19. Đặc biệt, chú trọng công tác kiểm tra, kiểm soát các giao dịch thương mại điện tử; Xử lý nghiêm các hành vi lừa đảo, kinh doanh hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng nhập lậu trong thương mại điện tử. Phối hợp với các lực lượng chức năng tại Trung ương và các địa phương, đặc biệt là khu vực biên giới để kiểm soát chặt chẽ hoạt động xuất nhập khẩu, phòng chống buôn lậu qua biên giới, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu.
Cục Xúc tiến thương mại tiếp tục thực hiện các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu trong giai đoạn hiện nay. Theo dõi sát tình hình xuất nhập khẩu để phối hợp với các đơn vị liên quan có biện pháp điều hành kịp thời, hợp lý nhằm bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu trong nước ngay cả khi dịch bệnh bùng phát. Hỗ trợ và đôn đốc các Hiệp hội, ngành hàng, các doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, thực hiện hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm mở rộng thị trường, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa, phục hồi kinh doanh sau dịch bệnh Covid-19
Đối với Cục Điều tiết điện lực xem xét báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ giảm giá điện cho các cơ sở lưu trú du lịch; Miễn giảm tiền điện cho các cơ sở được dùng để cách ly tập trung, khám bệnh tập trung cho bệnh nhân nghi nhiễm hoặc đã nhiễm Covid-19 theo danh sách được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Đảm bảo nguồn cung các mặt hàng thiết yếu
Bộ Công thương cũng chỉ đạo Sở Công Thương các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương chủ động tham mưu cho UBND tỉnh, TP phương án chuẩn bị nguồn hàng, dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ tiêu dùng của người dân trong trường hợp dịch bệnh bùng phát. Thực hiện các biện pháp bình ổn thị trường theo quy định của pháp luật. Phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, TP hỗ trợ kết nối các doanh nghiệp sản xuất, phân phối hàng thiết yếu với các tổ chức tín dụng trên địa bàn để tiếp cận được nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi, dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường trong tình hình hiện nay.
 Mì gói, thức uống và những thực phẩm thiết yếu khác phải đảm bảo nguồn cung. Ảnh tư liệu mùa dịch Covid-19 năm 2020.  
Theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, chỉ đạo, phối hợp với các doanh nghiệp triển khai ngay các biện pháp để hỗ trợ, bảo đảm đủ nguồn cung các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống dân sinh, có phương án bảo đảm nguồn cung các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của địa phương theo từng cấp độ diễn biến của dịch bệnh và cho các khu vực phải thực hiện cách ly, có phương án về phối hợp hỗ trợ cung ứng hàng hóa cho các địa phương khác khi cần thiết.
Phối hợp các đơn vị chức năng trên địa bàn tham mưu, triển khai các biện pháp hỗ trợ lưu thông hàng hóa, đảm bảo các phương tiện vận chuyển hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng và sản xuất của nhân dân được lưu thông thông suốt theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19. Có cơ chế ưu tiên và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia Chương trình bình ổn mở rộng mạng lưới phân phối hàng hóa đến khu vực đông dân cư, khu công nghiệp, các huyện ngoại thành, vùng sâu, vùng xa, biển đảo... nhằm tăng khả năng tiếp cận hàng bình ổn cho các đối tượng khó khăn, các đối tượng có thu nhập trung bình và thấp.
Phối hợp với Cục QLTT tại địa phương, tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường đối với các lĩnh vực về giá, chất lượng sản phẩm, các quy định về an toàn thực phẩm, các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá trái pháp luật trên địa bàn…
Chỉ thị 07/CT-BCT của Bộ Công thương cũng chỉ đạo các Hiệp hội, ngành hàng và doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Công thương rà soát cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, theo dõi sát diễn biến thị trường trong và ngoài nước để chủ động đề xuất các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, ứng phó kịp thời với những biến động bất thường nhằm bình ổn thị trường khi cần thiết. Chỉ đạo các doanh nghiệp thành viên duy trì sản xuất, chủ động, linh hoạt trong hoạt động xuất nhập khẩu, tổ chức tốt lưu thông hàng hóa nhằm bảo đảm cung ứng kịp thời và đầy đủ nguồn hàng cho thị trường.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần