Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Miễn, giảm, giãn khoảng 20.000 tỷ đồng tiền thuế

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Đó là số liệu đã được Bộ Tài chính đưa ra tại Hội nghị Ngành tài chính vừa tổ chức sáng 30/11, tại Hà Nội.

KTĐT - Đó là số liệu đã được Bộ Tài chính đưa ra tại Hội nghị Ngành tài chính vừa tổ chức sáng 30/11, tại Hà Nội.

Báo cáo của Bộ Tài chính cũng cho biết, năm 2009, thu ngân sách Nhà nước ước đạt 390.650 tỷ đồng, vượt dự toán 2%; năm 2010 phấn đấu vượt dự toán 5- 10%.

Tiến độ giải ngân vẫn chậm

Đánh giá về hiệu quả của các giải pháp kích thích kinh tế, Thứ  trưởng thường trực Bộ Tài chính- Nguyễn Công Nghiệp cho biết, các gói giải pháp này đã góp phần đưa kinh tế vượt qua khó khăn, tăng trưởng kinh tế 9 tháng đầu năm ước đạt 4,56%, quý sau cao hơn quý trước, dự kiến mức tăng trưởng cả năm đạt 5,2%, cao hơn chỉ tiêu đề ra (tăng 5%); sản xuất công nghiệp, xây dựng dần phục hồi và liên tục tăng...

Tính đến ngày 31/8, đã có trên 125.500 lượt doanh nghiệp và khoảng 937.000 đối tượng nộp thuế thu nhập cá nhân được hưởng các  ưu đãi về chính sách thuế. Ước cả năm, tổng số thuế miễn, giảm, giãn khoảng 20.000 tỷ đồng. Đồng thời, đã tiếp tục rà soát để bãi bỏ khoảng 140 tỷ đồng các khoản phí và lệ phí khác. Hiện, Tổng cục Thuế hiện đang tăng cường thực hiện các biện pháp kiểm tra, hậu kiểm qua quyết toán và có chế tài xử lý nghiêm đối với các trường hợp sai phạm, chiếm dụng tiền thuế trong quá trình thực hiện.

Năm 2009, tổng số tiền hỗ trợ lãi suất chuyển cho các tổ chức tín dụng ước thực hiện khoảng 10 nghìn tỷ đồng.

Bộ Tài chính cũng công nhận, tiến độ giải ngân vốn đầu tư cho các dự án dù có nhiều tiến bộ so với năm trước, song vẫn chậm so với yêu cầu nhiệm vụ... Ngoài các nguyên nhân chậm khắc phục như vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư kém, năng lực chủ đầu tư và nhà thầu yếu... thì sự việc gia tăng lớn tổng mức vốn đầu tư phải thực hiện trong năm 2009 cũng gây sức ép trong việc triển khai thực hiện.

Bên cạnh đó, việc triển khai chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ nới lỏng đã gây áp lực lên việc điều hành chính sách lãi suất, tỷ giá, tạo nguy cơ lạm phát trong thời gian tới.

Những tháng đầu năm, khối lượng vốn huy động qua kênh đấu thầu trái phiếu đạt thấp, nhiều phiên đấu thầu liên tiếp không thành công. Để đảm bảo cân đối ngân sách Nhà nước, Bộ đã sử dụng linh hoạt các nguồn tài chính nhàn rỗi tạm thời, tồn ngân Kho bạc Nhà nước, các Quỹ Bảo hiểm xã hội, Quỹ tích luỹ trả nợ…; đồng thời, tích cực đàm phán với các tổ chức tài chính quốc tế (WB, ADB) và Chính phủ một số nước (Nhật Bản,...) để tranh thủ thêm các nguồn vốn ưu đãi cho kích cầu đầu tư và phát triển kinh tế.

Thu ngân sách năm 2009- vượt dự toán 2%

Báo cáo của Bộ Tài chính đánh giá chung, năm 2009, thu ngân sách Nhà nước ước đạt 390.650 tỷ đồng, bằng 100,2% dự toán (vượt 750 tỷ đồng). Trong đó, thu nội địa, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu (chưa tính hoàn thuế giá trị giá tăng) và thu viện trợ đạt và vượt dự toán; riêng thu từ dầu thô giảm so với dự toán do giá dầu giảm, tuy nhiên mức giảm thấp hơn so với dự kiến đầu năm báo cáo Chính phủ, Quốc hội.

Nhằm khuyến khích các địa phương phấn đấu tăng thu, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ và Quốc hội cho xử lý theo hướng ngân sách trung ương hỗ trợ chung cho các địa phương một phần (khoảng 25%) số giảm thu do thực hiện miễn, giảm thuế. Riêng đối với các địa phương sau khi đã được hỗ trợ chung như trên, mà vẫn còn hụt thu, thì yêu cầu địa phương sử dụng một phần các nguồn tài chính hợp pháp (quỹ dự trữ tài chính, nguồn tiền lương còn dư), trường hợp còn tiếp tục hụt thu thì sẽ được bù đủ để đảm bảo dự toán chi. Theo đó, số dự kiến bù giảm thu cho các địa phương khoảng 3.000 tỷ đồng.

Để  bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, giảm nhập siêu và cải thiện cán cân thanh toán quốc tế; giảm dần bội chi ngân sách và thực hiện chính sách tiền tệ phù hợp để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, ngăn ngừa lạm phát cao trở lại, Bộ Tài chính đã đề ra mục tiêu năm 2010: Dự toán thu NSNN: 461.500 tỷ đồng, đạt tỷ lệ động viên 23,9% GDP, trong đó từ thuế và phí là 22,5% GDP (năm 2009 tương ứng đạt 23,3%GDP và 21,5%GDP); trong đó thu nội địa (không kể dầu thô) tăng 23% so với ước thực hiện 2009 (không kể thu tiền SDĐ thì tăng 25,4%), chiếm 63,9% tổng thu NSNN (dự toán năm 2009 là 59,8%). Dự toán chi NSNN năm 2010: 582.200 tỷ đồng, tăng 90.900 tỷ đồng (18,5%) so với dự toán năm 2009.

“Năm 2010, ngành tài chính, các địa phương phải phấn  đấu thu vượt từ 5-10% dự toán ngân sách, địa phương nào có khó khăn cũng phải phấn đấu vượt ít nhất 3% dự toán ngân sách”- Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng chỉ đạo.